Tê giác, lời ai điếu - tiếp theo và hết

Ngộ nhận của kẻ lắm tiền

TP - Không có sự ngộ nhận nào là không phải trả giá, với những người thích dùng sừng tê giác cũng vậy. Hậu quả của việc lạm dụng sừng tê giác, bất chấp công dụng của nó dẫn đến những hậu quả thảm thương.

  “Trạng chết, chúa cũng băng hà

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết một đại gia đã yêu quý con chó cưng của mình đến mức mua sừng tê giác để mài cho chó uống khi nó bị liệt. Kết quả con chó uống sừng tê xong sùi bọt mép chết. Nhiều người khuyên anh này không nên dùng sừng tê giác nữa vì loài tê giác rất “linh” có thể báo oán. Hẳn người ta chỉ thương loài tê giác mà nói với anh ta như vậy thôi. Gia đình có người bị bệnh đau đầu, anh ta tiếp tục mài sừng tê cho uống, người nhà cũng sùi bọt mép mà chết.

Theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng: “Có nhiều nghiên cứu nhưng chưa từng tìm ra được tác dụng chữa hay phòng ngừa ung thư của sừng tê giác. Trong khi đó rất nhiều trường hợp dùng sừng tê giác để chữa ung thư nhưng vẫn tử vong nhanh chóng”.

Giáo sư cũng cho biết sừng tê không làm cường dương mà ngược lại: “Dùng nhiều tê giác lạnh có thể gây mất năng lượng tự nhiên, mất hỏa tự nhiên trong người, gây liệt dương”. Có trường hợp bệnh nhân tên Hoa ở Hà Nội nghe tin sừng tê giác “chữa bách bệnh” mua về mài uống, kết quả phải vào viện nằm vì nhiễm độc gan.

Theo giáo sư, ở Nam Phi đã bắt đầu tiêm chất độc vào sừng tê giác để ngăn ngừa người sử dụng, cụ thể là chất ectoparasitisides. Chất này không gây độc cho con tê giác nhưng lại khiến người dùng sừng tê giác bị co giật. 

“Ở Nam Phi đã bắt đầu tiêm chất độc vào sừng tê giác để ngăn ngừa người sử dụng, cụ thể là chất ectoparasitisides. Chất này không gây độc cho con tê giác nhưng lại khiến người dùng sừng tê giác bị co giật”. 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Nhiều người buôn sừng tê giác cũng là dân buôn đồ cổ, thường loan tin với nhau rằng sừng tê giác cũng “hại chủ” như đồ cổ, nghĩa là nếu sưu tầm giới thiệu và lưu trữ bảo tồn thì đem lại phúc đức, còn buôn bán làm giàu sẽ khiến người ta tiêu tán.

Một người buôn sừng tê giác ở Tây Bắc đã bị sạt nghiệp vì mua phải sừng giả, đem sừng đến giữa cầu để bán, bị cướp mất vì cho là sừng giả, lại bị đập đầu vào cột nhà sàn, trở thành người tàn phế. Đấy là những câu chuyện mà người ta nói với nhau về tác hại của việc buôn sừng loại thú quý được thư tịch cổ xem là chúa tể của mọi loài mà vua chúa xưa thậm chí chỉ dám nuôi để chiêm bái.

Nỗ lực của Việt Nam

Thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình quyết liệt chống nạn buôn bán sừng tê giác. Ngày 24/1/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 11/2013/QĐ-TTg cấm xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán mẫu vật tê giác trắng và mẫu vật tê giác đen.

Ngày 20/2/2014 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện việc kiểm soát bảo tồn các động vật hoang dã tăng cường đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán tiêu thụ động vật quý hiếm từ châu Phi, đặc biệt là mẫu vật tê giác và voi.

Đề nghị Viện kiểm sát và Tòa án “đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong việc mua bán, vận chuyển mẫu vật tê giác, voi và mẫu vật của các loại động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm khác”. 

Sừng tê giác buôn lậu bị bắt giữ tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Nguồn: Hải quan Tân Sơn Nhất

Chỉ riêng trong năm 2013 Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã phát hiện 4 vụ vận chuyển sừng tê giác. Ngày 6/1/2013 bắt đối tượng Hà Thân Chỉnh, quốc tịch Việt Nam mang theo 9 sừng tê giác không khai báo, trọng lượng 16,26kg. Ngày 4/5/2013 bắt một đối tượng đem 2 khúc sừng tê giác trọng lượng 7,28kg. Ngày 20/5/2013 bắt tiếp đối tượng Đinh Văn Sơn quốc tịch Việt Nam nhập cảnh đem trái phép 6 khúc sừng nặng 5,07kg. Ngày 10/6/2013 bắt Tạ Đình Tiến quốc tịch Việt Nam đem 10 khúc sừng tê giác trọng lượng 6,89 kg.

Sau hàng loạt vụ bắt giữ, tình hình buôn bán có giảm. Năm 2014, tính đến nay mới phát hiện một vụ vào ngày 1/8/2014, phát hiện 5 khúc sừng tê giác trọng lượng 13,2 kg của đối tượng Vòng Cóng Lần. 

Ngành hải quan cho biết các vụ việc đang được điều tra mở rộng, nhưng rõ ràng các đối tượng vận chuyển đều là người Việt Nam chứ không phải người Nam Phi và sừng tê giác đều từ châu Phi, đúng như cảnh báo của các tổ chức quốc tế.

Khởi nguồn từ nhận thức

Từ năm 2013 đến nay, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Cites Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động truyên truyền, giúp cộng đồng hiểu rõ phải trái trong tiêu thụ sừng tê giác. Những kẻ săn bắn buôn bán trộm sẽ không còn đất sống nếu người dân không bị cuốn theo những lời hoa mỹ “sừng tê giác chữa bách bệnh” nhằm vào các đối tượng đang bị bệnh nan y và nhà giàu. 

Tuyên truyền không sử dụng sừng tê giác của tổ chức Cites. Ảnh: CITES

Theo kết quả nghiên cứu thì sau các đợt truyền thông của Cites phối hợp với các tổ chức quốc tế khác, tỷ lệ số người tham gia dự án tin sừng tê giác chữa được bách bệnh ở Hà Nội đã giảm 67% và số người các tỉnh cũng giảm 53%. Điều này cho thấy người dân sẽ sớm thoát được khỏi những ngộ nhận của mình rằng sừng tê giác là “thần dược” nếu được tiếp cận những thông tin khoa học, xác thực và thuyết phục.

Theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng, việc tiêu thụ sừng tê giác chỉ ồ ạt ở Việt Nam phải có căn nguyên và cơ sở của nó.

Ông đặt ra câu hỏi: “Những lời đồn đại về sừng tê giác như chữa được ung thư, giải rượu… chỉ mới xuất hiện trong chưa tới 10 năm gần đây và chỉ có ở Việt Nam. Tại sao lại như vậy? Phải chăng vì một số đại gia giàu lên bất thường hoặc vì số bệnh nhân ung thư đang tăng nhanh” (Tài liệu truyền thông từ Cites).

Sự phát triển kinh tế không cân xứng với sự phát triển của nền tảng tri thức, nhận thức đã dẫn tới việc tiêu tiền vô tội vạ và giới giàu có trở thành mảnh đất màu mỡ cho những trò hưởng lạc cũng như những ám ảnh về cái chết, về sự trường sinh bất lão ngự trị. Sừng tê giác được “tô vẽ” lên để đáp ứng những nhu cầu đó: Trường sinh (chống ung thư), hưởng lạc (cường dương). Bởi vậy mà nó dĩ nhiên thành thứ “quý hơn vàng”.   

Sự bùng nổ dùng sừng tê giác cũng cho thấy kiến thức về đông y trong xã hội Việt Nam mai một nhiều. Người ta sử dụng dược liệu mà hầu như không có kiến thức gì về chúng. Một lương y ẩn danh ở Bình Định, sở hữu một kho sách cổ nói: “Những công dụng của sừng tê giác như sách vở ghi chép, không thực sự đặc biệt, đồng thời ta có thể thay bằng các loại dược liệu khác vừa dễ kiếm vừa rẻ tiền mà công dụng không hề thua kém”.

Vị lương y này còn nói: “Trong nghề y, đoạt tính mạng của loài khác để mưu cầu tính mạng của mình được dài lâu là việc tối kỵ và ít công hiệu, cho nên truyền thống dùng thuốc Nam ta ngàn năm qua là chỉ dùng thảo dược để cứu người”.

10/2014

Hiện các vụ buôn bán vận chuyển sừng tê giác vào Việt Nam chủ yếu qua đường hàng không, tuy nhiên các đối tượng thường thay đổi hành trình và quá cảnh nhiều nơi để đánh lạc hướng các cơ quan chức năng. Điều đáng nói là các đường dây buôn bán của người Việt bị các nước trên thế giới phát hiện bắt giữ trên địa bàn của họ.

Tháng 6/2012, Thái Lan đã bắt một người Việt có tên Doan Minh, 41 tuổi, buôn lậu 7 chiếc sừng tê giác và 3 chiếc vòng ngà voi tại phòng chờ khi đang chuẩn bị lên chuyến bay về Hà Nội quá cảnh qua Bangkok. 7 chiếc sừng này được nghi là của những con tê giác bị giết ở Vườn Quốc gia Kruger và các khu bảo tồn xuyên biên giới của Nam Phi.

Ngày 7/1/2013, một người Việt khác bị phát hiện mang 27kg sừng tê giác trong hành lý và cũng bị bắt tại sân bay Bangkok (Thái Lan). Giá trị lô hàng bị bắt lên tới 1,4 triệu USD (khoảng 30 tỷ đồng).

Đầu tháng 11/2014 hai người Việt Nam đã bị bắt ngay tại sân bay quốc tế thủ đô Johannesburg của Nam Phi cùng với hơn 41 kg sừng tê giác. Được tin là có nguồn gốc từ các công viên ở Nam Phi.

Cảnh sát nước này thông báo: “Đây là số sừng tê lớn nhất bị tịch thu trong một chiến dịch ở Nam Phi” và các người Việt sẽ bị đưa ra tòa án Nam Phi để xét xử.