Những linh hồn không còn phiêu bạt

TP - Cuối tháng này, hơn 100 lá thư tay, hàng chục bức ký họa, tranh màu nước, trang thơ, giấy khen… của những quân nhân Việt Nam mất tích sau các trận đánh với lực lượng Úc, New Zealand sẽ được trao trả cho phía Việt Nam. Các cựu binh Úc đang ngày đêm mong mỏi các kỷ vật đến tay người thân của chủ nhân, để những linh hồn phiêu bạt sớm về nhà.

> Cựu binh Úc với 90 lá thư của bộ đội Việt Nam
> Tri ân đoàn cựu binh xe thồ hỏa tuyến

“Những linh hồn phiêu bạt” (Operation Wandering Souls) là dự án hỗ trợ Việt Nam xác định vị trí chôn cất cũng như nhận diện những quân nhân Việt Nam mất tích trong các trận đụng độ với lực lượng của Úc và New Zealand. Dự án do một nhóm học giả Úc từng tham chiến ở Việt Nam, hiện công tác tại Đại học New South Wales (Học viện Quốc phòng Úc), thực hiện.

“Chúng tôi cũng nghiên cứu kỹ các hồ sơ chính thức của Úc và xác định được tên của khoảng 600 liệt sĩ Việt Nam... Chúng tôi dự định mang theo những dữ liệu này khi sang thăm Việt Nam vào cuối tháng 7 này, đúng dịp Việt Nam và Úc kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao” - TS Bob Hall, người phụ trách nhóm nghiên cứu, từng tham chiến tại Việt Nam, trao đổi với PV Tiền Phong qua email.

Trước đó, nhóm đã chuyển một số dữ liệu về nơi chôn cất liệt sỹ, kỷ vật của họ cho các tổ chức, cá nhân của Việt Nam.

Nhà sử học Bob Hall cho biết, nhiều năm qua, nhóm tập trung nghiên cứu các chiến dịch quân sự của Úc giai đoạn 1966-1971 tại tỉnh Phước Tuy (nay là Bà Rịa - Vũng Tàu), Long Khánh và Biên Hòa (Đồng Nai). Nhóm cũng đang giữ khoảng 90 lá thư lấy từ các chiến trường ở Bình Định.

Ngoài việc xác định nơi chôn cất, nhân thân liệt sĩ Việt Nam, dự án “Những linh hồn phiêu bạt” cũng thu thập những di vật mà binh sĩ Úc, New Zealand thu thập được từ các liệt sĩ Việt Nam, để rồi trả về gia đình người đã khuất.

Mỗi lá thư còn nguyên vết bùn đất, bức ký họa chì đen hoặc màu bay bướm, giấy khen rách rời, tài liệu quân y với nét trang trí lãng mạn... mà nhóm nghiên cứu thu thập được là mỗi cảnh đời, mỗi số phận rưng rưng.

Thư của người lính Đào Đắc Luyện (Hòm thư 44195 BS) gửi vợ là Lê Thị Hỷ (thôn Hữu Giang, xã Bình Giang, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định) có đoạn viết: “Thôi vợ chồng xa nhau đã trên 14 năm nay biết bao nhiêu nỗi thương nỗi nhớ, biết bao nhiêu chuyện muốn nói, kể ra đây sao cho hết được. Chỉ có điều phải tiêu diệt cho hết giặc Mỹ và lũ tay sai thì mới kể hết được. Lần nữa anh nhắc lại em cố cho thằng Huệ đi học và sau khi nhận được thư này biên thư cho anh và nói Huệ biên thư cho anh nhé!”.

Câu chuyện chiếc nhẫn

Một bức thư người cha gửi con đang chiến đấu, “mong con trở thành dũng sĩ diệt Mỹ” .
 

Theo nhóm nghiên cứu Úc, ngày 9/12/1970, một trung đội thuộc Trung đoàn Hoàng gia Úc mật phục ở vị trí khoảng 7km về phía đông làng Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Phước Tuy.

Lúc 7h25 sáng, phía Việt Nam tấn công vị trí trung đội của Úc với súng cối và súng hạng nặng. Tuy nhiên, Quân giải phóng Việt Nam không biết chắc vị trí mai phục của quân lính Úc và cuộc tấn công chỉ lướt qua vị trí này. Phía binh sỹ Úc bắn trả và phản công từ phía bên sườn của phía Việt Nam. Trong trận đánh này, một chiến sỹ Việt Nam hy sinh.

Sau trận đánh, binh lính Úc tìm được một chiếc nhẫn vàng và một số tài liệu của người chiến sỹ hy sinh. Các tài liệu sau đó được gửi về trung tâm ở Núi Đất để giám định tình báo. Kết quả cho thấy chiến sỹ Việt Nam là thành viên Đại đội K9, tiểu đoàn đoàn lực lượng địa phương D440. Tuy nhiên, Đại đội K9 của D440 đã được chuyển giao cho D445 và trở thành Đại đội C3 của tiểu đoàn này.

Các tài liệu xác định người liệt sỹ là Nguyen Van Sang, sinh tại Quảng Ngãi, thuộc Đại đội K9, Tiểu đoàn D440, nhưng phục vụ cho Đại đội C3 D445. Anh là tiểu đội phó. Các tài liệu gồm một bằng khen, chứng nhận là Đảng viên và một chứng nhận thăng chức ghi vào giữa tháng 8/1970.

Không may là những tài liệu này không do Quân đội Úc lưu giữ mà được chuyển cho Trung tâm Khai thác Tài liệu hỗn hợp của Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại Sài Gòn và sau đó nhóm nghiên cứu Úc không có thông tin tiếp theo về số phận của các tư liệu thu giữ được.

“Riêng chiếc nhẫn vàng vẫn được phía quân đội Úc giữ lại. Nếu không tìm thấy gia đình người liệt sỹ, chúng tôi sẽ trao chiếc nhẫn cho Chính phủ Việt Nam vào ngày 29/7 tại Hà Nội”, ông Derrill de Heer, thành viên nhóm nghiên cứu, người từng tham gia hai cuộc chiến của Úc, nói với PV Tiền Phong.

Chân dung người lính

Chân dung chiến sỹ Việt Nam được in ra từ phim âm bản lưu trữ từ năm 1968 .
 

Theo tài liệu dự án “Những linh hồn phiêu bạt” cung cấp, ngày 12/8/1968, các binh sĩ người New Zealand thuộc Trung đội 3, Đại đội W, Tiểu đoàn 4RAR/NZ đang bảo vệ chiến dịch phá dỡ địa hình vùng ven lộ giữa núi Dinh và núi Tóc Tiên (Bà Rịa - Vũng Tàu). Trung đội 3 phục kích gần một con sông nhỏ ở phía tây núi Dinh. Lúc 2h50 chiều, hai chiến sỹ của Quân giải phóng Việt Nam tiến về phía khu vực mai phục. Một chiến sỹ bị bắn. Chiến sỹ còn lại cố gắng mang theo thi hài của đồng đội, nhưng làn mưa đạn buộc anh phải bỏ lại đồng đội. Có vết máu cho thấy anh đã bị thương. Người ta tìm thấy 2 khẩu súng trường CKC, 2 quả lựu đạn và dụng cụ nấu ăn.

Tìm thấy một đoạn phim âm bản người chiến sỹ Việt Nam mang theo, nhóm binh sỹ New Zealand giữ lại với hy vọng xác định được danh tính liệt sỹ và cung cấp thông tin tình báo. Đoạn phim sau khi tráng cho thấy bức chân dung một chiến sỹ của Quân giải phóng và được cho là thuộc một đơn vị quân y. “Chúng tôi không biết liệu bức ảnh có phải là chân dung của người chiến sỹ Việt Nam hy sinh trong trận phục kích hay không, nhưng chúng tôi phỏng đoán như vậy. Nhân viên tình báo của Đại đội W (không tham dự cuộc chạm súng) đã giữ lại đoạn phim âm bản và trả lại phía New Zealand. Ông hy vọng bức ảnh sẽ được trả về cho gia đình người chiến sỹ Việt Nam”, ông Heer nói.

Bức ký họa Long Tân

Một trong khoảng 40 bức ký họa đen trắng được lưu giữ từ trận Long Tân .
 

Nhóm nghiên cứu Úc cho biết, ngày 18/8/1966, các lực lượng thuộc Quân giải phóng Việt Nam và một đại đội của Úc đối mặt tại đồn điền cao su Long Tân thuộc tỉnh Phước Tuy. Trung đoàn 275 Quân giải phóng và Tiểu đoàn D445 của phía Việt Nam với sự yểm trợ của các đơn vị hậu cần tấn công Đại đội D thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn Hoàng gia Úc. Đó là một trận chiến khốc liệt mà phía Úc thường gọi là trận Long Tân. Đó là trận đánh lớn nhất của binh sĩ Úc trong cuộc chiến ở Việt Nam và ngày 18/8 đã trở thành ngày đặc biệt với Úc, đặc biệt là các cựu binh Úc từng phục vụ ở Việt Nam.

Sáng 19/8/1966, Đại đội D và các đại đội khác trở lại chiến trường để tìm xác lính Úc và chôn thi thể binh sĩ Việt Nam từng người một, đúng vị trí họ ngã xuống. Một sỹ quan Úc giám sát việc chôn cất phát hiện một quyển sách trong túi một chiến sỹ có kẹp các bức ký họa thể hiện sinh động cuộc sống của chiến sỹ này cùng đồng đội và người dân địa phương. Vị sỹ quan giữ lại quyển sách cùng các bức ký họa và đến năm 2012 tặng cho dự án “Những linh hồn phiêu bạt” với hy vọng kỷ vật này sẽ trở về Việt Nam. “Nếu không tìm thấy gia đình người chiến sỹ hoặc các cựu chiến binh Trung đoàn 275, chúng tôi sẽ trao kỷ vật cho Bảo tàng Đồng Nai vào chiều 30/7”, ông Heer cho biết.

Báo Tiền Phong sẽ lần lượt đăng trên www.tienphong.vn thông tin, hình ảnh những kỷ vật do Operation Wandering Souls cung cấp.

Tấm lòng cựu binh Úc

Việc hợp tác trao trả hài cốt quân nhân nước ngoài tham gia chiến tranh ở Việt Nam bị mất tích (MIA) là việc làm nhân đạo của chính phủ Việt Nam thể hiện đạo lý của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử và đã được các chính phủ liên quan (Mỹ, Úc…) đánh giá cao. Vấn đề MIA của Úc đến nay đã giải quyết xong.

“Những người làm dự án Operation Wandering Souls mong muốn đáp lại thiện chí của phía Việt Nam bằng việc cung cấp các thông tin hữu ích cho việc tìm kiếm hài cốt và trao trả lại các kỷ vật của bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh”, ông Nguyễn Quang Trung, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Úc, nói với PV Tiền Phong.

Chiến tranh Việt Nam để lại những di chứng với mức độ khác nhau cho các cựu binh Úc. Nhiều người có cảm giác dằn vặt, tự vấn mình trong nhiều năm, có người không chịu đựng nổi đã tìm đến cái chết…

“Gần đây có trường hợp cựu chiến binh Brian ở Tây Úc là một ví dụ điển hình. Ông này có người anh cũng tham chiến ở Việt Nam và đã tự sát khi trở về Úc. Bản thân ông luôn dằn vặt về cuộc chiến và năm nay quay trở lại Việt Nam với mong muốn tìm lại hài cốt của một số liệt sỹ ta mà ông đã tận mắt chứng kiến lúc hy sinh”, ông Trung cho biết.

Trong khuôn khổ dự án Operation Wandering Souls năm ngoái cũng có trường hợp một cựu chiến binh Úc cảm thấy nhẹ nhõm rất nhiều khi trả lại được chiếc khăn cho bà mẹ 85 tuổi của một liệt sỹ Việt Nam…

Theo Báo giấy