Người mẹ lấy chiếc mền dày trùm kín người con, ngọn lửa mới tắt. Hàng xóm đến ứng cứu và đưa nạn nhân đi bệnh viện. Toàn thân cậu bé bị bỏng rất nặng, đặc biệt là vùng da từ đầu đến thắt lưng cháy đen, biến dạng.
Mẹ của cháu bé người dân tộc Ba Na, quê ở Đăk Lăk, cho biết hàng ngày phải đi làm rẫy thuê kiếm tiền nuôi 3 đứa con. Con trai đầu Y Dâu có sở thích rất lạ là ngửi mùi xăng. Hôm xảy ra tai nạn, chị Y Boy xong việc ở rẫy về đến nhà thì thấy Y Dâu toàn thân bốc cháy dữ dội, gần đó có một cái bật lửa.
Bé được cấp cứu tại bệnh viện huyện và tỉnh, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM. Bác sĩ Nguyễn Quốc Hải, Khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2, trực tiếp điều trị ca này cho biết bệnh nhi bị bỏng cấp độ 3, cháy và biến dạng phần da đầu, mặt, tay, lưng, riêng 2 chân bị bỏng nhẹ hơn.
Sau khi được cứu chữa, bệnh nhi đã qua cơn nguy hiểm, sức khỏe dần ổn định, tình hình nhiễm trùng đã được kiểm soát, song vẫn phải băng kín phần thân trên để tránh nhiễm trùng. Bé sẽ được phẫu thuật ghép da đợt một vào cuối tháng 8.
Qua vụ việc này, bác sĩ Hải khuyến cáo phụ huynh nên cẩn trọng, không để trẻ có cơ hội tiếp xúc với các thiết bị phát lửa hoặc nhiên liệu dễ cháy như xăng, dầu, cồn... Trong trường hợp trẻ bị bỏng xăng, các chuyên gia an toàn khuyên không nên dập lửa bằng cách xối nước vào nạn nhân vì sẽ càng làm lửa cháy dữ dội hơn. Thay vào đó, có thể dùng chăn dày trùm lấy nạn nhân để dập lửa rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
Lưu ý: Không tự ý dùng thuốc bôi hay các loại lá dân gian, đồng thời tránh làm bong tróc phần da bị bỏng để hạn chế nhiễm trùng.