> Đề xuất chính sách tổng thể cho ngư dân
> Cuộc chiến cam go
Ngậm ngùi chờ tiền
Trong khi ngư dân cả nước đã hoan hỉ cầm tiền tươi sau khi trở về từ biển thì hàng loạt chủ tàu ở Đà Nẵng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ dù hồ sơ đã nộp đầy đủ.
Thuyền trưởng tàu ĐNa 90307 Nguyễn Phú Hùng trình bày: Chúng tôi được biết Nhà nước hỗ trợ tiền dầu hằng năm, ai nấy hoan hỉ. Nhưng đi mấy chuyến về, chẳng thấy tiền đâu. Hỏi Hội Nông dân, Hội lắc đầu. Thuyền trưởng Hồ Ngọc Thạnh vừa có chuyến biển đầy rủi ro bởi bị sét đánh hỏng toàn bộ máy, ICOM, bộ đàm... Trình hồ sơ lên cả tháng nay vẫn không nhận được tiền.
Theo ông Thạnh, ngay khi được xem Quyết định 48 từ bên Biên phòng, ngư dân cũng thấy kỳ lạ và thắc mắc, rằng đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa thì làm sao có con dấu xác nhận. Nào ngờ đến nay thành chuyện lớn, là mấu chốt vấn đề.
Chủ tàu Phạm Văn Chạy (Xuân Hà – tàu ĐNa 90011), nói: Theo quy định này, đây là một thiệt thòi lớn cho ngư dân Đà Nẵng, bởi đa phần tàu Đà Nẵng đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, nơi ngư dân không thể vào đảo xác nhận con dấu. Còn nếu vòng xuống Trường Sa để xác nhận thì thà về tay không còn hơn.
Các tàu cá Quảng Ngãi ban đầu cũng gặp khó tương tự, nhưng đã được chính quyền giải quyết bằng cách lắp đặt máy định vị GPS trên các con tàu đánh bắt xa bờ, vì thế, ngay khi cập bến, Đồn BP đã có thể xác nhận cho họ đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, bởi nhật trình đều được thể hiện chi tiết trên GPS. Tuy nhiên, đến nay, vẫn không hiểu Đà Nẵng vì sao chưa triển khai lắp đặt máy định vị GPS cho ngư dân ?
Lúng túng
Trên tay ông Nguyễn Văn Cồn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà (Thanh Khê) là một tập hồ sơ các trường hợp ngư dân có đi đánh bắt nhưng chưa được hỗ trợ tiền xăng dầu theo QĐ 48 của Chính phủ. Theo ông Cồn, cả thành phố hiện tồn đọng 121 trường hợp không thể nhận tiền xăng dầu vì thiếu con dấu đỏ ở ngư trường đánh bắt.
“Đáng lẽ là 123 hồ sơ nhưng mới đây, 2 trường hợp đã có con dấu ở Trường Sa nên được giải quyết, số còn lại phải chờ” – ông Cồn nói. Được biết trong hội nghị tổng kết thông tin liên lạc giữa tàu cá với đất liền tổ chức tại Đồn BP 248 mới đây, Chủ tịch quận Thanh Khê Trần Văn Huy đã đề cập và yêu cầu các bên tìm hướng giải quyết những tồn tại hiện nay trong chuyện chậm hỗ trợ ngư dân. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa tìm được cách nào khả thi.
Quyết định 48 ngày 13-7-2010 của Chính phủ về việc hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân ghi tàu 150–250CV được hỗ trợ 25 triệu đồng/chuyến; tàu trên 250CV–dưới 400 CV hỗ trợ 45 triệu đồng/chuyến; trên 400 CV hỗ trợ 60 triệu đồng/chuyến.
Trung tá Vũ Văn Chường – Đồn trưởng Đồn BP 248 cho hay, vì QĐ 48 đã ghi rõ phải có xác nhận từ ngư trường hoặc định vị GPS, cả hai điều kiện này còn thiếu nên Biên phòng không thể xác nhận. “Cố gắng lắm, chúng tôi chỉ xác nhận cho họ ngày xuất bến, thời gian đánh bắt và ngày cập bờ, còn đánh bắt ở đâu thì chịu. Mặc dù đôi khi anh em biết rõ, họ đánh ở ngư trường nào” – Trung tá Chường nói.
Khi chúng tôi đề cập vấn đề và hướng giải quyết, ông Đặng Công Ngữ - Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa cho biết chưa hề biết thông tin này, nhưng nếu như Biên phòng, rồi các cơ quan chức năng khác xác nhận đầy đủ, giấy tờ hợp lệ thì chuyện lãnh đạo huyện Hoàng Sa xác nhận, đóng dấu cho họ cũng không có vấn đề gì. Ông Trần Đình Quỳnh – GĐ Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, đang tìm cách giải quyết, nhưng chưa tìm ra phương án khả thi.
Ông Nguyễn Văn Cồn lật giở đống hồ sơ tồn đọng từ cuối 2010 đến nay, ngao ngán: Trong khi ngư dân các tỉnh thành miền Trung đã được lắp máy định vị GPS thì Đà Nẵng vẫn chưa triển khai, họ nói là đang chờ. Tôi không biết chờ cái gì, doanh nghiệp họ lắp máy, mình trả tiền sau mà vẫn chậm thế. Tôi chỉ e ngại, khi được lắp máy, có định vị GPS thì những trường hợp từ cuối 2010 đến nay, làm sao nhận được tiền ?