Những ngày qua, nhiều hộ dân ở xã Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai, Nghệ An) phản ánh về nhiều bất cập xảy ra từ khi tuyến cao tốc Bắc Nam được xây dựng hoàn thành đi vào sử dụng.
Cụ thể, tuyến cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn TX. Hoàng Mai dài hơn 10km được thông xe từ tháng 9/2023. Khi tuyến cao tốc được xây dựng thì con đường đi lại để lên rừng sản xuất của người dân thôn 7 (xã Quỳnh Vinh) bị cắt mất. Người dân không thể lên rừng sản xuất cũng như bảo vệ rừng.
Ngoài việc cắt đường lên núi của người dân, hệ thống mương thoát nước dọc tuyến cao tốc Bắc Nam được làm sơ sài. Mỗi khi có mưa to, nước chảy qua gây xói mòn. Nhiều đoạn cống thoát nước nhỏ đã bị đất đá bồi lắp khiến việc tiêu thoát nước khó khăn. Đã có thời điểm, mưa lớn khiến một vùng rộng lớn bị ngập do không thoát được nước.
Lo sợ cống thoát nước đổ thẳng vào nhà gây xói mòn, một hộ dân ở thôn 7 (xã Quỳnh Vinh) đã dùng đất, đá để ngăn miệng cống lại. Các cơ quan chức năng sau đó đã phải tiến hành khơi thông cống để thoát nước.
“Khi đường cao tốc chưa làm, đồi Thung Lân là một dãy núi liền mạch. Người dân đi từ bên này qua bên kia sản xuất, trông coi rừng. Khi cao tốc được làm, đồi bị cắt đôi, cũng là lúc tuyến đường lên núi bị cắt đứt. Đến nay, dự án đi vào hoạt động nhưng chúng tôi vẫn chưa có đường lên núi để sản xuất, trồng và bảo vệ rừng”, ông Trần Ngọc Túy (trú thôn 7, xã Quỳnh Vinh) chia sẻ.
Sau khi có phản ánh của người dân, cơ quan chức năng và địa phương đã đi kiểm tra thực tế. Trong ngày 31/10, UBND TX. Hoàng Mai đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án 6 Bộ GTVT kiến nghị về những bất cập, ảnh hưởng đến người dân sau khi tuyến cao tốc Bắc Nam hoàn thành đưa vào sử dụng.
Cụ thể như người dân thôn 7 (xã Quỳnh Vinh) không có đường lên núi sản xuất; Dọc các khu vực ruộng hai bên đường, tuyến cao tốc đã làm mất đường đi lại sản xuất, mất cả mương thoát nước và mương tưới phục vụ canh tác của người dân thôn 5 (xã Quỳnh Vinh) và thôn 2,3,5,6,12,13 (xã Quỳnh Trang) nhưng chưa có giải pháp hoàn trả. Hai bên đường đầu cầu vượt Quỳnh Trang đắp cao, lối đi dân sinh không thể vuốt nối lên nhưng chưa có đường gom hoàn trả, khiến người dân khó khăn trong việc đi lại sản xuất, thu hoạch ruộng.
Ngoài ra, qua kiểm tra cho thấy, các hệ thống thoát nước, tưới tiêu dọc hai bên cao tốc còn thiếu, thiết kế chưa hợp lý. Nhiều đoạn mương đất thoát nước đã bị xói lở gây ảnh hưởng đến người dân.
Cụ thể, đoạn mương phải tuyến từ hạ lưu cống tại km 387+812 đến Tràn Đê Rã có dòng chảy mạnh gây xói lở nhưng chưa có biện pháp gia cố. Cống tại Km388+220 đặt quá cao so với mương thoát nước hiện trạng. Khi có mưa, nước từ trên đồi phía Bắc chảy xuống hai bên tuyến cao tốc gây ngập nặng khu vực dân cư và nhà văn hóa, ngập khu vực trường Tiểu học. Hồ sơ thiết kế cống chưa có giải pháp thiết kế thoát nước đến điểm xả cuối cùng.
Tại tuyến nhánh N5 thuộc nút giao tuyến cao tốc tại khu vực thôn 3, xã Quỳnh Vinh chắn hết lưu vực thoát nước, chỉ để lại mương thoát rộng khoảng 1m. Các trận mưa trong tháng 9 vừa qua đã khiến khu dân cư thôn 3 bị ngập nặng.
Đặc biệt, tại hầm chui Km390+607.25 được thiết kế thấp hơn so với đường gom 2 đầu khiến hầm thường xuyên ngập nước. Khi có mưa lớn, hầm bị ngập sâu người dân không dám đi qua lại.
Ngoài ra, tại khu vực thôn 4 (xã Quỳnh Trang) thường xuyên bị ngập, nguyên nhân là lưu vực nước mưa phía Tây đều đổ dồn về đây. Trong khi tuyến cao tốc được đắp cao trở thành tuyến đê, khiến khu vực này không thể tiêu nước.
UBND TX. Hoàng Mai kiến nghị Ban Quản lý Dự án 6 quan tâm chỉ đạo, giải quyết kịp thời các bất cập nêu trên để người dân ổn định cuộc sống, sản xuất và đi lại.
Liên quan đến sự việc này, ông Vũ Lê Hùng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh xác nhận những phản ánh, kiến nghị của người dân là đúng. Hiện phía xã, thị xã đã kiểm tra và có báo cáo để các đơn vị chức năng sửa chữa, tháo gỡ.
Ông Trần Hữu Hải - Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 cho biết, hiện đơn vị này đã phối hợp với địa phương đi kiểm tra thực tế để xác định nguyên nhân và tiến hành giải quyết. Ông Hải cho biết thêm, dự án này vẫn đang tạm khai thác, chưa bàn giao. Các nhà thầu phải hoàn thiện thì mới giao cho bên quản lý vận hành.