Nhân sự ra đi của NSND Thế Anh, bàn về 'Giá trị của người nổi tiếng'

TP - Nói chung diễn viên Việt Nam thường có tuổi thọ nghề nghiệp khá ngắn. Số zách như Thế Anh, Trà Giang… mà đếm một lúc là hết. Các kỳ liên hoan phim vài chục năm qua, họ đều có mặt nhưng nhiều người phải hỏi nhau: bộ phim gần nhất họ đóng là gì?
"Tự thú trước bình minh" lăng xê Lê Vân, Mai Huỳnh lần đầu đóng phim và khẳng định tài năng chín muồi của Thế Anh

1/

NSND Thế Anh qua đời, báo chí chủ yếu nhắc hai mốc son trong sự nghiệp của ông là vai trung úy Phương và Ba Duy. Nhưng Thế Anh còn nhiều vai thú vị khác, ví dụ thiếu tá Vĩnh Quán trong Tự thú trước bình minh, gây cảm giác diễn viên này thật khó thay thế, xuất hiện là sáng bừng màn ảnh. Chỉ là nhân vật phụ nhưng dư vị đọng lại là không thể quên.

Vĩnh Quán- sĩ quan Việt Nam cộng hòa, mê Thư (Lê Vân đóng), không được đáp lại. Giữa phim, Thư mạo hiểm giúp một người lính Việt cộng bị thương. Tình huống nghẹt thở trong phòng phẫu thuật của bệnh viện, ngoài bệnh nhân là anh Việt cộng còn có bác sĩ Thanh người yêu Thư cùng đồng nghiệp Hòa- cũng là đồng đội bí mật của người lính kia, Vĩnh Quán xộc vào bắt được quả tang, bèn đi lại quan sát bằng ánh mắt sắc lẹm và dáng dấp bặm trợn, nói: “Tôi rất phiền lòng. Các người đã biến một cơ sở y tế lành mạnh của chánh thể Việt Nam cộng hòa thành trạm phẫu thuật tiền phương cho bọn Việt cộng”. Sau đó, vẻ nham hiểm, Vĩnh Quán yêu cầu Thanh tự tay tiêm thuốc độc cho người lính trẻ…

Cuối  phim có cảnh: Thanh và Thư trên đường di tản khỏi thành phố, trong dòng người tắc nghẽn, gặp lại Vĩnh Quán lúc này ở cương vị hướng dẫn cuộc di tản. Vĩnh Quán ra điều kiện: hai người muốn được mở đường vượt lên thì Thanh phải quỳ trước Quán…

Chỉ Thế Anh mới có thể đóng vai đó- thời lượng ngắn ngủi song hấp dẫn đến vậy, một nhân vật phản diện xứng đáng. Ngoại hình đẹp, gương mặt đầy biểu cảm nội tâm, và tính cách không vừa. Ða mưu, tàn bạo, si tình. Kết phim khá hợp lý với số phận bi thảm của Thư- Quán.

Về những vai khó thay thế thì nhiều. Một phim như Titanic, đoạt lô giải Oscar nhưng có những khán giả như Hillary Clinton (đệ nhất phu nhân Mỹ) nói “không chịu nổi” bộ phim. Tuy nhiên diễn xuất của Leonardo Di Caprio vai Jack, miễn chê. Ðầy người có thể đóng vai Rose, có lẽ đạt hơn Kate Winslet nhưng Jack của Leo là độc nhất vô nhị, khiến anh ở tuổi 24, trở thành “vị hôn phu của hành tinh”.

Nguyễn Chánh Tín cũng là lựa chọn không thể tuyệt hơn với vai Nguyễn Thành Luân. Nói thêm, từ khi bộ phim Ván bài lật ngửa ra mắt và gây sốt, nhiều khán giả thích so sánh Thế Anh với Chánh Tín, một người “nhất miền Bắc” còn người kia nhất miền Nam về sự toàn diện và độ nổi tiếng. Sau khi cộng trừ, khán giả như nhà văn Hồ Anh Thái cho rằng Thế Anh nhỉnh hơn Chánh Tín, nhưng nếu làm khảo sát rộng rãi thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào đâu. Nhất là khi Chánh Tín (thời hoàng kim) vẫn được coi là người “đẹp trai nhất Việt Nam” còn Ván bài lật ngửa tới 8 tập, khiến tài năng của Chánh Tín có cơ hội bộc lộ trọn vẹn, hằn sâu trong ký ức người hâm mộ.

Và hóa ra những cái tên được coi là đối trọng xứng đáng của hai miền, hoặc cực kỳ toàn diện của điện ảnh Việt, đều không đông như ta tưởng.

Ngoại hình và biểu cảm miễn chê của thiếu tá Vĩnh Quán trong "Tự thú trước bình minh"

2/

Trong cuộc đời diễn viên của mình, Thế Anh đã đóng nhiều loại vai, từ vua chúa (Ðêm hội Long Trì), bộ đội (Ðường về quê mẹ, Em bé Hà Nội), kỹ sư (Dòng sông âm vang, Nơi gặp của tình yêu) đến biệt kích (Không nơi ẩn nấp), cha cố (Ngày lễ thánh) , sĩ quan quân đội Sài Gòn (Tự thú trước bình minh, Hồi chuông màu da cam)… Kể cũng là nhiều, nhưng không phải quá nhiều. Bên sân khấu cũng vậy, ông góp mặt trong những vở đinh của Ðoàn kịch nói Trung ương (sau là Nhà hát Kịch Việt Nam): Ðôi mắt, Hòn đảo thần vệ nữ, Vụ án người đốt đền, Người cha thô bạo… vân vân. Vẫn nhiều, nhưng không phải quá nhiều.

Nói chung diễn viên Việt Nam thường có tuổi thọ nghề nghiệp khá ngắn. Số zách như Thế Anh, Trà Giang… mà đếm một lúc là hết. Các kỳ liên hoan phim vài chục năm qua, họ đều có mặt nhưng nhiều người phải hỏi nhau: bộ phim gần nhất họ đóng là gì?

Ðó là một trong những điều đáng tiếc nhất của điện ảnh, sân khấu Việt Nam. Vì sao vậy? Không có kịch bản tốt cho họ lựa chọn, hay vì các đạo diễn mải đi tìm gương mặt mới trẻ trung gợi cảm mà bỏ quên các tượng đài cũ? Hãy xem Robert De Niro, Anthony Hopkins, Jack Nicholson, Al Pacino… tuổi U80 vẫn là “già gân” của màn bạc Mỹ như thế nào, phim mới nào cũng khiến khán giả bổ nháo bổ nhào đến rạp. Meryl Streep cũng vậy, hát và nhảy như người không tuổi. Vô số minh tinh khác nữa. Trong khi minh tinh ở ta, được một vài thế hệ nhắc nhớ là quý lắm rồi, và dù nhắc nhớ nhưng không dễ hối thúc được họ- khán giả thế hệ sau, tìm xem những bộ phim vở kịch người kia từng đóng.

Xem hình ảnh đám tang NSND Thế Anh, thấy lại gương mặt bà Thu Hằng vợ ông vốn là đồng nghiệp của Thế Anh ở Nhà hát Kịch Việt Nam, và hai con trai mà Thế Phương- con cả, từng là một trong những đứa trẻ đẹp nhất tôi từng thấy.

Hồi đó, đầu thập kỷ 80 thế kỉ trước, tôi học cấp 3 Trưng Vương còn Phương học cấp 2, trong một niên học mà lần đầu cũng là lần cuối Trưng Vương tồn tại 3 cấp, sau đó trở về chỉ có 2 cấp như cũ. Phương mới là một thiếu niên mà đã mang những nét đẹp hoàn hảo, chói lòa, nghe nói lớn lên làm tiếp viên hàng không. Thế Anh có gương mặt không lẫn với ai, luôn tươi tắn sinh động hấp dẫn trong phim ảnh và trên sàn gỗ, mũi thì dọc dừa, nhân trung sâu, răng khểnh duyên dáng với miệng nói cũng duyên, mắt nhỏ một mí nhưng sáng và sắc. Còn con trai Thế Phương của ông trông không ngang tàng, đàn ông bằng bố mà lại đẹp kiểu hoàng tử bé, phong lưu “con nhà”. Hồi đó nghe nói các cô giáo rất thích cậu bé, các chị lớp trên thì tranh nhau làm phụ trách lớp này để còn ngắm nó.

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Ðứa trẻ đó nay là một trung niên đàn ông phải định thần một lúc mới nhận ra. Nhiều nghệ sĩ đến viếng Thế Anh cũng nom đà khác xưa, ngoại trừ một số gương mặt như: Minh Ðức (vợ Lân Bích), Ngọc Hiền (con gái Phạm Bằng và là đồng nghiệp của ông ở Nhà hát Kịch Việt Nam)…Ðộ tàn bạo của thời gian là khỏi bàn cãi, khiến nghệ sĩ và không chỉ nghệ sĩ không thôi thắc thỏm…

Áp phích phim "Mối tình đầu" thống trị các rạp Hà Nội cuối thập niên 70 thế kỷ trước

3/

Thương hiệu- nói đến từ này có nghĩa phải bàn đến kinh doanh, bán mua, “qui ra thóc”. Thương hiệu của nghệ sĩ, của người nổi tiếng thì sao, dùng vào việc gì thì hợp, ngoài bán mua.

Một nhà thơ có tiếng nói với tôi: “Anh là người có thương hiệu nên hễ Tết đến là đầy báo đặt bài. Thơ thì chả ai cần đâu nhưng bài báo thì nhuận bút rất cao, viết không xuể”.

Diễn viên và văn nghệ sĩ, người nổi tiếng nói chung, tạo dựng được chỗ đứng của mình trong lòng công chúng là vô cùng khó khăn. Cho nên tôi ước sao họ giữ được địa vị ngôi sao của mình càng bền càng tốt. Ðể nó sớm mai một thì quá phí. Nếu có cái gọi là thương hiệu, thì phải đắc dụng, đích đáng.

Ngày xưa, ai mà chả xem Thế Anh, Lâm Tới, Trần Phương, Chánh Tín, Thương Tín… Nhưng số được coi là tượng đài, thần tượng, ngôi sao- cho đến tận dốc cuối cuộc đời, không nhiều nhặn lắm đâu. Gặp lại nhiều người bây giờ chả khác nào gặp lại “chàng Ðỏ” trong truyện ngắn của Somerset Maugham. Còn nghệ sĩ ngày nay, đồ rằng tuổi thọ (nghề nghiệp và độ nổi tiếng) còn ngắn hơn. Vì fan của họ có vẻ là fan phong trào là chính, không dai dẳng như fan ngày xưa.

Trong phim Ðồi Notting, vai minh tinh Anna Scott do Julia Roberts thủ diễn, có nói “vinh quang thật ra không có thật”, ý muốn đề cao tình yêu, tình bạn và những giá trị vĩnh cửu khác. Vẫn biết gì rồi cũng đến lúc lụi tàn, vinh quang cũng vậy, nhưng không khỏi xót xa mỗi khi phải chia tay một tượng đài.

Người ta mong gì ở những người nổi tiếng có thực tài? Có lẽ là mong họ đạt đến đỉnh cao nghề nghiệp, không dễ hài lòng, không dễ dừng lại. Mong họ truyền cảm hứng cho đồng nghiệp thế hệ sau bằng tài năng và đức độ chứ đừng nhợt nhạt nói cười trong những bài phỏng vấn thiếu muối. Truyền cảm hứng đến công chúng bằng những quan điểm đúng đắn, hành động thiết thực về các vấn đề của cuộc sống, của đất nước- nếu có thể. Biết nhận lại và cho đi (như Châu Nhuận Phát, nếu có thể). Mà phải nhanh nhanh lên, “vội vàng như chẳng kịp” bởi thời gian chẳng đợi ai.

Nghe NSƯT Thành Lộc nói trên báo, có vẻ hơi quá lời rằng Thế Anh đẹp, tài, hào quang chói sáng đến nỗi Thành Lộc không dám đến gần, mà tôi càng tiếc rằng người như Thế Anh và vài đồng nghiệp của ông lẽ ra có thể đạt đến “đỉnh của đỉnh” và ở địa vị “thần tượng” trong khoảng thời gian lâu hơn nữa với ký ức sâu đậm hơn nữa trong lòng khán giả.

Nói chung diễn viên Việt Nam thường có tuổi thọ nghề nghiệp khá ngắn. Số zách như Thế Anh, Trà Giang… mà đếm một lúc là hết. Các kỳ liên hoan phim vài chục năm qua, họ đều có mặt nhưng nhiều người phải hỏi nhau: bộ phim gần nhất họ đóng là gì?