Chuyện những cột mốc chủ quyền trên biển - Kỳ 2:

Nhà giàn đầu tiên được xây dựng thế nào?

TP - Sau khi có quyết định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Công binh thăm dò, khảo sát và tiến hành xây dựng các nhà giàn trên các bãi san hô ngầm. 
Nhà giàn thế hệ đầu tiên thiết kế dạng boong-tong đóng trên bãi cạn Phúc Tần ảnh tư liệu

Ngày 6/11/1988, biên đội tàu HQ-713 và HQ-668 do trung tá Phạm Xuân Hoa, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 Hải quân chỉ huy cùng đoàn khảo sát đã vượt sóng ra thềm lục địa. Sau gần 7 tháng khảo sát, ngày 10/6/1989 nhà giàn đầu tiên mang phiên hiệu Phúc Tần hoàn thành, trụ vững giữa biển Đông với tư cách là “cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển”.

Khác gì đi chiến trận


Chấp hành mệnh lệnh của Đảng ủy Lữ đoàn 171 Hải quân, con tàu mang phiên hiệu HQ-668 của Hải đội 811 Lữ đoàn 171 chở 15 cán bộ chiến sĩ vượt sóng thềm lục địa, đánh dấu tọa độ, đo độ sâu, khảo sát các bãi san hô ngầm xúc tiến cho việc đóng nhà giàn DK1 đầu tiên ở bãi cạn Phúc Tần. Ra đi trong gió mùa đông bắc tràn về, biển động dữ dội, con tàu nhỏ bé cứ chồm lên ngụp xuống trong sóng và ngược gió. “Hoàn thành nhiệm vụ, trở về đất liền an toàn” họ ra đi với lòng quyết tâm như thế. 

Trung tá Nguyễn Tiến Cường, hiện giữ chức Trợ lý kế hoạch tổng hợp của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, năm 1988 trung tá Cường đeo quân hàm thượng úy, thuyền trưởng tàu HQ-668 kể lại: “Tàu HQ-668 được mệnh danh là tàu “lá tre” bởi đây là tàu nhỏ nhất của Hải đội 811. Thời kỳ ấy, tàu Hải quân chưa hiện đại như bây giờ, chủ yếu là tàu vỏ sắt nhiều chủng loại. Riêng tàu HQ- 668 tiếp nhận về nguyên gốc từ tàu cá của Thái Lan. Với trọng tải 150 tấn, con tàu gỗ nhỏ bé này chật chội không kê được giường. Các chiến sĩ ngủ dàn hàng ngang trên sàn gỗ, tiện chỗ nào thì ngủ chỗ đó chứ không quy định cụ thể.

Chiều ngày 6/11/1988, tạm biệt vợ mới cưới, thuyền trưởng Nguyễn Tiến Cường xuống tàu ra đi. Chị Thủy tiễn chồng ra tận cầu cảng. Thay những lời dặn dò chồng là đôi mắt đỏ hoe. Nhìn vợ, Cường bảo: “Biển rộng lớn nhưng nhất định anh sẽ về”, rồi bước chân xuống tàu. Cùng tiễn chồng xuống cảng hôm ấy, có nhiều người vợ trẻ. Cuộc chia tay bịn rịn ngay trên cầu cảng, những giọt nước mắt, những lời dặn dò lưu luyến của người đi, người ở xúc động nghẹn ngào. Sau sự kiện “Trường Sa 88”, đi biển ngày ấy cũng đồng nghĩa với vào chiến trận, không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra.

Nhóm thợ lặn kiểm tra dòng chảy quanh chân đế nhà giàn DK1.  Ảnh: TC

Dưới sự chỉ huy của trung tá Phạm Xuân Hoa, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171, biên đội tàu HQ-668 do thượng úy Nguyễn Tiến Cường làm thuyền trưởng, tàu HQ-713 do thượng úy Nguyễn Hồng Thưởng làm thuyền trưởng hành trình từ cảng Vũng Tàu ra thềm lục địa. Phương tiện duy nhất trong chuyến hải trình này chiếc la bàn từ, 2 cuộn dây, 6 cây sào tre để đo độ sâu. Khi ra khỏi cửa biển Vũng Tàu, biên đội tàu gặp phải sóng to gió lớn. Con tàu nhỏ bé chồm lên ngụp xuống trong sóng và ngược gió, có lúc chỉ tiến được 2-3 hải lý/giờ. Đúng lúc đó gió mùa đông bắc tràn về, sóng dữ dội hơn. Tất cả các thủy thủ đều say sóng. Do làm tốt công tác động viên tư tưởng, nên không chiến sĩ nào có tư tưởng nôn nóng hoặc thoái thác nhiệm vụ.

Do không có định vị vệ tinh, nên biên đội tàu sau 3 ngày hải trình đã đi lạc vào vùng biển đảo Đá Lát. Đúng lúc đó thì tàu HQ-713 bị vỡ lốc máy. Lệnh của Lữ đoàn trưởng trung tá Phạm Xuân Hoa, tàu HQ-713 bằng mọi cách khắc phục sửa chữa lốc máy, tàu HQ-668 khẩn trương hành trình về hướng Nam (khu vực biển bãi cạn Ba Kè), nhanh chóng khảo sát, đo độ sâu. 

Theo phán đoán của trung tá Hoa, một hai ngày nữa sẽ có bão lốc, tại vùng biển này. Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng thượng úy Nguyễn Tiến Cường, các thủy thủ đã dùng dây thừng thắt nút cách nhau từng mét, một đầu buộc đá thả xuống biển. Nước ngập đến đâu, đếm nút thắt dây, tính ra độ sâu đến đó. Những cây sào dài hơn chục mét không phát huy được tác dụng vì dòng chảy mạnh và mực nước sâu đến trên 20m. Thuyền trưởng Cường vừa đưa cây sào xuống biển, đã bị dòng nước chảy mạnh làm gãy đôi. Tất cả đều nhờ vào sợi dây thừng. 

Sau 3 ngày khảo sát, các thủy thủ đã tìm được vị trí tọa độ trùng khớp với tọa độ đã ghi trên bản đồ, đo được độ sâu tương đối chính xác, thả phao quả nhót đánh dấu. Vị trí khảo sát đầu tiên ở bãi cạn Phúc Tần A đã hoàn thành, các thủy thủ tiếp tục hành trình đến các bãi cạn Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính và Cà Mau. 

Sống cùng bão tố

Sau khi tìm được bãi cạn và tọa độ xây dựng nhà giàn, ngày 26/11/1988 hai biên đội tàu HQ-713 và HQ-668 của Lữ đoàn 171 dưới sự chỉ huy của Lữ đoàn phó chính trị rrung tá Hoàng Kim Nông, biên đội tàu HQ-727, HQ-723 của Hải đoàn 129 do trung tá Trần Xuân Vọng chỉ huy hành trình ra các bãi cạn đã được đánh dấu từ trước và tổ chức canh gác tại đây. 

Trung tá Nguyễn Tiến Cường, nguyên thuyền trưởng tàu HQ668.  Ảnh: TC

Giữa biển mênh mông sóng dữ, đời sống của các chiến sĩ vô cùng khó khăn gian khổ. Thức ăn lúc đó chủ yếu là rau muống phơi khô và đồ hộp. Do sóng lớn, toàn bộ khoang nước ngọt dưới hầm tàu bị nhiễm mặn hòa lẫn với gỉ sét. Các chiến sĩ đã dùng áo lót căng lên mặt xô, lọc nước nhiễm gỉ sét, hoặc gạn lắng nước trong để nấu cơm. Vì không có nước ngọt nên các chiến sĩ không có “kế hoạch” tắm. Tất cả tắm bằng nước biển, nước ngọt chỉ tráng sau cùng. Vì thiếu nước ngọt, có chiến sĩ cả tháng không đánh răng, họ chấp nhận sống đời “ngư phủ”. Ngày ấy, việc quan sát mặt biển canh gác chủ yếu là mắt thường và kinh nghiệm thực tiễn chứ không có phương tiện hiện đại như bây giờ. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, ngày cũng như đêm, các thủy thủ tăng cường quan sát, phát hiện những động thái từ xa, và sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh.  

Nghĩ lại những ngày gian khó ấy, trung tá Nguyễn Tiến Cường bảo: “Ngày ấy, những lúc thảnh thơi, ngồi trên mũi tàu nhìn về phía chân trời nhớ nhà vô cùng. Tuy không ai nói câu gì, nhưng trong thâm tâm ai cũng suy nghĩ, giờ này vợ con mình làm gì, ở đâu? Và nếu mình có hy sinh thì ai là người thay mình gánh vác gia đình. Những điếu thuốc Đà Lạt chuyền tay nhau, ca nước ngọt sẻ chia, những câu chuyện tiếu lâm phá tan dòng suy nghĩ. Sau những giây phút trầm tư ấy, là sự lo toan cho con tàu, trước sóng và gió mùa đông bắc tràn về”.

“Pháo đài” đầu tiên trên biển

Tháng 5/1989, các biên đội tàu của Lữ đoàn 171 và của Hải đoàn 129 phối hợp với tàu kéo chuyên dụng của Bộ GTVT bắt đầu chở khung nhà giàn cùng vật liệu sắt thép vượt sóng ra bãi cạn Phúc Tần. Giữa biển khơi bao la, giữa cái nắng cháy da cháy thịt, những người thợ đóng giàn ngành dầu khí cùng các chiến sĩ công binh chạy đua với thời gian, chia ca làm việc 24/24 giờ. 

Từ thành công của việc xây dựng nhà giàn đầu tiên này, ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ) ra chỉ thị số 180 về việc xây dựng Cụm dịch vụ kinh tế – khoa học– kỹ thuật thuộc đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, tức nhà giàn DK1. Ngày này được lấy làm sinh nhật của nhà giàn.

Hồi đó phương tiện thông tin thời tiết chủ yếu là nghe Đài Tiếng nói Việt Nam qua chiếc đài bán dẫn nhỏ xíu. Nhiều khi đài báo sóng yên biển lặng nhưng buổi chiều giông gió bất ngờ ập tới, công việc đành phải dừng lại. Ông Trần Xuân Vọng, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 129 Hải quân, nhớ lại: “Có bữa trời đang trong xanh ngăn ngắt, chỉ vài phút sau là sấm chớp ầm ầm, sóng đang lặng lẽ bỗng lừng lững như quả núi. Mặc cho sóng gió, anh em chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Có lần một thợ lặn đang định vị dây xích dưới đáy biển thì dây dẫn khí bị đứt. Tình huống cực kỳ nguy cấp, nếu chỉ chậm vài phút sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Chúng tôi khẩn cấp đưa thợ lặn khác xuống cấp cứu, cho vào buồng giảm áp lực mới cứu sống được anh em”.

Công việc đầu tiên là dọn bãi đặt chân đế boong-tong. Những người thợ lặn đeo bình ôxy, mặc áo nhái lặn sâu xuống đáy biển, dùng vật chuyên dùng san phẳng bãi san hô rồi khoét sâu một lỗ rộng chừng 60m để đặt khối boong-tong vào đó. Khối boong-tong kết cấu bằng thép, bán kính chừng 16 m, bơm đầy xi măng vào trong, đánh chìm xuống đáy. Những người thợ lặn vừa phải chống chọi với dòng chảy, vừa “lái” khối boong-tong vào đúng lỗ đã được đào sẵn. Kết nối giữa khối boong-tong và bốn cọc cắm sâu vào san hô là bốn sợi dây xích siêu bền, chịu được sóng to, dòng chảy mạnh. Công đoạn thứ hai là kết nối boong-tong và khối thượng tầng. Những người lính công binh lại ngụp lặn trong lòng biển để làm những công việc “độc nhất vô nhị” này. 

Sau hơn một tháng chạy đua với sóng gió, ngày 10/6/1989, nhà giàn đầu tiên với tên gọi Phúc Tần hiện hữu giữa Thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ công binh và những người thợ lặn nhìn nhà giàn mà trào nước mắt, những giọt nước mắt sung sướng và tự hào khôn xiết.

 (Còn nữa)

Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập nhà giàn DK1 (5/7/1989-5/7/2014)

15 giờ chiều ngày 4/7/2014, tại tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân (đóng quân tại 65 đường Đô Lương, phường 11 TP Vũng Tàu, BR-VT) đã long trọng kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Cụm dịch vụ kinh tế- khoa học kỹ thuật(gọi tắt là DK1).

Thay mặt cán bộ chiến sĩ DK1, thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh đã ôn lại truyền thống 25 năm xây dựng và trưởng thành của DK1. “Mặc dù còn nhiều khó khăn gian khổ, mặc dù Trung Quốc mưu đồ độc chiếm biển Đông, cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 vẫn kiên cường bám trụ, chấp nhận gian khổ, dù phải hy sinh cũng phải giữ cho bằng được từng tấc đất, từng sải biển của Tổ quốc. Mỗi nhà giàn DK1 sẽ mãi là pháo đài thép canh biển. Còn cán bộ chiến sĩ, còn nhà giàn; còn nhà giàn còn biển của Tổ quốc”,thượng tá Dĩnh nhấn mạnh.