San phẳng 50.000 ha, trồng cao su được một nửa
Ngày 9/7, trước kỳ họp thứ 9 – HĐND tỉnh Gia Lai khóa X diễn ra (từ ngày 15-17/7), Thường trực HĐND tỉnh thông báo đã hoàn tất báo cáo kết quả giám sát “Tình hình triển khai thực hiện và chất lượng phát triển cây cao su trên đất rừng nghèo theo Dự án phát triển 50 nghìn ha cao su trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 đến nay” nhằm chuẩn bị cho kỳ họp – Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, ý kiến trong thời gian qua.
Theo quy hoạch của tỉnh Gia Lai đến năm 2015, diện tích đất rừng chuyển đổi sang trồng cao su là trên 66 nghìn ha, trong đó rừng tự nhiên nghèo hơn 51 nghìn ha. Qua đó, tỉnh đã cấp phép cho 44 dự án trồng cao su cho 17 doanh nghiệp thuê trồng tại 5 huyện: Chư Prông, Chư Pưh, Đức Cơ, Ia Grai và Ia Pa. Phấn đấu đến năm 2015, chương trình chuyển đổi trồng cao su sẽ hoàn tất nhưng đến nay chỉ trồng được một nửa so với kế hoạch, trồng hơn 25 nghìn ha (nâng số diện tích cao su trên địa bàn tỉnh lên gần 100 ha).
Trong quá trình triển khai dự án, nhiều doanh nghiệp còn tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được UBND tỉnh cho phép. Cụ thể, tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa), Công ty CP trồng rừng công nghiệp Gia Lai (thuộc Cty Hoàng Anh Gia Lai) được giao hơn 1.500 ha đất nhưng mới trồng cao su được 817 ha. Số diện tích còn lại doanh nghiệp tự ý trồng 34 ha mía, trồng cỏ 43 ha và dành 4 ha làm trại chăn nuôi bò.
“Quên” cam kết với dân!
Ban đầu, các dự án cam kết sẽ tạo việc làm cho người dân tộc tại chỗ, góp phần nâng cao thu nhập để xóa đói, giảm nghèo, xây dựng hạ tầng, hỗ trợ an sinh xã hội… cho người địa phương. Nhưng theo kết quả kiểm tra của HĐND tỉnh Gia Lai mới đây, các doanh nghiệp “chỉ chú trọng đến việc lập dự án, trồng cao su” mà chưa chú trọng thực hiện các cam kết.
Trong 7 năm qua, với hơn 25.000 ha đã được trồng cao su, các DN mới tuyển dụng 2.254 lao động dài hạn, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ rất thấp có 777 người (chủ yếu là các DN thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam và Binh đoàn 15 tuyển). Như vậy, mục tiêu chính của chuyển đổi rừng nghèo nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tộc thiểu số vùng dự án chưa đạt. Mặt khác, quá trình chuyển đổi rừng còn diễn ra tình trạng tranh chấp đất với người dân, gây khiếu kiện kéo dài.
Ngay cả việc hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá, trạm y tế… cũng vẫn chưa được quan tâm, các DN chỉ chú trọng xây dựng khu làm việc của công ty và làm chỗ nghỉ cho công nhân. Trái lại, nhiều con đường của địa phương xuống cấp nghiêm trọng do xe vận chuyển phân bón, gỗ củi của các DN làm hư hỏng.
Sau 7 năm thực hiện dự án, các DN “chưa nộp một đồng nào vào ngân sách về đất” trong khi đó số tiền bán gỗ, củi trên diện tích khai hoang vẫn còn nợ ngân sách hơn 8 tỷ đồng.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2008 - 2011 do việc nôn nóng triển khai ồ ạt các dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su đã làm giảm hơn 128.000 ha, trung bình mỗi năm mất 32.000 ha.