Về rừng cần nhiều hơn ở "một kẻ mộng mơ"
"Mình về quê nuôi cá và trồng thêm rau" là lời bài hát của Đen Vâu trong ca khúc Bài Này Chill Phết, đã trở thành câu nói vui có sức lan tỏa mạnh mẽ với nhiều người sau những áp lực mưu sinh nơi phố thị. Những năm gần đây, câu nói tưởng đùa vui ấy lại là sự lựa chọn của nhiều người trẻ khi dịch bệnh đã khiến công việc ở thành phố của họ bị đình trệ, mất thu nhập.
Một ví dụ điển hình như Hải Yến (sinh năm 1994, quê ở Thái Nguyên) - cựu sinh viên khoa Mỹ thuật trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã liều lĩnh về quê với vỏn vẹn 3 bộ quần áo từ cách đây nhiều tháng. Có năng khiếu, tài năng vẽ nhưng Yến vẫn luôn luôn đặt dấu hỏi trước những yêu cầu phát triển của chính bản thân mình. Do đợt nghỉ dịch kéo dài, họa cụ phần lớn đều để ở Hà Nội, nên Yến dành khoảng thời gian 3 tháng để thư giãn, học thêm kỹ năng trồng cây, nấu nướng. Đây là những công việc mà cô bạn tự nhận mình vụng về, tự ti sẽ không bao giờ làm được.
Dần dần, cô bạn nghĩ đến việc phát triển nội dung số trên nền tảng mạng xã hội TikTok kết hợp với quảng bá, kinh doanh mặt hàng được xem là thế mạnh của vùng. Trước đó, trong quá trình làm nông, cải tạo lại khu vườn trồng rau, Yến thử quay lại video để đăng TikTok và không ngờ lại thu hút nhiều lượt quan tâm của cộng đồng. Từ những video đầu tiên, Yến dần trở thành một TikToker và tận dụng không gian vườn quê để kiếm tiền nhờ những thước phim giản dị.
Có lượng người theo dõi nhất định, Yến bắt đầu giới thiệu tới tất cả mọi người qua mạng xã hội về các sản phẩm từ đặc sản quê hương như trà xanh, xà bông, kẹo lạc trà xanh... Sau đó, cô bạn bắt đầu chuyển sang kinh doanh các sản phẩm này để có thêm thu nhập lại kết hợp quảng bá đặc sản vùng miền.
Yến chia sẻ: "Bỏ phố về rừng cần nhiều hơn ở một kẻ mộng mơ. Thú thực mình cũng là người mơ mộng. Mình về vườn với tình yêu thiên nhiên và đôi khi gặp khó, gặp khổ. Không ít lần mình đã nản lòng. Chính vì tình yêu thiên nhiên và mong muốn sống cuộc sống bình yên đã níu giữ mình lại. Để mình chịu được nắng, gió khi phơi nắng làm vườn. Đôi bàn tay nứt nẻ khi xách nước tưới cây vào mùa đông.
Mình đang sắp xếp và lên kế hoạch kỹ hơn về công việc và chỗ ở trong năm tới. Khả năng tới 70% là mình sẽ chuyển về quê. Mình thấy kinh doanh sản phẩm trà và bột trà xanh rất tiềm năng vì làng mình là làng nghề chè nổi tiếng. Đó là mặt lí trí còn thực sự nguyên do lớn nhất là mình rất yêu thiên nhiên và thích cuộc sống an yên bình dị ở quê.
Về quê thì cần có sự chuẩn bị về kiến thức và cả kinh tế nữa. Sự thay đổi nào cũng cần có chuẩn bị và khi sẵn sàng mình sẽ bán nhà ở phố để về hẳn với thiên nhiên".
Nếu "bỏ phố" theo trào lưu thì đó chỉ là... một kỳ nghỉ
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chị Nguyễn Thị Miên (sinh năm 1993, quê ở Hải Dương) cùng chồng quyết định bỏ phố về quê và chọn sống ở nông trại rộng gần 9000m2, cách trung tâm thành phố Frankfurt (Đức) khoảng 100km. Hiện tại, Miên làm mẹ bỉm sữa toàn thời gian cho cậu nhóc 2 tuổi và chăm sóc nông trại của gia đình từ tháng 6/2020.
Trước hiện tượng nhiều bạn trẻ ở Việt Nam cũng rời phố về quê, Miên nói: "Bạn phải tự định hướng cho bản thân rằng: Điều quan trọng nhất là bạn đang tìm kiếm thứ gì? Bạn đã tìm ra nơi phù hợp với bản thân chưa? Sống ở quê mang lại cho bạn ý nghĩa, giá trị gì? Tại sao bạn lại muốn về quê? Do bạn quá áp lực với công việc nên bạn muốn về quê để tạm thời trốn tránh thực tại? Về quê rồi lấy gì để sống? Các bạn có kế hoạch gì trong 5 năm hay trong 10 năm tới chưa? Nếu có kế hoạch thì các bạn biết cách gì để kế hoạch đó thành công chưa? Bạn có đủ chi phí ban đầu để duy trình cuộc sống, trước khi kiếm được đồng tiền đầu tiên từ quê chưa? Với số tiền mà bạn có, bạn sẽ duy trì đủ lâu để thành công làm giàu từ vườn?
Sống ở quê an nhàn, bình yên là đúng. Nhưng mình cũng phải tìm được việc gì để làm, để thấy cuộc đời ý nghĩa. Nếu bạn đã có một kế hoạch hoàn chỉnh, một dự định tuyệt vời, một cơ hội hiếm có và bạn thật sự biết bạn muốn gì khi về quê. Hãy mạnh dạn làm những gì bạn muốn và phải thật kiên trì đến khi kế hoạch thành công.
Còn nếu bạn về quê vì phong trào, về quê để trốn áp lực. Thì bạn chỉ nên về quê để đi du lịch thư giãn đầu óc và sốc lại tinh thần thôi, rồi trở lại phố thị làm việc. Còn "bỏ phố về quê" muốn thành công thì không dành cho bạn nào dễ dàng bỏ cuộc, thiếu tính tự giác, kỷ luật và kiên trì".
Có kiến thức rồi mới về vườn
Những ngày cuối năm 2021, câu chuyện của vợ chồng tiến sĩ trẻ bỏ việc, về quê trồng rau hữu cơ đã lan tỏa đến nhiều người. Đó là chị Nguyễn Thị Duyên (quê ở Thái Bình) có bằng thạc sĩ nông nghiệp tại Autralia và anh Nguyễn Đức Chinh, tiến sĩ sinh học tại Nhật.
Trong quá trình học tiến sĩ tại Nhật Bản, anh Nguyễn Đức Chinh đã chịu khó ghi chép lại những kiến thức hữu ích theo ý hiểu của mình và tự đặt ra nhiệm vụ chung cho 2 vợ chồng: "Về Việt Nam, chúng ta nhất định phải làm cho bằng được". Khi trở về, anh có cơ hội thăng tiến trong công việc ổn định nhưng lại chọn bỏ phố về quê, cùng vợ lập nên trang trại rau hữu cơ với mục đích đem các sản phẩm rau an toàn đến cho cộng đồng.
Bằng những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã học và nghiên cứu trong nhiều năm, vợ chồng tiến sĩ đã từng bước ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn để tạo ra sản phẩm rau sạch chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Không chỉ vậy, mô hình rau xanh của họ còn tạo ra việc làm cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, giúp họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Anh Chinh nói: "Sản xuất hữu cơ là phải học cách chung sống với tự nhiên, biết quy luật của cây trồng, của tự nhiên để áp dụng quy luật vào quá trình sản xuất".
Đằng sau câu chuyện của vợ chồng anh Chinh cũng còn có rất nhiều câu chuyện bỏ phố về vườn khác đang truyền cảm hứng cho người trẻ. Dẫu vậy, ở phố thị hay nông thôn đều có những khó khăn, trở ngại riêng nên nếu ai đó lựa chọn bỏ phố để trốn áp lực thì sẽ rất dễ "vỡ mộng" khi về vườn. Ngược lại, nếu đã hoạch định cuộc sống mơ ước và không ngại đi qua những con đường đầy gai thì hãy mạnh dạn và quyết đoán với sự lựa chọn của mình.