Nghiêng mình ở tọa độ thiêng

TP - Không gì xúc động bằng khi được đặt chân đến những tọa độ thiêng liêng của Tổ quốc để được khám phá, được nghiêm trang đứng dưới bóng quốc kỳ và nghiêng mình tưởng nhớ tiền nhân.
Đông đảo người dân đến với Đất Mũi. Ảnh: Đại Dương.

Lũng Cú: 23°21’49’’ vĩ độ Bắc, 105°18’58’’ độ kinh Đông

Mặc dù còn khoảng 300 m (đường chim bay) nữa mới thực sự đến điểm cực Bắc, song trong tâm thức mọi người, cột cờ quốc gia Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), được xem là biểu tượng cho cực Bắc trong dải đất hình chữ S. Cột cờ nằm trên đỉnh núi Lũng Cú, có độ cao 1.468,73 m so với mực nước biển. Đây là nơi bất cứ con dân đất Việt nào cũng yêu, cũng muốn được đặt chân đến.

Từ bãi đỗ xe giữa lưng chừng núi, phải chinh phục 704 bậc đá để đặt chân lên đỉnh núi và được chạm tay vào chân bệ cột cờ. Cột cờ có tổng chiều cao 33.15 mét, trong đó chân cột cao 20.25 mét với đường kính ngoài rộng 3.8 mét, cán cờ cao 12.9 mét. Từ chân cột cờ, theo cầu thang xoắn ốc nằm bên trong, bước tiếp 135 bậc nữa để đặt chân đến phần cao nhất của thân cột cờ. Vừa đến bậc cuối cùng, một vùng trời đất bao la hiện ra trong tầm mắt. Gió vi vút, lá cờ đỏ sao vàng  rộng 54 m2 (tượng trưng 54 dân tộc Việt Nam) phần phật bay trên đầu.

Mắt rồng nhìn từ đỉnh núi Rồng-Lũng Cú.

“Theo tiếng Mông, “cú” là “ngô”, nên Lũng Cú là Lũng Ngô. Còn theo tiếng Lô Lô, Lũng Cú là Long Cư, tức nơi rồng ở”- Thèn Thị Hoa- thuyết minh viên cho biết. Nói rồi, cô xoay người chỉ hai hồ nước nằm đối xứng hai bên núi Lũng Cú. Hoa kể: Tương truyền, xưa kia rồng tiên xuống trần gian du ngoạn, thấy nơi đây cảnh vật hữu tình nhưng cuộc sống rất cực khổ vì thiếu nước. Động lòng trắc ẩn, khi bay về trời, rồng đã để lại đôi mắt mình, tạo thành hai hồ nước ngọt tự nhiên. Một hồ nước nằm bên làng Mông, hồ còn lại nằm bên làng người Lô Lô Chải. Mặc dù ở độ cao chót vót nhưng nguồn nước luôn trong xanh không bao giờ cạn.

Sử chép, khi Lý Thường Kiệt trấn ải bên thuỳ, ông cho treo tại vị trí này một lá cờ để khẳng định chủ quyền nước Đại Việt.  Sau khi đại phá quân Minh, vua Lê Lợi đã cho treo trống thật to ở trên núi và dùng tiếng trống ấy truyền tin về sự an nguy của vùng biên ải. Cột cờ bắt đầu được xây dựng từ thời Lý, làm từ cây sa mộc cao trên 10 mét. Thời Pháp thuộc, năm 1887, cột cờ được xây lại. Từ đó đến nay, cột cờ trải qua nhiều lần trùng tu với độ cao và kích thước khác nhau và lần gần đây nhất, năm 2010, cột cờ được xây dựng mới với quy mô, kích thước như ngày nay.

Thèn Thị Hoa cho biết, mỗi ngày có hàng trăm khách, trong đó nhiều nhất là các bạn trẻ, từ khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng, khám phá tọa độ thiêng Lũng Cú và nghiêng mình tưởng nhớ công ơn dựng nước và giữ nước của bậc tiền nhân, tiên tổ.

Mũi Cà Mau: 8°37’30” độ vĩ Bắc, 104°43’ độ kinh Đông

Nếu Lũng Cú địa đầu thì chót Mũi Cà Mau (thuộc ấp Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là phần đất liền cuối cùng - điểm cực Nam của Tổ quốc. Cũng như Lũng Cú, tọa độ thiêng Mũi Cà Mau luôn thu hút người dân ở muôn phương, nhất là giới trẻ đổ về để trải nghiệm, tận hưởng làn gió biển nồng nàn phù sa.

Mũi Cà Mau được ví như mũi thuyền Tổ quốc rẽ sóng vươn ra biển lớn và trong thực tế, chót mũi đang từng ngày tiến ra biển Tây (Vịnh Thái Lan) và mỗi năm tiến được 50 đến 80m. Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm được mặt trời mọc lên từ mặt biển Đông vào buổi sáng và lặn xuống mặt biển Tây vào buổi chiều.

Giới trẻ “phiêu” nơi Đất Mũi.

Hành trình từ Lũng Cú đỉnh đầu, xuôi về phương Nam xa xôi, đến tận chót Mũi Cà Mau đã cho tôi cảm giác sung sướng rợn ngợp bởi sự rộng dài của đất nước, của giang sơn gấm vóc liền một dải. Từ thị trấn Năm Căn (huyện Ngọc Hiển) đi ca nô khoảng 60 km, xuôi theo sông Cửa Lớn, rẽ vào kinh Xác Cò, ngoặt qua vàm Ông Linh, ngoặt lại kênh Xáng Cụt, lách vào Rạch Tàu để đến đất mũi. Hai bên bờ các con kênh rạch, chủ yếu chỉ có đước và đước, ngút ngàn đước. Rễ đước như những cánh tay chắc khoẻ bám chặt vào đất, ken dày tạo nên thành luỹ ngăn sóng, giữ đất, che chở cho con người. Lẫn dưới tán rừng đước là những mái nhà hầu hết không có cửa hoặc có nhưng không bao giờ khóa.

Lịch sử phát triển vùng Đất Mũi Cà Mau gắn liền với việc khẩn hoang mở cõi của các cộng đồng lưu dân người Kinh, Hoa và Khmer. Con người nơi đây hội tụ một cách tiêu biểu nhất về tính cánh phóng khoáng, dung dị, lạc quan của người dân miền sông nước đất phương Nam.

Đảo Tiên Nữ: 08°52’ 00 vĩ độ Bắc, 114°05’ 00 kinh Đông

Đảo Tiên Nữ (quần đảo Trường Sa) của Tổ quốc Việt Nam, cách Cam Ranh (Khánh Hòa) trên 700 km. Đảo Tiên Nữ là một thềm san hô hình ô van dài 9 km, rộng 8 km, chìm trong nước khi triều dâng nên được gọi là đảo chìm. Lúc triều lui cũng là khi hừng đông ló dạng, vành đai quanh thềm san hô như miệng chảo lộ ra, những con sóng đang vươn dài bỗng va vào “miệng chảo” cuộn trào, trắng xóa. Giữa vành đai sóng bạc đầu là một hồ nước xanh ngọc mênh mông, trong vắt. Lòng hồ như một khu vườn cổ tích giữa đại dương với những rặng san hô đủ sắc màu, những đàn cá lóng lánh tung tăng...

Chào cờ ở đảo Tiên Nữ.

Tôi đã đi xuyên qua những đợt áp thấp nhiệt đới để đến Tiên nữ. Sau những cuồng phong, trời cao vun vút, nắng vàng như mật đổ tràn xuống mặt biển lung linh. Tiên Nữ đẹp đến nao lòng. Hòn đảo nhỏ này luôn ưỡn ngực kiêu hãnh trước phong ba và được xem là biểu tượng thiêng liêng nhất về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Không phải ai cũng may mắn được đặt chân đến đảo Tiên Nữ, nhưng khi đã một lần đến nơi này sẽ không thể quên được cảm giác vô cùng đặc biệt, xúc động đến nghẹn ngào, nhất là khi đứng trang nghiêm dưới bóng quốc kỳ và hát Quốc ca. Trên nền xanh vời vợi của trời và biển, cờ đỏ sao vàng luôn tung bay khẳng định chủ quyền non nước Việt. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, những lá cờ được các chiến sỹ xếp cất cẩn thận và xem đó như một vật thiêng.