Hôm qua tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, báo Nông thôn Ngày nay tổ chức hội thảo “Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gene tại Việt Nam”. Nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như cây biến đổi gene (BĐG) có an toàn, có hiệu quả hay không được một số chuyên gia giải đáp.
Hội thảo được tổ chức sau khi Bộ NN&PTNT cấp phép năm giống ngô BĐG đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Bộ TN&MT phê duyệt và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho ba giống ngô BĐG, tạo cơ sở pháp lý cho việc thương mại hóa và sản xuất đại trà ngô BĐG ở nước ta từ năm 2015.
Ủng hộ
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cho hay, vấn đề an toàn và hiệu quả của trồng BĐG vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Có một cuộc thảo luận xuyên thế kỷ giữa hai phe ủng hộ và phe chống. Phe ủng hộ nói cây BĐG làm tăng hiệu quả kinh tế, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng sức khỏe. Phe chống nói cây BĐG gây ung thư, cỏ, sâu bệnh kháng gene, lệ thuộc vào các công ty đa quốc gia. Theo ông Hàm, để biết có nên áp dụng một công nghệ hay không, cần trả lời các câu hỏi: Công nghệ có hiệu quả không? Có an toàn không? Tác dụng phụ là gì? Có kiểm soát được không?
Ông Hàm lấy Philippines làm ví dụ. So với việc trồng ngô thường, ngô BĐG giúp tăng năng suất 34%, giảm sử dụng thuốc trừ sâu 60% và gia tăng thu nhập của nông dân 75%. Năm 2006 có khoảng 10 vạn nông dân Philippines trồng ngô BĐG, con số tăng lên 40 vạn năm 2013. Theo ông Hàm, đã có 500 nhóm nghiên cứu độc lập an toàn sinh học của cây trồng BĐG, 610 bài báo đã được công bố. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học là cây trồng BĐG có rủi ro cao hơn đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người, vật nuôi. Về việc một bài báo từng công bố một kết quả thí nghiệm cho thấy chuột ăn ngô BĐG bị u, bài báo này sau bị rút khỏi danh sách tạp chí, ông Hàm nói. Về tác dụng phụ và khả năng kiểm soát, cây trồng BĐG có thể phát tán gây ô nhiễm nguồn gene, siêu cỏ, sâu kháng gene có thể xuất hiện, tuy nhiên các nguy cơ này hiện có biện pháp ngăn ngừa, ông nói.
Theo ông Hàm, báo cáo công bố năm 2008 của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (có trụ sở tại Washington) cho thấy không có bằng chứng nào khẳng định số ca nông dân Ấn Độ tự tử tăng có liên quan tới việc giống bông BĐG của Monsanto (hãng từng sản xuất chất độc da cam/dioxin) được phép đưa vào gieo trồng tại Ấn Độ năm 2002.
Theo GS Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam, thông tin khiến nhiều người lo ngại nhất hiện nay là sinh vật BĐG có an toàn hay không? Châu Âu đã thử nghiệm cây trồng BĐG và đi đến tổng kết, sinh vật BĐG an toàn tương tự như những sinh vật được tạo ra bằng công nghệ truyền thống.
Về việc có phụ thuộc nguồn giống vào doanh nghiệp nước ngoài hay không, ông Hàm nói hiện nay tất cả giống ngô lai chúng ta đều phải mua của các công ty, trừ một số giống thuần nông dân tự để giống. Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu ngô mới tạo ra được hơn 7,2% sản lượng giống ngô, còn lại đều phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp, công ty nước ngoài. Tương tự, chúng ta cũng mới sản xuất được 2% sản lượng lúa lai, còn lại phụ thuộc vào nước ngoài. Đó là chưa kể các giống cây trồng khác như bắp cải, cà chua… hiện chúng ta mua 100% từ nước ngoài. “Vậy nếu dân mình không muốn dùng giống của Mosanto nữa thì có thể chuyển sang mua của hãng khác không? Hoàn toàn có thể”, ông Hàm nói.
Theo PGS.TS Phạm Văn Toản, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trước nhu cầu sử dụng và khả năng sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đều quyết tâm đưa cây trồng BĐG vào ứng dụng thực tế. “Kết quả khảo nghiệm ở Việt Nam đều cho thấy khả năng kiểm soát sâu trên ngô lên tới hơn 45%, trong khi các giống ngô thường khả năng kiểm soát chỉ đạt hơn 5%. Tương tự, hiệu quả kiểm soát cỏ dại của ngô BĐG sau khi phun thuốc trừ cỏ cũng cao hơn nhiều so với ngô thường được phun thuốc trừ cỏ”, ông Toản nói.
Phản biện
Tuy nhiên, theo GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng, cần cân nhắc việc đưa ngô BĐG vào trồng đại trà. Việc cấp giấy chỉ mới là công bố về mặt kết quả, đánh giá rủi ro về an toàn sinh học, sẽ đưa ra trồng đại trà sau. GS Long cho biết, trước khi đưa ngô BĐG ra trồng đại trà, theo Pháp lệnh Giống cây trồng, phải qua các bước khảo nghiệm nữa, nếu loại giống đó có tốt hơn giống của Việt Nam thì mới đưa vào danh mục giống quốc gia.
GS Long nói: “Quan điểm của tôi và nhiều nhà khoa học, những giống ngô BĐG của Mosanto cung cấp cũng chỉ là giống ngô kháng thuốc trừ cỏ. Tức có tính trạng là khi phun thuốc trừ cỏ, ngô không chết mà cỏ chết”. Theo ông Long giống ngô đó lại không có các tính trạng khác như năng suất cao hơn, chịu hạn tốt hơn…, điều mà Việt Nam đang cần. “Do vậy, khi sử dụng loại giống trên, phải mua thuốc trừ cỏ để phun, lại ảnh hưởng đến đất. Một năm mấy vụ trồng, nên cần nghiên cứu kỹ, thận trọng. Mặt khác, nếu dùng giống ngô của Mosanto, nông dân sẽ phụ thuộc vào Cty đó, giá giống lại đắt gấp 2-3 lần giống bình thường”, GS Long cảnh báo.
Theo vị chuyên gia về giống, hiện các Cty, tập đoàn nước ngoài chiếm khoảng 60% thị trường giống ngô. Nếu dùng thêm giống BĐG nữa, mức độ phụ thuộc lại càng cao. Chưa kể, hằng năm, Việt Nam mất 4 tỷ USD để nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, đậu tương…); ngoài ra, còn nhập thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… Như vậy, Việt Nam sẽ trở thành nền nông nghiệp gia công.
GS Long cho biết, hiện giống ngô của Việt Nam cũng có giống cho năng suất 8-10 tấn/ha. Hiện nay, 85% diện tích trồng ngô của nước ta phải nhờ vào “nước trời”, nên cần giống ngô chịu hạn. Năng suất ngô trung bình cả nước hiện chỉ 4,3-4,4 tấn/ha, như vậy không hẳn là do giống, mà do tổ chức sản xuất, tưới, vật tư, cơ giới hóa... “Do đó, nếu chạy theo giống của nước ngoài, mình sẽ bị phụ thuộc, dù chưa bàn tới chuyện giống BĐG có hại hay không”, GS Long nói.