Nhiều người dân Thanh Hóa muốn chặt bỏ cây cao su

TPO - Giá mủ cao su xuống thấp khiến thu nhập không đủ bù lỗ chi phí nhân công cạo mủ nên nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa muốn chặt bỏ cây cao su.
Vườn cao su tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có 14.311,1 ha cao su, trong đó hơn 2.900 ha cao su đại điền, gần 11.400 ha cao su tiểu điền. Diện tích này đã bị giảm 1.260 ha so với năm 2018. Các huyện có diện tích cao su giảm mạnh nhất, gồm: Thạch Thành giảm 452,1 ha, Như Xuân giảm 330 ha, Như Thanh giảm 313,4 ha, Thường Xuân giảm 125,5 ha…

Đơn vị có diện tích cao su lớn nhất trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH Một thành viên Cao su Thanh Hóa, hiện có 2.754,2 ha cao su, trong đó hơn 16.200 ha trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (chưa đến tuổi thu hoạch mủ), còn lại là diện tích đang trong thời kỳ kinh doanh (đang thời kỳ cho thu hoạch mủ).

Tuy nhiên, tính từ tháng 6/2017 đến nay, đã có gần 81 ha cao su của đơn vị được chuyển đổi sang trồng mía, dứa và keo. Công ty cũng mới rà soát 230,47 ha khác kém hiệu quả, hiện đã báo cáo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho ý kiến chặt bỏ để trồng cây trồng khác.

Hiện nay, nhiều hộ dân muốn chặt bỏ vườn cao su để chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác. Người dân các xã Quảng Phú (Thọ Xuân), Hóa Quỳ (Như Xuân) đã tự phát chặt bỏ hàng chục héc – ta cao su trong vài năm gần đây; hàng chục xã khác trên địa bàn tỉnh cũng giảm diện tích. Hàng nghìn hộ trồng cao su vẫn duy trì một cách cầm chừng, thậm chí bỏ buông không chăm sóc.

Được biết, theo Thông tư 58 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cao su là cây đa mục đích, vừa là cây nông nghiệp, vừa là cây công nghiệp, cũng là cây lâm nghiệp. Theo đó, ngoài giá trị để khai thác mủ, nó còn có vai trò như cây rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn, giữ gìn môi trường sinh thái; khi hết chu kỳ, cây vẫn cho thu hoạch gỗ như các cây gỗ rừng khác. Một số quan điểm cho rằng, việc mủ cao su xuống giá chỉ là nhất thời, cần có cái nhìn thấu đáo để suy xét, không nên nôn nóng vội chặt bỏ ngay.

Gần đây, ngày 25/2/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có văn bản, nội dung liên quan đến việc định hướng cho các địa phương về phát triển vườn cao su, cũng như đưa ra các giải pháp cho thời gian tới. Theo đó, cần tiếp tục chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ để diện tích cao su bảo đảm mật độ, sinh trưởng và phát triển tốt. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, khuyến cáo về vai trò, hiệu quả lâu dài của cây công nghiệp này để nhân dân yên tâm duy trì chăm sóc và khai thác mủ. Riêng với diện tích cao su trồng mới theo quy hoạch nhưng sinh trưởng kém, phải đánh giá nguyên nhân, đề xuất phương án cụ thể để chuyển đổi cây trồng khác trên cơ sở báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.