Theo lời của người nhà, mẹ của bé để thuốc ngừa thai trong ví. Bé trai đã lấy ví của mẹ chơi và tưởng thuốc trong ví là kẹo nên đã "ăn" mất 1 viên.
Người nhà lập tức đưa trẻ đến bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM để các bác sĩ xử trí. Bé được các bác sĩ rửa dạ dày.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, việc bé tưởng thuốc là kẹo và lấy "ăn" không phải là chuyện hiếm.
Bác sĩ Minh Tiến khuyến cáo, nếu phụ huynh phát hiện trẻ đã uống thuốc kịp thời thì nhanh chóng gây nôn cho trẻ càng sớm càng tốt để trẻ nôn một phần số thuốc đã uống vào ra ngoài để làm sạch dạ dày, giảm bớt sự hấp thu của thuốc vào cơ thể. Sau đó đưa trẻ tới bệnh viện ngay để được bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc. Mang theo vỏ loại thuốc hoặc chai hóa chất mà trẻ uống nhầm để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.
Việc uống nhầm thuốc ngừa thai có thể gây một số tác dụng phụ cho bé như chóng mặt, buồn nôn, đau bụng,... thậm chí thay đổi huyết áp.
Trên thế giới cũng đã có nhiều báo cáo trẻ con nghe thuốc là kẹo (nhiều phụ huynh gọi như thế để trẻ sẽ dễ uống thuốc hơn) lén đánh cắp thuốc dùng và bị ngộ độc.
Theo lời khuyên của chuyên gia, việc uống nhầm hóa chất có thể gây ra những hậu quả khó lường trước đối với trẻ, chủ động phòng tránh là cách tốt nhất để bố mẹ bảo vệ con mình.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM chia sẻ về các trường hợp hóc dị vật, uống nhầm thuốc và tai nạn thương tích ở trẻ. Ảnh: NĐ
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cũng khuyến cáo, dịp Tết Nguyên đán, trẻ được nghỉ và chơi thoải mái, tuy nhiên điều đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến trẻ dễ bị hóc các dị vật như: hạt dưa, chôm chôm, hạt bí, hạt hướng dương, hạt nhãn…
Mới đây, BV tiếp nhận bệnh nhi 16 tháng tuổi (ngụ Trà Vinh), nhập viện trong tình trạng tím tái, khó thở. Người nhà cho biết bé đã nuốt phải hạt sơ ri. Các bác sĩ tiến hành soi đường thở, gắp dị vật ra vật ra cho bé.
Ngoài hóc dị vật do ăn uống, trẻ còn gặp nguy cơ về tai nạn thương tích, nhiều nhất là bỏng hoặc chết đuối.
Bác sĩ Tiến cho hay, đã có trường hợp, trẻ bị phỏng do chơi đùa gần mâm cúng tổ tiên của gia đình. Bất cẩn làm cả mâm cúng còn đang nóng đổ vào người phải nhập viện điều trị. Thay vì vui chơi Tết ở nhà, gia đình phải vào viện để chăm sóc bé.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo, tuyệt đối các bậc cha mẹ phải lưu ý để những dị vật có nguy cơ tránh xa tầm tay trẻ em. Trong trường hợp nghi ngờ trẻ mắc hóc dị vật (có biểu hiện tím tái, khó thở…), tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ em vì như thế sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn. Sau đó đưa trẻ đến trung tâm y tế hoặc BV gần nhất để tiếp tục được cấp cứu.
Đối với các trường hợp té sông, té ao. Cách sơ cứu là hà hơi, ấn tim và đưa trẻ đến bệnh viện. Tuyệt đối không được sốc nước, lăn lu.