> Phú Quang không nên phủ nhận cống hiến của người khác!
> Một nhạc sĩ bị loại vì “tác quyền có vấn đề”?
Ảnh: Lê Thoa.
Ca sĩ Ái Vân phản ứng với phát ngôn của anh “Xưa Ái Vân chỉ được giải thưởng của một tỉnh lẻ ở Đức, về đã được phong NSƯT ngay”, anh biết chưa?
Tôi không nói ý như thế. Thực ra tôi vẫn là bạn và quý cô ấy. Tôi sẽ mời cô ấy về diễn chương trình của tôi. Có thể báo chí nói sai lệch ý tôi. Tôi chỉ nói một người được giải lớn ở Dresden, được xét danh hiệu thì những người được giải lớn cũng phải được xét chứ. Ngày xưa Lê Dung hát hay thế, chỉ có giải người hát dân ca tại cuộc thi Tchaikovsky thôi, sau đấy cũng được NSND ngay.
Không phải Bùi Công Duy là con rể tôi mà tôi bênh (Bùi Công Duy trượt NSƯT đợt này- PV). Con rể tôi có 4 giải quốc tế, còn Bích Trà rồi những người khác cũng nhiều giải thưởng quốc tế sao không công nhận?
Việc làm của hội đồng (cấp Bộ) chỉ theo lệ. Nếu là luật thì cứ thế mà thi hành. Nếu đã đoạt giải thưởng quốc tế mang vinh dự cho đất nước thì cứ thế phong tặng, chứ sao người này thì được mà người kia lại không.
Hội đồng có thể gạt nữa cũng được nhưng sao lại tôn vinh một người đi sao chép nhạc của người khác - Một ca khúc của Nga ca ngợi Sapaev.
Anh nói rõ, bài của Lê Lan giống bao nhiêu phần bài ca ngợi Sapaev?
Nhạc giống 100%. Vì nó ở trong quyển xướng âm. Hình như ông này cũng không biết đó là bài ca ngợi Sapaev.
Đã đến mức phải nói thì tôi nói: Nếu người ta có tha cho tội đạo nhạc cũng bình thường thôi vì trong hội đồng cũng có người như thế. Ngày xưa tôi thu nhạc cho phim tài liệu về Bắc Hưng Hải, lúc ấy đê sắp vỡ. Tự nhiên giật mình thấy dàn nhạc đánh chương II trong một giao hưởng của Dvorak. Xếp cái chương ấy vào thì cực hay, hợp lắm. Đạo diễn khen nức nở, các nhạc công cũng nức nở.
Tôi nghe giao hưởng nhiều từ bé nên hơi buồn cười nhưng chẳng nói gì. Sau đấy ra toilet vô tình gặp nhau, tôi đùa: “Các thiên tài hay gặp nhau quá nhỉ!” Ông ấy bảo: “Mày nói cái gì đấy?”. “Nhạc của anh với chương II Thế giới mới của Dvorak giống hệt nhau.
Anh viết về trời vần vụ mây đen sắp sửa lụt, kia tâm trạng của ông ấy là hoang mang trước một thế giới mới”. Ông kia bảo: “Vội quá, tao phải lấy”. “Nhưng mà ít nhất anh cũng phải đổi phối khí hoặc nhạc cụ đi một tí” .Ông bảo: “Vội quá không kịp chữa, thôi đừng nói nhé!”.
Anh nói nhờ bị loại mà anh không phải đứng cạnh một người không xứng đáng. Giả sử anh tiếp tục được Hội đồng cấp Bộ ghi nhận thậm chí đoạt giải cùng với người bị coi là đạo nhạc thì sao?
Thì tôi cũng chả vinh dự gì. Còn nếu người ta ghi nhận thì cũng là bình thường, mà nếu không thì tôi cũng coi là bình thường nốt. Tôi còn bao người yêu mến, sao vì một dúm người mà lại đi hờn giận trách móc cả xã hội. Giải thưởng là một cách Nhà nước tưởng thưởng nghệ sĩ. Có điều những người thực hiện bóp méo đi.
Anh có tên tuổi nhưng chủ yếu nhờ mảng tình ca. Anh nghĩ mình liệu có hợp với tiêu chí giải Nhà nước?
Ơ thế tình ca không giúp cho cuộc đời này à? Ca ngợi cái đẹp không phải là ca ngợi cuộc đời à?! Vấn đề đây không phải là vì tình ca. Ở một hội đồng khác trước đây, tôi từng nghe một ông ở Cục oách lắm bảo, Thương lắm tóc dài ơi rất tục, nó viết cái xu-chiêng rách, cấm không cho hát trên truyền hình TPHCM. Đâu phải bởi mùa thu thì họ bảo nói xấu, họ họp mấy buổi. Về sau tôi đùa là, tôi nịnh mùa thu đến thế tại sao nói xấu là như thế nào! Lá trút rơi nhiều mà tôi còn bảo là không phải tại mùa thu thì đáng ra phải được huân chương chứ.
Em ơi Hà Nội phố, hội đồng duyệt bảo không được để mặt A (trong băng cassette, phát hành giữa những năm 1980- PV), còn mặt B cấm được để vị trí đầu hoặc cuối vì chỗ đó dễ gây ấn tượng. Về sau họ lại trao giải Nhì (không có giải Nhất) cho bài này. Tôi không lấy giải thì anh Phan Vũ (đồng tác giả phần lời- PV) bảo: “Thôi Quang ạ, anh đói lắm. Mày ra lấy giải, nghe đồn được mấy triệu, cho tao ít tiền!”.
Ông nói mãi, độ hơn năm sau, mình ra lấy và chia cho anh một nửa, chả phải 1/3 như quy định của Nhà nước: “Thôi chia cho nó vui. Nói thật với anh bài này được giải em cũng không sướng lắm vì trước người ta bảo bài này viết bậy bạ, như Hà Nội sắp mất rồi ấy(!)”. Họ chả hiểu gì cả. Người ta không yêu được những điều nhỏ bé thì làm sao yêu được những điều lớn lao!
Anh có nghĩ nếu theo xu hướng “hết nạc thì vạc đến xương”, chắc một lúc nào đấy giải thưởng cũng sẽ đến lượt Phú Quang thôi?
Còn khối nạc! Chỉ có điều cứ lôi xương ra thì người ta tưởng thế thôi. Như anh Hoàng Hà, anh ấy già như thế, cống hiến như thế mà cũng không được. Anh ấy có phải xương đâu. Nạc hẳn hoi. Còn nhiều người khác, ví dụ xét giải Hồ Chí Minh thì ông Phạm Tuyên chả kém người nào mà cũng có được đâu.
Muốn hay không muốn cả nước cũng hát ông. Có những người ngồi trong hội đồng xét duyệt NSND bảo ca sĩ Quý Dương với Quang Hưng là đồ nghiệp dư! Nghệ sĩ sống với nhân dân chứ không phải sống với mấy hội đồng giải thưởng.
Giải thưởng chỉ có giá trị khi BGK có giá trị. Thôi vì mình không được, mình nói người ta lại cho là bất mãn. Tôi chẳng bất mãn. Tôi có thể gặp tất cả các vị ấy, vẫn cười nói vui vẻ.