Ngỡ ngàng cà phê... Voi!

TP - Kể từ Tết Ất Mùi 2015, du khách ghé qua hồ Lắk sẽ được mời dùng loại cà phê đặc biệt đang được giới sành ẩm thực toàn cầu tôn lên hàng thức uống cực đắt: Cà phê…Voi! Trong khi cà phê chồn gây hoang mang lẫn lộn thật giả, thì cà phê voi Việt mới có duy nhất nơi này, với đàn voi đồ sộ ngày ngày dạo chơi giữa đại ngàn hoang dã.
Ông Long trước đàn voi xếp hàng chờ thưởng thức món gỏi cà phê.

Cách để Voi và Người hưởng thụ nhau!

Từ khi những điểm du lịch dọc sông Sêrêpôk trở nên hoang vắng vì nước sông bị chặn lại sau các đập thủy điện thay vì vào Buôn Đôn, du khách chuyển sang chơi hồ Lắk.

Là hồ tự nhiên rộng thứ nhì Việt Nam sau hồ Ba Bể, hồ Lắk nằm bên quốc lộ 27 quanh năm soi bóng đại ngàn. Thị trấn Liên Sơn và buôn Jun thơ mộng ven hồ không chỉ hấp dẫn du khách nhờ nguồn  thủy sản dồi dào tươi ngon, nhờ 23 thớt voi được chăm bẵm cẩn thận trên tổng đàn voi nhà tới lúc này trên toàn tỉnh Đắk Lắk còn có 47 con, mà còn nhờ sức cuốn hút của một “thổ dân” thông thái bản lĩnh- ông Đàng Năng Long, tên thường gọi là “Long Voi ”!.

Vốn là đầu bếp giỏi chuyên đãi bạn các món đặc sản rừng hiếm quý, từ khi tự nhận ra mình có lỗi với rừng già, hai thập kỷ trước ông Long đã từ bỏ thú săn bắn, quay lại nghề nuôi voi truyền thống bốn đời của gia tộc. Sau hai thập kỷ chăn voi, ông Long vừa được công nhận như một “bác sĩ voi” giỏi, vừa là người bảo vệ voi quyết liệt nhất. Không ai khác ngoài Long Voi dùng khổ nhục kế lần tìm tung tích bọn chặt đuôi voi suốt năm 2010. Để từ đó ông vạch rõ hành tung từng tên rồi cung cấp thông tin cho các cơ quan tư pháp huyện Lắk và tỉnh Đắk Lắk điều tra, khởi tố, xét xử vụ án chưa từng có tiền lệ đối với bọn tội phạm chặt đuôi voi, cướp lông voi đầu tiên trên cả nước.

Ông Lê Văn Quyết, nguyên phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, về hưu trở lại quê cũ huyện Lắk nuôi một đôi voi, than với tôi giải không ra bài toán nuôi voi: Rừng xanh ngày càng thu hẹp, chờ hoài Chính phủ vẫn chưa quyết được khoản ngân sách bảo tồn voi. tiền voi chở khách du lịch không đủ trả lương cho nài voi. Trong khi một con voi mỗi ngày ngốn tới mấy tạ thức ăn, của đâu nuôi voi được mãi? 

Bài toán đó đối với Đàng Năng Long, người sở hữu tới 7 con voi, càng khó gấp bội. Nhưng Long Voi không chỉ nuôi voi. Ông còn tìm cách sao cho cả voi và người cùng cộng sinh không phải khai thác nhau kiệt sức tới nỗi voi nhọc nhằn chết gục, chủ voi sạt nghiệp như thực tế phổ biến nhiều nơi!.  

Sau nghìn đêm dài trăn trở, gom tiền nhà học hỏi trải nghiệm khắp chốn, Long Voi đã nghĩ ra được cách sản xuất loại hàng đắt giá nhất từ voi, mà voi vẫn an toàn  mạnh khỏe, thậm chí còn được thường xuyên ăn những món ngon lành hiếm thấy.

Có sự hỗ trợ đắc lực của bà Thu Ba - người vợ hiền đầy quyền uy mẫu hệ - ông Long Voi thận trọng thử nghiệm suốt một niên vụ cà phê. Khi đã chắc chắn thành công, ông mới điện thoại báo tin cho tôi.

Chế biến món lẩu cà phê chuối cho voi.

Người uống mỹ vị, voi hưởng cao lương

Tôi về Lắk cùng một nhóm bạn Pháp sành cà phê. Sau một vòng cưỡi voi xuyên hồ Lắk, vừa vào tới sân công ty du lịch Vân Long khách đã nức mũi hương cà phê nồng nàn. Những phin cà phê đen sánh nhỏ giọt tỏa mùi thơm dịu lạ. Chủ nhân tươi cười mời quý khách thưởng thức cà phê voi!.

Bà Nicole Pechine Epouse Trampoglieri, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Pháp vùng Choisy le Roi lim dim nhấp thử một thìa đen không đường, bừng mắt kêu “Délicieux” - ngon tuyệt! Nữ huấn luyện viên Việt võ đạo Evelyne Boscheron nhấm nháp hết một phin lập tức rủ ông anh xin mua mấy bịch cà phê voi rang xay đem về Pháp đãi bạn bè. Ai cũng trầm trồ khen vị cà phê voi thật độc đáo.

Là cư dân bản địa, tôi dùng cà phê hằng ngày, và đã tò mò nếm thử gần trăm nhãn hiệu cà phê khác nhau, nhưng với cà phê voi giờ mới uống thử lần đầu. Thả từng giọt lên đầu lưỡi, ngậm từ từ. Vị đắng rất dịu, thoảng bùi đậm sô-cô-la, có gì đó như khói lam nhè nhẹ hòa quyện khó tả với mát lành cây trái.

Hèn chi, lâu nay chẳng những giá cà phê voi phục vụ các đại gia vung tiền như rác trong các casino năm, bảy sao ở Hồng Kông, Macau đắt kinh hồn, mà nhiều du khách trung lưu tới Thái Lan, Cộng hòa Maldives, tiểu vương quốc Abu Dhabi cũng sẵn lòng bỏ ra bạc triệu (quy ra VNĐ) để được uống mỗi phin cà phê voi bé tẹo.

Ông Long kể: Tuần trước, một chủ nhà hàng người Đức sang đây du lịch, uống cà phê voi, ngạc nhiên bảo không ngờ đến Lắk lại gặp loại đặc sản độc đáo này. Ông Gerhard ấy bảo đã uống cà phê voi bên Thái, không ngon bằng ở đây. Ở đó họ bán cà phê trong các khu phố san sát du khách mà chẳng thấy voi đâu, rừng đâu nên kém thuyết phục so với cà phê voi xứ Lắk này! Ông Gerhard tìm hiểu kỹ lưỡng quy trình sản xuất rồi đặt mua luôn một tạ, nhưng ông Long vét hết giao luôn chỉ được hơn chục ký.

Chúng tôi đến bên hông căn nhà sàn dài, nơi những đàn ông da nâu sẫm bẻ chuối chín thả vào lòng chiếc cối gỗ, vung chày giã quết cho cả khối sền sệt gồm bột gạo, bột bắp, cà phê tươi nguyên trái chín đỏ quyện dần vào nhau, để làm món “lẩu cao lương” đãi đàn voi đang xếp hàng dài chờ trước sân. Thùng lẩu vừa đặt xuống, lão voi Y Chum có đôi ngà dài cụt chóp đứng đầu hàng lập tức sục vòi vào cuốn từng mớ bột cà phê nhai khoái trá. Mấy con voi đứng sau sốt ruột dẫm chân chờ tới lượt.

Đàn voi rất khoái món mới quá ngon.

Suốt vụ cà phê chín kéo dài 4 tháng đối với cả 3 giống cà phê chè-mít-vối  từ đầu tháng 10 năm này đến hết tháng một năm sau, ông Long đã dặn trước nhiều chủ vườn ở nội tỉnh và huyện Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng chọn hái những trái cà phê chín mọng tươi ngon nhất bán cho ông với giá mười lăm nghìn đồng mỗi ký, gấp đôi giá cà phê tươi thông thường. Hằng ngày, mỗi con voi tham gia sản xuất đặc sản được bồi dưỡng một thùng lẩu gồm nửa tạ cà phê tươi quết với 2 yến bột bắp, 1 yến bột gạo, chuối chín hoặc dứa, mít. Ăn xong, voi lại vào rừng bứt cỏ hoặc chở khách lội hồ dạo chơi.

Khi phân voi thải ra bắt đầu pha lẫn cà phê, lúc đó voi không “đi tuor” nữa mà  nghỉ ở nhà để… ị! Mỗi bãi phân voi to như cái thúng thơm mùi trái chín khi rơi xuống cỏ, để khô se sau một ngày nắng gió sẽ nhặt được bình quân 5 ký cà phê nguyên hạt đã lên men qua đường tiêu hóa. Sản phẩm này phơi 2 nắng thành cà phê thóc, cho vào máy xát bay vỏ lụa, rửa bằng rượu nhẹ, phơi thêm vài giờ nữa thì có thể rang, xay.

Mùa không còn cà phê tươi, có thể dùng cà phê tươi đông lạnh, hoặc cà phê chín sấy khô ngâm nước làm món khoái khẩu cho voi. Với mức giá một triệu đồng mỗi ký cà phê thóc, hai triệu tư một ký cà phê voi thành phẩm, dự tính khi đặc sản được tiêu thụ mạnh, mỗi chú voi trừ các loại chi phí chăm nuôi còn có thể đem lại lợi nhuận cho chủ nhân đôi, ba trăm triệu đồng một năm.

Trong mọi cách mà con người trục lợi từ loài voi, có lẽ lối sản xuất cà phê voi này giàu tính nhân đạo hơn cả.  Các ông bà bồ tượng hẳn cũng khoái vì chả phải mang vác nặng nhọc gì, lại được ăn những món đặc biệt ngon lành bổ dưỡng, được chăm sóc toàn thân kỹ lưỡng hơn bao giờ hết!.

Năm 2012, hãng tin AP có bài giới thiệu “Cà phê phân voi đắt nhất thế giới”, cho biết hiệu cà phê mới “Black Ivory” do ông Blake Dinkin sử dụng 20 con voi sản xuất tại vùng núi Chiang Rai phía Bắc Thái Lan. Sản phẩm được bán ra với giá 1.100 USD một kg, đắt hơn so với giá 748 USD mỗi kg của cà phê chồn. Sau đó, một hãng tin khác cho biết năm 2013, giá cà phê voi trên thị trường đã tăng lên 1.500 USD/kg, là loại cà phê đắt nhất hành tinh. Mỗi năm chỉ có khoảng 200 kg cà phê voi được sản xuất với hương thơm đậm đà, có mùi socola hạt dẻ, anh đào pha lẫn vị… thuốc lá.