Nhức nhối

TP - Bên cạnh những lực lượng như Công an, Biên phòng, thì Hải quan và Quản lý thị trường được coi là những phên dậu mềm giúp hình thành mạng lưới vững chắc nhằm chốt chặn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên toàn quốc.

Tại nhiều kỳ họp Quốc hội cũng như các diễn đàn khác, những câu hỏi đầy nghi vấn về những lỗ hổng lỗ chỗ trong mạng lưới thực thi chống buôn lậu luôn gây sự chú ý của dư luận. Lâu lâu, báo chí và người dân lại được thông tin về những vụ bắt hàng giả, hàng nhái với quy mô vừa phải. Nhưng không thấy những vụ buôn lậu quy mô cực lớn, lớn đến mức có thể cung cấp hàng cho toàn bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước được phanh phui và nghiêm khắc trừng trị để những kẻ buôn lậu khác phải chùn tay.

Cũng không quá khi nói rằng, “chiếc bùa” lòng tin của người dân vào những đợt ra quân rầm rộ, đầy màu mè dưới nhiều hình thức khác nhau của các cơ quan có chức năng chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng đang dần mất thiêng. Những chuyến hàng xe tải lặc lè chở đồ chơi Trung Quốc, chở hàng nhái trong đủ mọi lĩnh vực sản xuất (tôn, thép, thiết bị vệ sinh...) và hàng tiêu dùng (chân gà, nội tạng gia súc, gia cầm, thịt bẩn, rau củ quả không rõ nguồn gốc, chất lượng thấp...) vẫn hằng ngày xuất hiện trên mọi nẻo đường đưa hàng lậu, hàng giả, hàng nhái đến mọi điểm phân phối như việc thường ngày ở huyện.

Kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Thuốc lá được công bố mới đây cho thấy, Việt Nam là thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu lớn đứng thứ hai trong 11 nước châu Á được khảo sát. Riêng năm 2014, theo tính toán, thất thu thuế thuốc lá có thể đạt mức 8.000 tỷ đồng. Còn với thị trường tôn giả, mỗi năm ngân sách thất thu cả nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp thì khốn đốn với thiệt hại ước tính hơn 9.000 tỷ đồng. Những con số hàng chục nghìn tỷ đồng thiệt hại khác trong các ngành chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, dược phẩm, hàng tiêu dùng dường như chưa đủ làm lay động những người có chức năng quản lý, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Thông tin công bố công khai tại cuộc họp Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy rõ thực trạng lực lượng quản lý thị trường chỉ làm được những vụ lẻ tẻ đang dần trở thành nghịch lý: Mỗi năm xử lý hàng trăm nghìn vụ hàng giả với mức phạt 400 tỷ đồng, tính trung bình mỗi vụ chỉ xử phạt 400.000 đồng.

Đích thân người phát ngôn của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khi trả lời báo chí mới đây, cũng phải thừa nhận lực lượng quản lý thị trường đang có “nhiều vấn đề”. Dù là lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên thị trường nội địa, lực lượng Quản lý thị trường hiện nay yếu do mô hình tổ chức chưa phù hợp và địa vị pháp lý chưa tương xứng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đó là con người cũng như việc xây dựng tổ chức và cơ cấu hoạt động, quyết tâm dẹp hàng lậu, hàng giả thì không được đề cập đến.

Bài ca muôn thủa “thiết trang thiết bị, thiếu nhân lực, vấn đề liên quan nhiều bộ ngành” từng được lãnh đạo Bộ Công Thương và lực lượng quản lý thị trường đưa ra để làm tấm bình phong che chắn trách nhiệm mỗi khi bị dư luận truy vấn. Nhiều người trong ngành cũng phải thừa nhận, chỉ cần các cơ quan chức năng nhiệt tình, nỗ lực hơn nữa, vì sức khỏe cộng đồng, người dân, vì trách nhiệm với những chức danh mình được giao phó, trong công tác phòng, chống nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, chốt chặt ngay từ cửa khẩu, biên giới thì sẽ không có cảnh “thả gà ra đuổi” chống hàng lậu, hàng giả ở các tỉnh, thành phố như hiện nay.