Sau hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ sáu, con gái tôi ?Dương Anh Xuân cũng là đại biểu dự đại hội lần đó mang về tặng tôi cuốn “VĂN sáng tác trẻ” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tôi đọc truyện ngắn “Kiều tỏa” của Xuân và một số truyện ngắn trong đó. Khi đọc xong truyện “Tiếng gọi câm” của Như Bình tôi thực sự ngạc nhiên. Một truyện ngắn quá ấn tượng và phải nói là thu hút độc giả ngay từ những dòng chữ đầu tiên.
Bỗng nhớ vài năm trước đó trong một cuộc vui tại quê nhà, nhà văn Đức Ban dưới thiệu với tôi một cây bút trẻ mà theo ông là có nhiều triển vọng đó là Như Bình. Lúc đó Như Bình gây ấn tượng với tôi không phải bằng văn chương bởi vì tôi chưa đọc tác phẩm nào của Như Bình; ấn tượng với tôi lúc đó là một người phụ nữ trẻ có nhan sắc.
Tuy tôi là người rất quan tâm đến những cây bút trẻ, đã từng tổ chức cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” (lần thứ nhất vào năm 1989-1990 và lần thứ hai 1991-1992), nhưng thú thực, tôi chỉ đọc truyện ngắn và tiểu thuyết của các nhà văn mà tôi yêu thích. Mặc dù, với thơ lại khác. Tất cả các tập thơ tôi có, tất cả những bài thơ đăng trên các báo mà tôi biết suốt mấy chục năm qua tôi đều đọc hết. Có thể vì đọc thơ không tốn nhiều thời gian mà tôi lại rất yêu thơ.
Nhà văn Như Bình ký tặng sách cho độc giả.
Trở lại câu chuyện của nhà văn Như Bình, trước đây, tôi có một quan niệm mà bây giờ nghĩ lại thấy có phần phiến diện, thiên kiến là khi có ai đó giới thiệu với tôi những cây bút nữ có nhan sắc, tôi hay cho rằng họ thường được nâng đỡ từ giới mày râu.
Như Bình là một cây bút nữ có nhan sắc nên vì thiên kiến trên mà gần như suốt thời gian qua tôi không tìm đọc. Khi đọc xong truyện “Tiếng gọi câm” tôi mới thấy suy nghĩ của mình là phiến diện, liền tìm gặp Như Bình và bảo “Em viết khá lắm, viết tiểu thuyết đi…”.
Hôm Như Bình ra mắt tập truyện ngắn “Bùa yêu” có nhắn tin mời tôi đến dự. Lúc đó tôi đi công tác ở các tỉnh phía Nam không ra kịp.
Mấy ngày sau, tôi được Như Bình tặng ba cuốn sách dày trên ngàn trang. Tập hợp tuyển truyện ngắn “Bùa yêu”, hai tập ký chân dung “Sự ẩn khuất của số phận” và “Người mang lại ái tình”. Tôi càng ngạc nhiên hơn và có phần tự vấn với lương tâm khi đã không đọc của Như Bình sớm hơn để có đánh giá chính xác về chị - một nhà văn trẻ có sức viết sung sức trên cả hai lĩnh vực văn chương và báo chí. Như Bình khá nổi tiếng trên văn đàn, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khi chị còn rất trẻ. Chị cũng là nhà văn nữ trẻ thứ nhì sau nhà thơ Đặng Thị Châu Giang khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam trước tuổi 30. Và khi đọc hợp tuyển truyện ngắn “Bùa yêu”, tôi càng hiểu hơn về Như Bình, về những sáng tác của chị. Tôi cũng được biết toàn bộ số tiền bán được từ 150 cuốn sách nhuận bút của tập “Bùa yêu” Như Bình dành để làm thiện nguyện. Chị chia sẻ rằng: Đã lấy nhuận bút một lần rồi, giờ làm hợp tuyển thì không lấy nhuận bút lần hai nữa mà dành để tri ân với cuộc đời, với bạn bè”.
Suốt mấy tuần tôi giành thời gian đọc “Bùa yêu” và nhiều bài viết của Như Bình trong hai tập ký chân dung. Tôi cũng đọc nhiều bài viết về Như Bình trên các báo. Tôi tâm đắc với điều mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “Như Bình đã khám phá ra một con người mới mà chúng ta và cả nhân vật được viết đã nghĩ chẳng có gì mới nữa…”.
Không phải chỉ trong ký chân dung, mà ngay trong các truyện ngắn, Như Bình cũng đã khám phá ra những cái mới trong những con người, những nhân vật, những sự việc, những vấn đề tưởng chẳng có gì mới nữa. Trong “Chợ âm phủ”, trong “Tiếng gọi câm”, trong “Đêm nguyệt thực”...
Như Bình đã lôi cuốn chúng ta, dẫn dắt chúng ta vào đời sống các nhân vật tưởng như đã quá quen thuộc, tưởng như chẳng có gì mới, nhưng sao vẫn có bao nhiêu điều ngổn ngang, bao nhiêu cảnh đời lạ lùng, bao nhiêu số phận trớ trêu, khóc cười, day dứt, ám ảnh khôn nguôi với một bút pháp mềm mại, đầy nữ tính, văn phong đẫm chất thơ với lối viết ma mị, quyến rũ và đa dạng phong cách. Như Bình cũng đặc biệt chú trọng lối viết huyền ảo, tâm linh, đầy chất liêu trai chí dị. Bút pháp này hấp dẫn và lôi kéo người đọc…
Tôi đồ rằng chính tác giả, chính nhà văn là người đã sống cùng nhân vật, khóc cười cùng nhân vật, hóa thân vào nhân vật, hay chính là những góc khuất khác nhau của tác giả trong tập “ Bùa yêu”?
Như Bình đã thả... “Bùa yêu”! Khi một nhà văn nữ có nhan sắc thả... “Bùa yêu” người đọc khó mà không... say đắm!
Nhiều lần gặp, tôi thường hỏi vì sao Như Bình không viết tiểu thuyết bởi tôi nhận ra trong một số truyện ngắn của Như Bình ngồn ngộn chất tiểu thuyết.
Bởi, nói như Nguyễn Thụy Kha trong một bài viết về Như Bình đã thấy được cái “trắc ẩn cùng số phận...”, số phận con người chính là cái cốt lõi của tiểu thuyết dù ở bất cứ thời nào.
Cũng bởi, nói như Ngô Hương Sen khi viết về Như Bình “thừa thãi kinh nghiệm, đầy ắp vốn sống...”.
Thực ra, trong một số truyện ngắn của Như Bình nhất là truyện “Tiếng gọi câm” đã là một cuốn tiểu thuyết thu nhỏ.
Những cảnh đời, những số phận người trong cái làng Cốm đan vào nhau, đầy những mâu thuẫn giằng xé, tính cách mỗi nhân vật cũng đậm nét khó lẫn vào đâu được. Bạo liệt và rất tiểu thuyết.
Tôi cho rằng, những người viết trẻ hiện nay (nhà văn tuổi 40 ở xứ mình vẫn được coi là trẻ) thường đi vào đề tài tình yêu đôi lứa, cũng phải, tuổi trẻ mà. Như Bình cũng vậy, hầu hết truyện ngắn trong “Bùa yêu” trực tiếp hay gián tiếp đều là chuyện tình yêu nam nữ.
Nhưng, không ít truyện của Như Bình như “Tiếng gọi câm”, tình yêu nam nữ gắn chặt với số phận, số phận con người cũng gắn chặt với cộng đồng xã hội, gắn chặt với thế sự nhân tình. Đó là điều làm nên một Như Bình trẻ khác với nhiều cây bút trẻ hiện nay chỉ khai thác tình yêu nam nữ đơn thuần, nhiều khi chỉ là thứ tình cảm lứa đôi nhỏ bé ít có tính xã hội điển hình.
Khi đọc tâm sự của Như Bình trên Thethaovanhoa.vn “Tôi từng phải đứt đoạn văn chương trong 10 năm để làm báo mưu sinh, phải bỏ tất cả để khẳng định mình ở đất Hà Nội. Đó là cuộc chia ly đầy đau khổ”, tôi hiểu vì sao Như Bình chưa viết tiểu thuyết.
Tuy giá trị đích thực của văn chương không nằm ở thể loại, ở dung lượng dài hay ngắn, ở số lượng ít hay nhiều, nhưng, tôi vẫn mong đợi như vậy.
Nhà vườn Sóc Sơn 2015