Nhọc nhằn nữ sinh làm thêm nơi chợ đêm

Nổi tiếng về các chủng loại hàng hóa và đặc biệt là giá cả hợp ví tiền, chợ đêm Cầu Giấy (Hà Nội) là điểm đến không thể bỏ qua. Khu chợ với hàng trăm gian hàng lớn nhỏ hàng đêm thu hút rất nhiều khách, đặc biệt là sinh viên. Và đa số những “cô chủ” nơi đây cũng không ai khác chính là các nữ sinh.

Dạo một vòng quanh khu chợ đêm sinh viên “nổi tiếng” này, không khó để bắt gặp những “cô chủ nhỏ” đang bán hàng và thật dễ nhận biết họ là những nữ sinh đi làm thêm. Ban ngày đi học, ban đêm tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi còn lại để kiếm tiền trang trải cuộc sống sinh viên vốn đã rất khó khăn.

Đến gần sạp bán giày dép “Cực sốc giảm giá 50%”, người bán hàng là một cô gái nhỏ nhắn với nụ cười tươi đon đả chào khách: “Mua giày đi chị. Giày dép hàng mới về vừa rẻ vừa đẹp đây ạ. Mua đi em giảm giá cho.” Chưa kịp phản kháng gì, bạn đã với tay lấy mấy đôi giày gần đó đưa về phía tôi, miệng vẫn giữ nụ cười tươi rói.

Lân la hỏi chuyện mới biết, bạn tên Tân Anh, đang là sinh viên năm hai trường CĐSP gần đó. Bạn cho biết, ban ngày đi học buổi sáng, chiều ra chợ tranh thủ dọn hàng sớm rồi tối bán luôn. Công việc bắt đầu từ 15h đến khoảng 22h sau đó ở lại dọn hàng rồi mới xong việc.

Hỏi lí do cô bạn chọn công việc này, lại nở nụ cười, bạn nói: ”Thì cũng đơn giản là sinh viên lúc nào chẳng thiếu thốn. Nhà mình ở quê nghèo lắm, dưới mình còn hai em đang tuổi ăn học nữa, được thêm đồng nào hay đồng ấy chứ. Cứ trông chờ tiền chu cấp hàng tháng chắc mình không sống nổi.”

Nói xong, bạn chỉ sang sạp bán mĩ phẩm phía đối diện: “Kia là Thủy, bạn cùng lớp mình đấy. Nhà bạn ý giàu nhất nhì huyện ở dưới quê mà vẫn đi làm thêm.” Thấy tôi ngạc nhiên, bạn vui vẻ giải thích thêm, Thủy muốn đi làm thêm đương nhiên cũng là vì tiền một phần, một phần vì muốn… thử tự nuôi sống bản thân, không muốn ỷ lại vào bố mẹ.

Nói chuyện thêm với các bạn khác trong khu chợ, lí do được đưa ra nhiều nhất cho sự lựa chọn công việc này là mưu sinh, bao gồm tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền phát sinh,… Mỗi tháng, sinh viên đều nhận được tiền phụ cấp từ gia đình nhưng với việc giá cả leo thang, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện chu cấp cho con học xa nhà nên lựa chọn đi làm thêm là khá hợp lí.

Không chỉ thế, còn nhiều lí do khác được đưa ra như là muốn tự lập, muốn thử sức, không muốn bố mẹ vất vả nhiều, rèn luyện khả năng giao tiếp, sự nhanh nhẹn ứng phó trong mọi tình huống, giao lưu quen biết nhiều bạn mới…

Bên cạnh đó cũng có những lí do không kém phần hài hước, thú vị. Bạn Lê Huệ (sinh viên ĐHSP) cho biết: “Mình đi làm thêm vì người yêu muốn thế. Tại anh ý cũng đi làm thêm ở đây mà. Đi làm vừa có thời gian bên nhau vừa kiếm được tiền, tiện cả đôi bề nhé!”

Còn rất nhiều lí do khác nữa được đưa ra, vì tiền hay cuộc sống hay tình yêu… các bạn nữ sinh đã chọn công việc làm thêm vất vả nơi chợ sinh viên làm kế sinh nhai. Đằng sau đó là không chỉ là ích lợi mà còn là không ít những khó khăn họ phải đối mặt, xử lí cũng vì mưu sinh.

Từ những lợi ích trước mắt…

Như đã nói ở trên, cái lợi lớn nhất là kiếm tiền thì không thể phủ nhận. Gặp bạn Mai (sinh viên Học viện Báo chí), bạn tâm sự: “Một tháng tất tần tật tiền phí sinh hoạt của mình không dưới 2 triệu, đó là siêu tiết kiệm rồi đấy. Sinh viên năm 3 rồi nhiều thứ lặt vặt phát sinh lắm”. Bạn cho biết thêm, hàng tháng bố mẹ chỉ gửi cho bạn 1 triệu rưỡi thì không thể đủ cho cuộc sống.

Bạn Mai đang bán hàng.

Mai hiện đang là “chủ hờ” một hàng quần áo khá đồ sộ với “hai mặt tiền”, mỗi tối đều rất đông khách, vì thế tiền lương bạn nhận được cũng khá hơn so với những “cô chủ nhỏ” khác: “ Lương thì mình nhận theo tháng, có tháng nhiều có tháng ít hơn tùy theo số lượng hàng bán ra. Nhưng cơ bản là cũng đủ dùng bạn ạ!”

Do tính chất công việc, hàng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều người mà theo Mai nói là “đủ mọi loại người, già có, trẻ có, tốt có và lưu manh cũng chẳng thiếu”. Bạn cho biết, trước đây mình rất nhút nhát và rụt rè ở nơi đông người. Nhưng nhờ công việc làm thêm, bạn đã thay đổi rất nhiều. Mai giờ đây nhanh nhẹn, cách ứng xử rất tốt, đặc biệt về khả năng “chém gió” thì khó ai địch nổi.

Vừa nói chuyện, bạn còn bán hàng rất “chuyên nghiệp”, khách hàng thì đông, ra vào không ngớt, nhìn thôi đã đủ chóng mặt. Tiếp xong một đợt khách, bạn cười vui vẻ khoe: “Từ tháng sau, mình được thăng chức rồi. Mình được lên quản lí, tại quầy đông quá phải tuyển thêm nhân viên. Chắc bố mẹ cũng đỡ phải lo chuyện tiền nong cho mình nữa.”

Nhờ việc làm thêm, Mai đã giải quyết được khá nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống sinh viên. Kết lại câu chuyện, cô bạn cười tươi nói: “Đi làm thêm không chỉ kiếm được tiền mà còn rất vui nữa. Mùa nào mốt nấy, mình đều cập nhật tất, không bị tụt hậu nhé.”

… đến những khó khăn ngầm

Không phải ai cũng được may mắn như Mai. Cách hàng quần áo của Mai không xa là cửa hàng phụ kiện điện thoại do bạn Vân “làm chủ”. Vân cho biết là sinh viên mới lên nhập học, được chị họ giới thiệu vào đây đi làm thêm, nghe nói “vừa nhàn lại vừa dễ kiếm ăn”.

Cửa hàng vắng khách, Vân cười buồn: “Chán lắm chị ạ! Công nhận là nhàn thật đấy, cả buổi chẳng được mấy khách mà có khi họ còn chẳng mua cho. Khổ nỗi lương của em ăn theo số hàng bán ra, không bán được, tiền đâu mà có lương hả chị?”.

Vân buồn rầu tâm sự chuyện của mình.

Không chỉ thế, Vân cho biết thêm, vì là phụ kiện điện thoại nên rất dễ hỏng hóc, trầy xước hay thậm chí bị trộm cắp và nếu hàng bị hư hại gì, điều đương nhiên là bạn phải… bỏ tiền túi ra bù lại. Lương thì ít ỏi, “ba cọc ba đồng” lại thêm vài vụ bù hàng, bạn nói có tháng đã chẳng được còn mất tiền thêm.

Thi thoảng quay ra tiếp khách, Vân chia sẻ: “Như chị biết đấy, chợ đêm khoảng hơn 10h mới đóng cửa chưa kể mấy ngày lễ, sau đó còn ở lại dọn hàng, kiểm hàng đến khoảng gần 11h mới được về. Giờ ấy hết xe bus rồi, nhà trọ em ở tận Cổ Nhuế, em phải đi xe đạp về, con gái đi đêm sợ lắm chị ạ. Hơn nữa lại có nhiều thời gian ôn bài nhưng không thể làm khác được.”

Vì cuộc sống, nhiều bạn đã chọn mưu sinh nơi chợ đêm đầy hứa hẹn cũng đầy chông gai, khó khăn, mà chỉ những ai đủ bản lĩnh mới vượt qua được. Đây là một công việc làm thêm phù hợp với sinh viên, nhưng cũng như bao ngành nghề khác, đòi hỏi sinh viên phải có đủ kĩ năng sống để ứng xử, giao tiếp tốt mới mong gắn bó lâu dài với nghề và không làm ảnh hưởng đến việc học của mình.

Theo Gia đình và Xã hội

Theo Đăng lại