35 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung:

Nhìn lại lịch sử để không tái diễn chiến tranh

TP - Trao đổi với Tiền Phong về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979, PGS.TS Phạm Xanh, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, nhận định đây là cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ Quốc.
Nữ chiến sỹ thông tin Việt Nam ở Lào Cai 1979

Việc nhìn lại lịch sử không phải khơi lại hận thù, mà cũng là cơ hội để cả hai bên nhìn nhận, đánh giá. Coi như đó là một bài học để không bao giờ xảy ra chiến tranh nữa.

Chiến tranh biên giới Việt – Trung đã lùi xa 35 năm. Độ lùi thời gian cũng đủ lùi để nhìn nhận rõ hơn về cuộc chiến này. Vậy theo PGS.TS chúng ta phải gọi tên cuộc chiến này sao cho chính xác?

Với tư cách một nhà sử học, để trả lời câu hỏi này theo tôi phải trả lời ba câu hỏi ở các góc độ: Ai đã phát động cuộc chiến tranh? Quy mô cuộc chiến tranh? Mục đích cuộc chiến tranh?

Vào ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa tới 600.000-700.000 quân tấn công trên toàn tuyến biên giới của Việt Nam với mục đích “dạy cho Việt Nam một bài học”. Trải qua 30 ngày chiến đấu ác liệt, các lực lượng vũ trang tại chỗ và đồng bào dân tộc 6 tỉnh biên giới Việt Nam đã dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều, đánh bại “chiến thuật biển người, thọc sâu phá hoại” của quân Trung Quốc. Tới ngày 18/3/1979, Trung Quốc đã phải rút quân khỏi Việt Nam.

Như vậy có thể nói với một nhà sử học không thể nào lẩn tránh, không thể gọi bằng một từ nào khác đó chính là cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979. Về phía Việt Nam đây là cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979. Chúng ta có thể gọi đây là chiến thắng chống ngoại xâm như rất nhiều cuộc chiến thắng chống ngoại xâm trong lịch sử của dân tộc.

PGS.TS Phạm Xanh

PGS có thể mô tả rõ hơn về không khí của thời điểm xảy ra biến cố lịch sử này?

Ngày 17/2/1979, tôi đang là giảng viên của khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp. Tôi đã chứng kiến cả nước đứng dậy xung phong để cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Ngay tại khoa Lịch sử, sinh viên Nguyễn Chiều – vốn là bộ đội từ chiến trường miền Nam trở về học Đại học (sau này là cán bộ giảng dạy của khoa Lịch sử) đã viết lá đơn bằng máu gửi lên trường để xin ra chiến trường đánh quân xâm lược. Hiện nay huyết tâm thư đó đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện thiếu vắng các công trình nghiên cứu lịch sử về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979?

Đúng như vậy. Sự thiếu vắng này có nhiều nguyên nhân. Mà nguyên nhân trước hết mà các nhà nghiên cứu lịch sử đắn đo mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam. Trước những biến cố cuối những năm 70 thế kỷ XX ấy, mối quan hệ Việt – Trung là hình ảnh rất đẹp.

Hiện tại, sau một thời gian cắt đứt quan hệ ngoại giao kể từ năm 1979, từ thập niên 90 chúng ta đã nối lại quan hệ này và đã nâng lên thành đối tác chiến lược, toàn diện. Chúng tôi tự đặt câu hỏi việc nghiên cứu sự thật lịch sử này có ảnh hưởng gì đến mối quan hệ truyền thống tốt đẹp đó không?

Thế nhưng, cho dù là những nguyên nhân như tôi đã chỉ ra thì sự thực lịch sử vẫn là sự thực lịch sử. Cho nên chúng ta không thể né tránh. Nếu bây giờ chúng ta né tránh thì tương lai, con cháu chúng ta sẽ không né tránh. Vì vậy, chúng ta phải tiến hành tập hợp và giữ gìn tư liệu làm nguyên liệu để nghiên cứu về cuộc chiến này. Hiện nay, cũng có nhiều nhà lịch sử đang âm thầm làm việc này.

Quan điểm đối ngoại của chúng ta là “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Vậy theo PGS, phải ứng xử thế nào với lịch sử, với truyền thống và với những quan hệ thực tại?

Trước cuộc chiến đó, Việt Nam là một nước có truyền thống hữu nghị anh em với Trung Quốc. Người đã đặt nền móng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc là hai lãnh tụ Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông. Hiện nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ hợp tác chiến lược, toàn diện. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta được bỏ qua, quay lưng với sự thực lịch sử. Trước sau gì, người Việt Nam chúng ta cũng phải nghĩ đến, viết đến, nghiên cứu đến sự kiện chiến tranh biên giới Việt – Trung tháng 2 năm 1979.

Theo tôi, sự kiện 1979 là một “lát cắt rỉ máu” cứa vào truyền thống bằng hữu hết sức tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Như người Trung Quốc từng nói, ôn cố tri tân. Việc nhìn lại lịch sử không phải khơi lại hận thù, mà cũng là cơ hội để cả hai bên nhìn nhận, đánh giá. Coi như đó là một bài học để không bao giờ xảy ra chiến tranh nữa.

Ngạn ngữ có câu “Không có kẻ thù vĩnh viễn”. Trước đây là kẻ thù, bây giờ là bạn. Với sự đắp đổi của thời cuộc, kẻ thù có thể biến thành bạn, và cũng có thể ngược lại. Vì vậy để giữ được mối tình bằng hữu đó chúng ta phải tôn trọng lịch sử, tôn trọng truyền thống và phải nói rõ với thế hệ trẻ vết thương đó trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Việc nhìn nhận này không hề ảnh hưởng tới quan hệ hữu nghị, bang giao với các nước trên thế giới . Cũng như đối với Hoa Kỳ và Pháp, trước đây là kẻ thù của chúng ta. Nhưng bây giờ chúng ta đã đặt mối quan hệ đối tác chiến lược với Pháp, đối tác toàn diện với Hoa Kỳ.

Đó là minh chứng rất rõ cho việc nhìn thẳng vào sự thật lịch sử, nhưng vẫn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Như vậy hoàn toàn có thể ứng xử với cuộc chiến biên giới Việt – Trung như với cuộc chiến với nước Pháp, nước Mỹ.

Thế hệ trẻ còn hiểu biết rất ít về cuộc chiến đấu năm 1979. Là một nhà sử học, một nhà giáo theo ông chúng ta phải làm gì để có thể giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống hào hùng của cha ông, đồng thời gìn giữ, phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị hiện tại?

Tôi cho rằng không nên chỉ đưa sự kiện chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 vào sách giáo khoa các cấp một cách vắn tắt, một vài dòng mà phải là một bài tương xứng, với những bài học lịch sử được rút ra. Hàng năm Trung Quốc đều có các hoạt động kỷ niệm sự kiện này, thậm chí có sự không khách quan, khiến nhân dân Trung Quốc bị hiểu sai. Vậy tại sao chúng ta lại không sòng phẳng với lịch sử?

Xin cảm ơn PGS.

 Không quay lưng với lịch sử

Như chúng ta thường nói “núi liền núi, sông liền sông”, hiện nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ hợp tác chiến lược, toàn diện. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta quay lưng với sự thực lịch sử. Trước sau gì, người Việt Nam chúng ta cũng phải nghĩ đến, viết đến, nghiên cứu đến sự kiện chiến tranh biên giới Việt – Trung tháng 2 năm 1979. 

PGS.TS Phạm Xanh