Liên kết vùng không phải phép tính cộng
Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, năm 2021, tốc độ tăng GRDP nông nghiệp vùng ĐBSCL đạt 1,6%; giá trị gia tăng ngành nông nghiệp của vùng chiếm 32,2% GRDP toàn vùng và chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước. ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,51 triệu tấn thóc (chiếm 55,4% tổng sản lượng cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (83,51%), 1,472 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%).
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ĐBSCL đang đối mặt những thách thức, đó là nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”, “thiếu tính liên kết vùng”.
“Thách thức đó, như một lời nguyền, nếu không vượt qua được, thì sẽ khó tạo ra sự phát triển nhanh về chất, và nông sản phải luôn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường”, Bộ trưởng Hoan nói.
Những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, thuận thiên gần đây đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng như: Mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh đã tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải. Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” được các địa phương chú trọng đã kích hoạt tài nguyên bản địa kết hợp với giá trị văn hoá địa phương.
“Đó là những tín hiệu lạc quan minh chứng cho sự sáng tạo, năng động và sức sống của Đồng bằng. Vấn đề là chúng ta cần nối kết, lan toả những giá trị mới đó”, Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh.
Theo ông Hoan, liên kết vùng ĐBSCL không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố. Hơn hết, đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa “Nhà nước – Thị trường – Xã hội”, kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới.
Khi ấy, mỗi địa phương, với điều kiện đặc thù, thế mạnh riêng có, sẽ đóng góp chủ động, hài hoà vào tổng thể không gian kinh tế chung. Đồng bằng sẽ trở thành một thực thể kinh tế hoàn chỉnh, vận hành linh hoạt, năng động. Người dân sẽ vững vàng tâm thế chủ thể, chất lượng sống của bà con nông dân ngày càng được nâng cao.
ĐBSCL phát huy tinh thần tự lực, tự cường
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ: ĐBSCL là vùng có tiềm năng, lợi thế rất lớn, điều kiện tự nhiên phát triển nông nghiệp nói chung thuận lợi nhất trên phạm vi cả nước, được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng vì sao ĐBSCL vẫn chưa phát triển nhanh, bền vững, chưa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế? Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu phải cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về phát triển ĐBSCL.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lấy ví dụ điển hình về sự phát triển thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), thành phố đảo chỉ chiếm 0,18% diện tích cả nước, nhưng với tư tưởng đột phá là phát triển thành trung tâm du lịch quốc tế. Thủ tướng chỉ ra rằng, trước hết phải phát triển hạ tầng với việc làm sân bay, đầu tư về điện, nước ngọt và một số cơ chế, chính sách để từ đó thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư. Kết quả cho thấy đầu tư từ ngân sách nhà nước không đáng bao nhiêu so với đầu tư của tư nhân khi các nhà đầu tư tự tìm đến hòn đảo này và trong khoảng 10 năm qua, Phú Quốc phát triển rất nhanh.
Thủ tướng cũng lưu ý, hội nghị bàn về nông nghiệp ĐBSCL nhưng trong bối cảnh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ lớn hơn nhiều nông nghiệp trong tổng GDP của vùng, tức là không chỉ bàn về nông nghiệp mà phải đặt trong tổng thể phát triển các ngành kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu, nâng cao năng suất lao động trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức, liên kết. Đồng thời, vấn đề rất quan trọng khác là giải bài toán thị trường một cách căn cơ khi thời gian qua, chúng ta tích cực giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại cửa khẩu biên giới theo tinh thần vừa giải bài toán trước mắt, vừa phải có giải pháp chiến lược, lâu dài.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị huy động nguồn trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược; đồng thời phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, đi lên từ "bàn tay, khối óc" của mình.