Ngọc linh sâm ma trận: Thật giả khó lường

TP - Thị trấn Đăk Tô, nằm trên đường Hồ Chí Minh nổi tiếng ở Kon Tum bởi những “đại lý sâm Ngọc Linh”. Nằm cách chân núi Ngọc Linh không xa, thuận lợi về giao thông, từ nhiều năm nay nơi đây nổi lên như địa chỉ tin cậy về mua bán loài sâm quý hiếm này. Song thực tế đó có phải sâm Ngọc Linh?

> Hơn 567 tỷ đồng trồng 1.000 ha sâm Ngọc Linh
> Gần 25.000 tỷ đồng cho 7.000 héc-ta sâm

Sâm nhiều như củ nghệ

Trưa một ngày cuối tháng 10/2013. Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, 11 Tây Nguyên mưa gió sụt sùi. Chúng tôi dừng xe vào một quán cơm ở thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô, Kon Tum), vừa dùng bữa trưa, vừa dò hỏi chủ quán mua sâm Ngọc Linh. Thấy ô tô sang trọng biển số ngoại tỉnh, dáng vẻ đại gia của một vài người trong nhóm, chủ quán nhanh chóng “bắt đài”.

Cô sốt sắng: “Các anh phải cẩn thận, kẻo mua phải sâm giả đấy. Ngay như em đây năm ngoái mua cho người anh ở sân bay Phù Cát, cũng mua phải sâm giả. Giờ em mua quen rồi, biết phân biệt sâm thiệt sâm giả, để em gọi điện thoại hỏi cho!”.

Rồi chủ quán rút điện thoại a lô. Không thưa máy. Lật tiếp danh bạ gọi số khác. Cô chủ nói chuyện xong đưa máy cho tôi. Đầu dây bên kia một người phụ nữ ( sau này được chủ quán bảo bà này tên là Bình) hỏi tôi cần mua bao nhiêu, mua dùng hay biếu, tôi bảo chỉ một vài kg, để dùng.

Giá chủ quán đưa ra là 32 triệu đồng/kg loại 10 củ/kg. Tôi đề nghị chị mang nhiều loại để xem, chị đồng ý song hẹn sẽ đến muộn vì đang ở huyện Ngọc Hồi bên cạnh.

Chồng cô chủ quán cơm nghe tôi bảo phải chờ bà Bình hơi lâu, anh liền bảo vợ: Qua chỗ khác mua cũng được, nào là bà Nga, bà Duyên... Rồi anh mang áo mưa chạy xe máy đi hỏi sâm, bảo chúng tôi đợi. Chủ quán chạy đi chừng 20 phút về dắt chúng tôi đến một địa điểm bán sâm Ngọc Linh cũng ở thị trấn Đăk Tô.

Bước vào căn nhà sang trọng 2 tầng, có ô tô riêng, chúng tôi nhận ra ngay sự làm ăn phát đạt của gia chủ. Đưa chúng tôi ra nhà sau, chủ nhà bê một thùng sâm Ngọc Linh còn nguyên đai nguyên kiện mới được gửi tới, mở ra trước mặt. Bên ngoài thùng tôi nhìn thấy dòng chữ: Người nhận: Minh Hùng, kèm theo số điện thoại.

Một điểm bán sâm Ngọc Linh giả ở Đăk Tô, Kon Tum.

Thùng sâm đổ tràn ra đất. Bà Minh và người giúp việc nhặt, phân loại từng nhóm, củ sâm to dài để riêng, sâm nhỏ để riêng, nhiều loại. Nhìn đống sâm củ dài, nhiều đốt, có củ rất to thật đẹp mắt. Nhiều củ còn nguyên cành, lá, hoa, quả.

Tôi hỏi giá, bà Minh bảo loại một, củ lớn, chừng 5-7 củ/kg giá 35 triệu đồng, loại nhỏ hơn giá rẻ nhất 12 triệu đồng/kg. Nếu mua dùng nên mua loại nhỏ này, chỉ cần sâm nhiều đốt chứng tỏ già năm, là tốt, không cần củ to.

Hỏi bà Minh loại sâm này từ đâu đưa về? Bà bảo sâm trồng ở Quảng Nam. Làm thế nào để phân biệt sâm thật, sâm giả? Ông Hùng liền lấy một củ sâm cũng rất giống loại này từ trong tủ lạnh mang ra, nói rằng đấy là sâm giả. Họ bẻ củ sâm giả này, nói rằng trong thân nó có nhiều mủ. Tôi nhìn, khó phân biệt 2 loại này khác nhau thế nào.

Nhìn kỹ đống “sâm Ngọc Linh” mà bà Minh đổ ra, theo quan sát của tôi, rất khó phân biệt thật giả. Cũng cành 5 lá, cũng hoa, quả như sâm Ngọc Linh. Chỉ có điều củ này da bóng láng, không sần sì như da sâm Ngọc Linh thật mà tôi đang cầm mẫu đối chứng. Nếu bỏ củ sâm thật vào đống sâm giả sẽ dễ phân biệt được, còn chỉ nhìn mắt thường mà không có mẫu đối chứng, ai cũng cho rằng cả đống mấy chục kg kia là sâm Ngọc Linh.

Sau khi hỏi loanh quanh cách nào để phân biệt sâm thật, sâm giả, thấy người bán bày cách nhận biết không thuyết phục, biết đồng nghiệp đã ghi hình đầy đủ, chúng tôi nhanh chóng tìm cách rút lui.

Một lúc sau bà Bình điện thoại cho tôi bảo đến quán cà phê xem sâm. Tôi nói đợi lâu quá đã mua của người khác, bà Bình tỏ ra hậm hực, trách mắng.

Sâm Ngọc Linh đại náo

Vào trang tìm kiếm trên Internet gõ cụm từ khóa: Mua bán sâm Ngọc Linh dễ dàng gặp hàng trăm địa chỉ giới thiệu bán loại sâm quý này. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, miền Trung, Tây Nguyên... đều có. Ai cũng bảo mình bán sâm thật, bày cách phân biệt sâm thật, sâm giả. Ai cũng khoe mình mua được sâm thật, nhưng sâm thật lấy ở đâu ra?

Sâm Ngọc Linh thật.

Năm 2012 chị Hoàng Thị Thanh Xuân ở phường An Phú quận 2 TP Hồ Chí Minh có chuyến công tác lên Kon Tum. Người lái xe taxi sau khi thao thao giới thiệu các loại ẩm thực và đặc sản Tây Nguyên cuối cùng kết luận: Nếu mua đặc sản, đáng giá nhất chỉ có sâm Ngọc Linh.

Nghe sâm Ngọc Linh đã lâu, nay nghe giới thiệu, chị Xuân càng háo hức. Người lái xe đưa chị đi sâu vào một bản làng thuộc huyện Đăk Glei cách chân núi Ngọc Linh vài chục cây số.

Đây là nơi duy nhất trên thế giới có loài sâm quý giá này sinh sống, nên gọi sâm Ngọc Linh là vậy. Chủ nhà là một người đàn ông người Xê-đăng, nói không rành tiếng Kinh.

Ông ta đưa ra một gùi nhỏ có chứa củ sâm. Ông nói tại thành phố Kon Tum loại sâm này có giá trung bình 40 triệu đồng/kg là người mua đi bán lại, ở đây ông đi đào được chỉ bán 25 triệu đồng.

Mừng vì mua hàng tận gốc, chắc chắn thật, chị lấy ngay 1 ký và còn thưởng cho người lái xe 500 ngàn đồng. Sau khi mang về nhà ngâm rượu, mấy tháng sau lấy uống thì rượu có vị chát đắng, cay sè, nóng rát.

Vừa nuốt xuống, cổ họng chồng chị bị ngứa không chịu nổi. Trong ruột lại cồn cào khó chịu. Hoảng quá, chồng chị ngay trong đêm đến bác sĩ. Thì ra, họ đã bị quả lừa, mua phải sâm Ngọc Linh giả là củ ráy rừng!

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ Kon Tum - bà Trần Thị Tuyết khẳng định: Hiện nay sâm Ngọc Linh thật không có bán trên thị trường. Do chính quyền không giao trách nhiệm quản lý loại cây này cho Sở nên bà không có chức năng kiểm tra, kiểm định chất lượng những thứ được cho là sâm Ngọc Linh đang bày bán.

Năm 2010 trong quá trình điều tra hai vụ trộm gần 1.600 gốc sâm Ngọc Linh của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, Kon Tum, Công an tỉnh Kon Tum đã phát hiện một đường dây tiêu thụ sâm Ngọc Linh giả.

Công an Kon Tum đã tạm giữ hành chính đối với ông Nguyễn Đình Ký trú tại thôn Măng Đen, xã Đắc Long, huyện Kon Plông, Kon Tum, khi ông đang tiêu thụ khoảng 2kg sâm Ngọc Linh giả với giá 40 triệu đồng/kg. Ông Ký khai đã mua số sâm này của ông Hồ Văn Hùng trú tại 230 Hùng Vương, TP Kon Tum.

Ông Hùng nói là mua của bà Hà Thị Tố Nga trú tại khối 7, thị trấn Đắc Tô, Kon Tum. Còn bà Nga thì nói số sâm đó do một phụ nữ tên Bình ở ngoài Bắc cung cấp...

Những người mua bán sâm Ngọc Linh khắp các nơi đều cho rằng mình bán sâm Ngọc Linh thật. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi qua một người giải nghệ việc mua sâm giả này tiết lộ: Trên thị trường hiện nay 99,9% đều không phải sâm Ngọc Linh mà là Tam thất Vũ Điệp.

Đây là loại cây rất nhiều ở các tỉnh phía Bắc và Vân Nam, Trung Quốc. Tam thất Vũ Điệp này có giá khoảng 800.000đ/kg. Chỉ cần gọi điện, đặt hàng là người ta gửi cả tấn theo xe đò mang vào.

Tam thất cùng họ với sâm Ngọc Linh, về củ, hoa, lá và trong thành phần củ này cũng có một số hoạt chất giống sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên Tam thất Vũ Điệp mỗi năm tăng trưởng từ 7-10 đốt, trong khi sâm Ngọc Linh chỉ tăng 1 đốt.

Ở nơi xuất phát chẳng ai tin dùng nhưng đưa vào Tây Nguyên nó thành sâm Ngọc Linh được bán đủ giá, rẻ thì vài triệu đồng/kg. Trước đây khi chưa được nhận diện, có người bán với giá 30-50 triệu đồng/kg. Những ngày giáp Tết Nguyên đán do nhu cầu mua làm quà ra Thủ đô biếu xén, có người đã phải mua với giá 70 triệu đồng/kg.

Là người sinh sống trên 20 năm ở Tây Nguyên, tôi cho rằng đến nay không một gia đình người đồng bào nào ở Kon Tum hay Quảng Nam có thể tìm được 1kg sâm Ngọc Linh tự nhiên/năm. Giỏi lắm họ chỉ tìm được năm ba củ, vài lạng. Sâm Ngọc Linh là loài mà chuột và nhiều loại thú gặm nhấm ở rừng rất nghiện. Vì thế, chúng sẽ không bỏ qua trước khi con người tìm thấy!

Trong khi đó, trồng sâm Ngọc Linh để khai thác được cần từ 10 năm trở lên. Hiện nay ở Kon Tum có 2 cơ sở trồng sâm là Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng khoảng 150 ha và Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô trồng 8 ha.

Cả 2 đều đang nhân giống, chưa đến giai đoạn thu hoạch. Người dân ở Kon Tum hay Quảng Nam trồng sâm cũng chỉ là manh mún rải rác, chưa thành thương phẩm như những người bán sâm đại trà ba hoa.

Còn nữa

Theo Báo giấy