Nhiều người cho rằng TP.HCM là nơi dễ sống, dễ kiếm tiền. Song để có được đồng ra đồng vào, đủ nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại đối với người lao động chân tay ngoài đường phố không hề đơn giản. Vất vả dãi nắng dầm mưa là chuyện thường ngày của họ. "Nếu cứ mưa là nghỉ thì lấy gì mà ăn", anh Thép Mai nói. Người đàn ông ngoại tỉnh 49 tuổi đang thuê nhà ở Gò Vấp, ngày ngày bán bánh chưng dạo bằng chiếc xe đạp cũ.
Cụ bà ngoài 70 tuổi, mắt đã mờ hẳn nhưng vẫn đều đặn ngồi ở ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ (quận 5) bán bông tăm. Trời mưa khiến người qua đường ngại ngần dừng chân mua hàng. Có người nhìn thấy chép miệng thương cảm: "Bán một gói tăm lời lãi vài trăm con, không hiểu cả ngày đêm cụ kiếm được bao tiền".
Người phụ nữ buôn thúng, bán gánh với tấm áo mưa chỉ đến thắt lưng đi như chạy trong cơn mưa bất chợt.
Cuối ngày, gia tài của người lượm ve chai ở đường Võ Văn Kiệt (quận 6) chất xiêu vẹo trên chiếc xe đạp cũ.
Cụ Phước (72 tuổi) run rẩy ngồi dưới mưa chờ tạnh để tìm chỗ qua đêm. Một mình cụ từ Cà Mau lên Sài Gòn đã mấy năm nay, hàng ngày đi lượm ve chai, tối tìm về các gầm cầu để nghỉ ngơi.
Chị bán hàng rong trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) ẩn mình dưới tấm nilon nơi phố xá vắng bóng người qua lại. Trời mưa, việc buôn bán trở nên ế ẩm, nỗi lo về cuộc sống mưu sinh của người lao động nghèo thêm nặng nề.
Ông Út gồng mình đẩy chiếc xe lên dốc cầu Nguyễn Văn Cừ mà không có khách. 50 tuổi, ông đạp xích lô đã mấy chục năm nay.
Hai người bán vé số tàn tật trú mưa dưới hiên cơ quan thuế quận 6 trên đường Hồng Bàng. Không có khách, họ tranh thủ trò chuyện về cuộc sống thường nhật. Người phụ nữ ngậm ngùi, vì tin người mà bà mất nhà cửa, trắng tay ra đường kiếm sống.
Vợ chồng người lái ba gác trở về dưới cơn mưa. Dáng vẻ mệt mỏi, hon lặng lẽ băng qua đường 3 tháng 2 (quận 10)
Người phụ nữ quê ở miền Trung vào Sài Gòn bán hàng rong nuôi hai con học đại học. Đôi quang gánh bánh tráng trộn, kẹo trái cây được phủ nilon đồng thời cũng là nơi bà ẩn mình mỗi khi trời mưa gió.
Hàng ngày, cứ khoảng 18h30 đến gần nửa đêm, ông Xuân (64 tuổi) lại mang cây đàn bầu ra vệ đường gảy để kiếm tiền thuốc thang, cơm cháo cho người vợ mắc bệnh phong, tâm thần. Hai ông bà không con cái sau 20 năm di cư từ miền Bắc vào Sài Gòn. Trong đêm mưa, người đàn ông lớn tuổi như dồn hết những chất chứa trong lòng vào tiếng đàn bầu chậm buồn.
Cũng từ miền Bắc vào, người đàn ông bán kẹo dạo phải chạy xe khắp thành phố mỗi ngày thì mới bán được chừng vài trăm ngàn.
Giữa những con phố của Sài Gòn hàng triệu dân, đi đâu cũng có thể gặp những người tàn tật. Với họ, mưa trút xuống làm nặng thêm gánh mưu sinh vất vả.