Nguyên Bộ trưởng Giáo dục hoang mang về phương án thi chung

Nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào Tạo, GS Phạm Minh Hạc chỉ ra, trong thông tư công bố quyết định chọn phương án kỳ thi quốc gia chung của Bộ GD&ĐT còn nhiều khúc mắc.

Bộ GD&ĐT mới công bố phương án thi cho kỳ thi quốc gia chung thực hiện từ năm 2015. Từng là nhà quản lý giáo dục có nhiều năm kinh nghiệm, GS đánh giá như thế nào về phương án mà Bộ lựa chọn?

Tổ chức kỳ thi quốc gia chung với chủ trương tiết kiệm công sức, tiền của của xã hội, phụ huynh, học sinh, giảm căng thẳng thi cử cho người học… của Bộ GD&ĐT được dư luận hoan nghênh.

Tuy nhiên, sau khi nghe phương án thi được Bộ chính thức công bố, xã hội và nhất là học sinh, thầy cô, các trường đều có sự thắc mắc, lo lắng. Phương án Bộ nêu ra mới chỉ nói rất chung, mọi người không biết phải thực hiện như thế nào.

Có nhiều băn khoăn rằng đề thi năm nay sẽ ra theo hướng nào, phạm vi kiến thức trong lớp 12 hay trải xuống cả lớp 10-11? Các em thi ở cụm thi của Sở có được đăng ký vào ĐH-CĐ sau đó không? Trong văn bản nói 3 môn bắt buộc là: Toán, Văn, Ngoại ngữ nhưng ở dưới Bộ lại nói trường nào dạy ngoại ngữ không tốt thì học sinh được chọn môn thay thế. Vậy rốt cuộc, Ngoại ngữ là môn bắt buộc hay tự chọn và ai là người có quyền quyết định trường nào dạy Ngoại ngữ không tốt để học sinh có thể thi môn khác.

Các em học sinh từ lớp 10 đã định hướng và học theo khối thi ĐH, giờ phải chạy đua 8 tháng với các môn thi bắt buộc sẽ rất vất vả và ảnh hưởng nhiều đến học tập.

Trong đề thi có 2 mảng: xét tốt nghiệp THPT và dự thi vào ĐH-CĐ. Nhưng các trường ĐH-CĐ top đầu lại có phương án tuyển riêng. Có người đề nghị Bộ GD có chỉ thị buộc các trường theo quy định mới. Vậy Bộ có ra chỉ thị nào như thế và điều đó có trái với Luật Giáo dục là cho các trường ĐH quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Rồi việc coi thi, chấm thi ở cụm quốc gia, địa phương có nghiêm túc không?... Tôi thấy các phụ huynh, học sinh đã bắt đầu lo lắng.

Ra phương án kỳ thi cho một năm, về mặt đại thể tôi thấy lựa chọn của Bộ GD&ĐT đã hợp lý nhưng cụ thể tiến hành như thế nào thì người dân, xã hội đang chờ đợi văn bản hướng dẫn. Cá nhân các nhà quản lý giáo dục trả lời trên báo chí không có tính đại diện cho văn bản của Bộ và chưa phải quy định chính thống trong quản lý nhà nước về giáo dục nói chung trong đó có dạy học và thi tuyển.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT phải có văn bản cụ thể giải đáp thắc mắc và hướng dẫn thực hiện phương án kỳ thi quốc gia chung năm 2015. Ảnh: Quỳnh Trang.

Một phương án thi còn nhiều khúc mắc như thế, theo ông, phải chăng do Bộ GD&ĐT đã quyết định vội vàng?

Nói vội vàng thì không đúng mà là thời gian quyết định ngắn thôi. Dù sao lần này Bộ cũng công bố từ đầu năm học, thay vì trước kỳ thi 1-2 tháng như trước đây, điều này giảm được áp lực cho học sinh.

Tuy nhiên theo tôi, trước khi ra quyết định đổi mới thi tốt nghiệp THPT, ĐH-CĐ năm 2015, Bộ nên có một đề án cụ thể, nghe các ý kiến rồi có văn bản nêu các vấn đề một cách tường minh để mọi người đọc sẽ hiểu các làm.

Khi công bố phương án, Bộ cũng cần đưa ra số liệu điều tra khoa học xem bao nhiêu người đồng ý với ý kiến Bộ lựa chọn. Bộ hỏi ý kiến người dân mà khi ra quyết định lại không công bố kết quả. Tôi đã mong đợi thấy những con số này mà không được.

Có ý kiến cho rằng, phương án Bộ GD&ĐT lựa chọn chưa hợp lý nếu xét về lâu dài. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?

Nỗi lo này của người dân là hoàn toàn chính xác. Chúng ta đổi mới phát triển nhưng phải trong ổn định và ổn định để phát triển, nhất là làm giáo dục. Ta đâu thể một lúc là thay đổi bài dạy, sách giáo khoa, các học sinh cũng rất mệt mỏi.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành giáo dục có nhiều thay đổi quá khiến không ít người dân mất niềm tin. Ngành phải lấy lại niềm tin này từ phụ huynh, học sinh, nhà trường, xã hội.

Ở phương án thi mới, quyền tự chủ, tự quyết tuyển sinh của các ĐH-CĐ không còn nhiều. Vậy theo ông, chất lượng đầu vào của các trường sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

Đầu vào của CĐ có lẽ không bị ảnh hưởng bởi phương án kỳ thi quốc gia chung nhưng đầu vào của ĐH có nhiều vấn đề. Ví dụ, khối Y rất cần kiểm tra kiến thức Sinh học, Hoá học chứ không cần nhiều đến Văn. Môn Toán của trường thiên về kỹ thuật như ĐH Bách Khoa cũng khác yêu cầu mức độ hiểu biết của trường Kinh tế… Vậy, có lẽ nhiều ĐH sẽ tuyển sinh riêng.

Hiện nay nhiều ĐH top đầu cũng nói sẽ có phương án tuyển sinh riêng cho năm 2015. Các trường đào tạo văn hoá nghệ thuật cũng thế. Mục đích ban đầu của Bộ GD&ĐT khi đưa ra phương án kỳ thi quốc gia chung là giảm áp lực thi cử, liệu có tác dụng.

1-2 tháng trước Bộ có nói về một kỳ thi hai trong một nhưng giờ chỉ nói kết quả thi là điều kiện để xét tốt nghiệp và căn cứ xét ĐH-CĐ. Đã là căn cứ thì không thể quyết định được em này có thể vào học trường này hay trường khác.

Ông đánh giá thế nào về mô hình thi cử mới của Bộ GD&ĐT nếu so với xu hướng phát triển trên thế giới ?

Trên thế giới, nhiều nước vẫn giữ thi phổ thông nhưng họ làm nghiêm túc lắm và môn thi tương ứng với khoa, ngành ở ĐH. Các em học sinh ở Anh kết thúc thời gian học phổ thông ở lớp 10, phải hoàn thành tất cả các môn học. Sau đó, các em có 2 năm chỉ để học 5-6 môn liên quan đến ngành mình sẽ học ở ĐH. Đề thi do Bộ GD&ĐT ra, mỗi trường ĐH yêu cầu bài thi viết riêng. Tất cả nộp cho Bộ chấm và trả kết quả trực tiếp cho học sinh.

Nước Pháp gọi thi tốt nghiệp THPT là thi Tú tài và có khi Bộ trưởng phải báo cáo Quốc hội về đề thi và chất lượng bài thi để quốc hội phân tích.

Đào tạo ĐH ở mỗi trường một khác nhưng phổ thông thì phải đại trà. Phổ thông là móng của cái nhà. Nếu ở bậc học này anh không làm ra những học sinh tốt về đạo đức, giỏi về kiến thức, biết ứng dụng vào cuộc sống thì sao đất nước phát triển được.

Theo Quỳnh Trang

Theo VnExpress