Bộ máy quan liêu thì rất nguy hiểm
Hội nghị Trung ương 6 tới đây có đề cập việc tinh gọn bộ máy. Vấn đề này đặt ra trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Việc xây dựng bộ máy tinh gọn thực ra đã làm mấy lần rồi. Mấy thời kỳ ta cũng làm rồi, nhưng không có kết quả mấy, không những không tinh giản mà bộ máy cứ phình ra. Lần này phải làm cho tổ chức bộ máy tinh gọn, chất lượng cao, nếu không làm được việc đó sẽ dẫn tới trì trệ, khiến bộ máy trở thành quan liêu. Mà bộ máy quan liêu thì rất nguy hiểm.
Một cấp vụ khoảng 30 người mà có một vụ trưởng, 3 vụ phó, còn hàm vụ phó có đến hai mấy người, chỉ một nhân viên thì lãnh đạo cái gì? Như ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ trước đây, đề bạt tới mấy chục vị hàm vụ trưởng, như vậy là vô nguyên tắc, chồng chéo nhau.
Nếu không giải quyết là nguy hiểm, quan liêu, xa dân, lương tăng quá đáng. Thấy rồi thì phải làm mạnh, trước nói cắt nhưng chả anh nào cắt cả. Giờ phải cắt bằng được, nếu không làm được là khuyết điểm rất lớn. Đứng về khách quan mà nói nó đã như cốc nước tràn rồi, không làm không được.
Nhân sự luôn là vấn đề lớn được người dân trông đợi tại mỗi kỳ Hội nghị Trung ương. Ông gửi gắm và kỳ vọng gì về Hội nghị Trung ương 6?
Vấn đề nhân sự thì chương trình chắc có rồi. Ở đây, ưu điểm phải nói rõ, khuyết điểm đến đâu nói rõ đến đó. Từ đó có mức xử lý cho phù hợp, chứ không phải xử lý là cứ phải dìm người đó xuống. Đó là văn hoá Việt Nam, trong Đảng cũng có văn hoá này. Xử lý nhẹ quá thì không được, án kỷ luật phải được lòng người, nhưng cũng phải thấy từng điều kiện, hoàn cảnh từng trường hợp, nhưng dứt khoát phải có xử lý. Như vụ Đà Nẵng phải xử lý, quan trọng là xử lý mức độ nào.
Phải nói rằng, công tác cán bộ vừa qua có tiến bộ, từ đó góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng tốt lên. Cái đúng cái sai trong Đảng phân minh hơn, làm cho tính tích cực cách mạng, vai trò vị trí người cộng sản mẫu mực hơn, tiêu cực có bị đẩy lùi, có răn đe, chắc chắn có hạn chế bớt tiêu cực đi. Những chuyện như khai gian bằng cấp thì làm nghiêm để họ sẽ không dám làm nữa. Các cơ quan tổ chức phải xem xét, nếu coi đó là tiêu chuẩn vào cấp ủy thì phải xem xét đến nơi đến chốn. Phải tăng cường thanh tra, kiểm tra ở cả chính quyền và trong Đảng.
Việc xử lý kỷ luật cán bộ, kể cả với cán bộ cấp cao thời gian vừa qua diễn ra liên tục. Ông thấy có thời kỳ nào mà “lò nóng” như lúc này?
Nóng bỏng hay không thì trong Đảng cũng có lúc này lúc kia, có từng thời kỳ. Thời kỳ này ta dám làm, ta kiên quyết làm, tinh thần là cấp cao cũng không né tránh. Nhưng còn nữa thì sao, cao hơn nữa thì sao? Đảng ta lãnh đạo, phục vụ nhân dân thì với ưu điểm phải phát huy, nhưng những cái xấu, cái không tốt dứt khoát phải kiên quyết đấu tranh. Đừng để tinh thần này nguội đi. Làm kiên quyết để cho Đảng ta luôn mạnh lên.
Bộ tiêu chí vừa ban hành mới đây liên quan đến những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải có những tiêu chuẩn cụ thể, như không tham vọng quyền lực, không để người thân lợi dụng… Ông có nghĩ bộ tiêu chí này sẽ giúp loại bớt các cán bộ thiếu trung thực?
Điều đó có tác dụng, không phải trước đây không nói tới, nhưng giờ ta cụ thể hoá ra. Trước đây Bác Hồ đã nói nhiều lần về việc không ham quyền lực, nhưng giờ anh chạy chức, chạy quyền là ham quyền lực chứ còn gì nữa. Hay văn hoá anh thấp mà lại khai cao lên để có chức thì cũng là ham quyền lực.
Đã ham quyền lực thì phải tìm cách chạy, chạy cách này không được thì anh chạy cách khác, thậm chí làm hại người khác còn nguy hiểm hơn. Cái đó ta phải làm một cách mạnh mẽ, kiên quyết. Vừa qua ta làm thế là có bước tiến quan trọng, cảnh tỉnh mọi đảng viên, làm cho nhân dân hài lòng. Đừng làm nhạt đi, lơ đi là nguy hiểm, nhưng nói hết chưa thì nói thẳng là vi phạm còn chưa hết. Song bước đầu là bước quan trọng.
Mất cán bộ là rất đau
Vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra nhiều kết luận với không ít vi phạm của cán bộ, đảng viên và trong đó có cả những cán bộ cấp cao. Bài học kinh nghiệm gì về công tác cán bộ cần được rút ra, thưa ông?
Ngay từ khi có Đảng, chúng ta đã có các nghị quyết về công tác cán bộ và đây là vấn đề có tính chất quyết định. Từ khi có Đảng, khi tổ chức còn rất đơn sơ đã thấy công tác cán bộ cực kỳ quan trọng. Sự lựa chọn để đào tạo, trở thành cán bộ cũng lại là một bước vô cùng quan trọng.
Đây là vấn đề thực tiễn, khi vào thực tiễn cuộc sống mới thể hiện người cán bộ đó có đúng và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hay không. Bước quan trọng như vậy thì ai giám sát, ai theo dõi? Về giám sát, theo dõi có quảng đại quần chúng nhân dân ở các khu vực, trên các lĩnh vực. Người ta trực tiếp biết, anh là cán bộ, anh bố trí đội ngũ thế nào, cái đúng, cái hay, cái không được trong công việc sẽ đánh giá được người cán bộ đó tốt hay không tốt.
Không phải tất cả đều xấu, mà có thể họ tốt nhưng lại không phù hợp với công việc được bố trí. Điều này lại do tổ chức, sắp xếp chưa phù hợp. Do theo dõi giám sát chưa thật sát, nên có khi cán bộ đó đáng ra chỉ bố trí ở cấp thấp, lại vượt tới vài cấp, nên mới có sai sót, có vấn đề nọ kia.
Thế nhưng cũng có tình huống đánh giá đúng, bố trí đúng, nhưng khi thực hiện anh cán bộ đó lại sai. Ở quân đội cũng thế, có vị tướng, vị chỉ huy huấn luyện, chỉ huy rất giỏi, nhưng đến khi ra trận chính ông ấy lại chỉ huy rất kém, không dũng cảm, nghe súng đạn đã sợ chui xuống hầm…
Muốn đánh giá sát nhất cán bộ phải thông qua thực tiễn, phải dựa vào quần chúng nhân dân và các tổ chức, các cấp. Ông tổ chức đề bạt, cất nhắc đánh giá mà lại không tham khảo, không đánh giá ý kiến đúng đắn nên đánh giá cán bộ không chính xác.
Ngoài đánh giá, giám sát, theo ông, liệu có lợi ích nhóm, phe cánh trong công tác cán bộ dẫn đến những sai sót như vậy?
Lợi ích nhóm, tiêu cực là có. Lần này có nhiều cái ta đánh giá đúng, đưa cán bộ phù hợp, nhưng cũng nhiều lần đánh giá sai. Bản thân cán bộ là một chuyện, nhưng tổ chức quản lý cán bộ phải chặt chẽ, phải hiểu được quá trình trưởng thành của cán bộ, có ưu nhược điểm gì, có khi anh cứ để thế, quan liêu không nắm, chỉ thấy vài thành tích tốt rồi tâng lên ghê gớm khiến họ tự kiêu, trở thành người thành tích, nhưng sau đó lại thoái hoá dần dần. Cho nên người tốt cũng có khi thành xấu.
Trong công tác cán bộ, bản thân cán bộ là quan trọng, nhưng tổ chức phải nắm chắc, nắm ngay khi cán bộ tiếp xúc với công việc. Cái quan trọng nhất khi nói đến công tác cán bộ là bản thân cán bộ phải bồi dưỡng, rèn luyện, tự phấn đấu, nhưng tổ chức phải biết được cái mạnh, cái yếu của họ.
Những người có thành tích nhiều, nhưng có vài vấn đề mà không thấy hoặc bỏ qua thì cái yếu nảy sinh khiến cái mạnh giảm đi, cái yếu tăng lên, khiến cán bộ ban đầu tốt nhưng về sau phải loại. Công tác cán bộ công phu lắm, phải liên tục chứ không phải ban đầu bố trí vào các vị trí xong rồi thôi. Nhưng chúng ta chưa có sự giám sát đến nơi đến chốn.
Chúng ta nói quần chúng giám sát, đúng là có, nhưng các cấp quản lý trực tiếp và gián tiếp chưa làm đến nơi đến chốn, đó là cái sai. Đó là chưa kể đến hiện tượng tiêu cực, nể nang. Có những anh có tật xấu nhưng không kịp thời chỉ ra, để từ cái xấu nhỏ thành cái xấu to, còn vài thành tích lại ca ngợi mãi, để đến lúc bùng lên thì mất cán bộ. Mất cán bộ là rất đau, vì để bồi dưỡng được một cán bộ đòi hỏi rất nhiều vấn đề. Mất một cán bộ là thiệt hại cho tổ chức, cho cách mạng.
Gieo hạt phải theo dõi xem phát triển thế nào
Có ý kiến cho rằng, việc xử lý kỷ luật cán bộ thời gian qua là giải quyết hậu quả từ những năm trước để lại. Ông thấy sao về nhận định này?
Không phải nhiệm kỳ trước để lại. Không phải những tiêu cực ấy từ khoá trước. Nhưng đúng là cũng có những ông có biểu hiện từ khi còn ở cấp nhỏ, khi mới còn ở cán bộ cấp phòng nhưng ta không theo sát, đánh giá được diễn biến, con người cán bộ. Theo dõi con người cán bộ phải có quá trình, có bản lĩnh của cơ quan tổ chức, và phải dựa vào quần chúng.
Công tác cán bộ đòi hỏi đào tạo qua trường lớp rồi, nhưng cái quan trọng là thực tiễn. Cần xem quần chúng đánh giá ông thế nào, phong thái thực hiện ra sao. Ưu điểm thấy rồi, nhưng có một vài khuyết điểm, hay những cái vấp của cán bộ thì lại không nói. Cán bộ giúp địa phương ra sao, gắn với quần chúng thế nào thì lại toàn đánh giá chung chung, nói không hết, như thế thì chưa được.
Công tác cán bộ chúng ta đang có chuyển biến, có rút kinh nghiệm, có đánh giá, nhưng vận dụng vào thực tiễn lại chưa đến nơi đến chốn. Giống như gieo hạt giống, phải theo dõi xem nó phát triển thế nào. Cán bộ khi ở trên trung ương và đi xuống thực tiễn, vào miền núi lại rất khác nhau. Cán bộ được bố trí phải theo dõi họ làm việc thế nào.
Khi đánh giá con người phải hết sức khách quan và rất trong sáng, còn nếu đánh giá không khách quan, trong sáng thì lại chỉ nói cái xấu của cán bộ. Cũng có người đánh giá một cách chung chung, trừu tượng, nói tốt nhưng không biết tốt thế nào.
Cách tốt nhất là đánh giá qua công việc, giao chức trách cho anh thế thì xem anh làm việc thế nào, tốt xấu ra sao. Bí thư huyện ủy hay chủ tịch huyện đánh giá trong huyện ủy rồi, nhưng phải xem nhân dân huyện đó đánh giá ông thế nào. Như Bí thư Đà Nẵng, người ta có ý kiến, có phản ánh. Tôi cũng vào và nói, nhưng trong lúc đó anh lại làm cái không đúng. Không phải dân không biết, đảng bộ không biết, mà họ biết nhưng không nói, không nói trong tổ chức nhưng lại nói bên ngoài.
Công tác cán bộ là vấn đề lớn. Khi vào hoạt động thực tế, anh muốn giấu cái xấu cũng rất khó, người ta biết cả. Kể cả cấp cao, tiếp xúc hàng ngày người ta đánh giá được, đánh giá đúng thì người cán bộ biết mình tốt thế nào, mình có tật gì, tật đó sửa thế nào. Nhờ thế mà có người trở thành người giỏi. Nhân dân hay cán bộ lão thành rất thẳng thắn. Tôi hoan nghênh việc tốt cứ nói tốt, không tốt nói không tốt để sửa.
Trong công tác cán bộ ta có nhiều điểm tốt, rút nhiều kinh nghiệm qua các thời kỳ, như vậy có cố gắng, tiến bộ. Nhưng cán bộ là cái gốc, công tác cán bộ là vấn đề cơ bản, nên cái gốc phải phát huy thế nào thì mới phát triển được. Khoá XI, XII của trung ương vừa qua có những chuyển biến mạnh, trong đó đấu tranh chống tham nhũng có khá lên. Nhưng có vụ xảy ra từ khóa X, thậm chí có những vụ tôi có ý kiến từ năm 2010 nhưng 7 năm sau mới bắt. Quan trọng là phải làm sớm, để bung ra rồi thì đã phá rất nhiều thứ.
Theo ông quyết tâm xử lý “không có vùng cấm” cũng như trách nhiệm đối với người đứng đầu đã đạt kết quả chưa, làm sao để có thể làm tốt hơn?
Vừa qua khui ra được nhiều thứ, đó là bước mạnh mẽ của Trung ương, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư. Giờ đang phải làm và tiếp tục làm. Đây là bước đi tốt, nhưng không phải như thế là xong. Làm sao để mọi đảng viên tự giác để mình không vi phạm pháp luật, giữ con người mình trong sáng. Sức đề kháng của mỗi đảng viên, dù ở cấp thấp hay cao đều phải có dũng khí giữ gìn cho đúng, đừng để vi phạm. Có sai có kỷ luật, dứt khoát phải làm.
Còn vai trò, vị trí, trách nhiệm của người đứng đầu tương đối có bước tiến. Vừa qua làm được như thế là đáng mừng. Thực ra không phải làm thế là hời hợt đâu, tiến bộ đấy. Nhưng cũng không phải như thế là hết, mà vẫn còn, thậm chí còn cao hơn nữa.
Vấn đề kiểm soát quyền lực cần phải được thực hiện thế nào cho hiệu quả, thưa ông?
Trước hết phải là tinh thần tự giác của từng người, thứ hai là phải làm đúng điều lệ Đảng, tự phê bình và phê bình, rồi sinh hoạt phải dân chủ, bình đẳng. Tự phê bình và phê bình cũng phải rất tự giác, đấu tranh thẳng thắn, nói rõ với nhau, thấy sai thì nói sai, có khuyết điểm thì báo cáo chứ đừng có bao che, như thế Đảng mới trong sạch được.
Tha hóa quyền lực thì chưa, nhưng biểu hiện thì đã có. Tha hoá có nhiều hình thức lắm. Cần phải nhớ con người phụ trách các vị trí của Đảng, Nhà nước phải có đạo đức. Quyền lực rơi vào một mình ông quyết định tất cả, cấp dưới sợ nên đều phải nghe theo. Mà tư tưởng sợ quyền lực, không dám mạnh mẽ đấu tranh, còn phải giáo dục nhiều. Người đảng viên phải làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình, đừng có sợ mà chùn bước.
Trước tình trạng thiếu trung thực của cán bộ được phản ánh nhiều trong thời gian qua, có đề xuất phải rà soát lại vấn đề bổ nhiệm, hồ sơ kê khai của cán bộ?
Cái đó đúng và cần phải làm. Những tiêu cực ấy không phải bây giờ mới có nhưng vẫn tiếp tục xuất hiện. Chỉ ra được cái đó là tốt, phải thấy đó là bài học cho mình. Trong Đảng phải nghiêm túc hơn, có biện pháp cao hơn, tổ chức làm tốt hơn. Bản thân người đảng viên phải tự xem lại mình, tự giác thấy cái sai, lấy đó làm xấu hổ.
Cần phải làm đến nơi đến chốn, từ nay trở đi không được để sai lầm như thế này nữa. Để dân mất lòng tin, dân thờ ơ là rất nguy hiểm.
Cảm ơn ông.
“Đã ham quyền lực thì phải tìm cách chạy, chạy cách này không được thì anh chạy cách khác. Cái đó cần phải làm một cách mạnh mẽ, kiên quyết. Vừa qua ta làm thế là có bước tiến quan trọng, cảnh tỉnh mọi đảng viên, làm cho nhân dân hài lòng. Đừng làm nhạt đi, lơ đi là nguy hiểm. Nhưng nói hết chưa thì nói thẳng là vi phạm còn chưa hết. Song bước đầu là bước quan trọng”.
ông Lê Khả Phiêu
“Thời kỳ này ta dám làm, ta kiên quyết làm, tinh thần là cấp cao cũng không né tránh. Nhưng còn nữa thì sao, cao hơn nữa thì sao? Đảng ta lãnh đạo, phục vụ nhân dân thì với ưu điểm phải phát huy, nhưng những cái xấu, cái không tốt dứt khoát phải kiên quyết đấu tranh. Đừng để tinh thần này nguội đi, làm thế là làm cho Đảng ta luôn mạnh lên”.
ông Lê Khả Phiêu
“Công tác cán bộ công phu lắm, phải liên tục chứ không phải bố trí vào các vị trí xong rồi thôi. Nhưng chúng ta chưa có sự giám sát đến nơi đến chốn. Chúng ta nói quần chúng giám sát, đúng là có, nhưng các cấp quản lý trực tiếp và gián tiếp chưa làm đến nơi đến chốn, đó là cái sai”.
ông Lê Khả Phiêu