Nghệ sĩ vuông

TP - Đến bây giờ vẫn ngỡ ngàng khi ngắm nhìn con ngựa vuông của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. (Có thể rất lâu sau giới hội họa nước nhà mới có người được người đời tặng cho hai chữ này). Ông tuổi Ngựa (Bính Ngọ, 1918) nên vẽ nhiều ngựa. Như tự họa chính mình.

Tạo hình Ngựa của Nguyễn Tư Nghiêm gồm nhiều khối vuông. Thiên về lối điêu khắc dân gian, đường nét khỏe khoắn, rất đơn giản, với những khúc ngoặt/bẻ /gấp bất ngờ. Đôi khi xô lệch một cách ngăn nắp của sáng tạo mang tầm tư tưởng lớn. Tranh ông cũng nhiều đường thẳng, điều hiếm với giới hội họa.

Ngay từ cái tên Nguyễn Tư Nghiêm, cũng biểu đạt cho sự vuông vức, nghiêm ngắn, đáng yêu tin. Quần quật sáng tạo trong cõi lặng im gần suốt tuổi đời trăm năm. Xa lạ với mọi sự hoắng huýt làm dáng làm trò, tham sân si của bấy lớp hậu sinh. Tỉnh và lặng, đến nỗi như quên mất ông đang có mặt trên đời này. Khi tên tuổi đã được xếp vào thế hệ huyền thoại xa vắng từ quá lâu. 

Rồi thì nhớ một Hữu Loan vuông vức. Từ gương mặt tới cốt cách. Với những câu thơ đá tạc. Thi sĩ của “Màu tím hoa sim” tự bạch: “Tôi, cây gỗ vuông chành chạnh suốt đời/ Đã làm thất bại âm mưu đẽo tròn để muốn tùy tiện/ lăn lóc thế nào thì lăn lóc. Chân lý đấy/hỡi rìu bào phó mộc…”.

Nhớ Phùng Quán, thơ với đời là một. “Người làm xiếc đi dây rất khó/ Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn/ Đi trọn đời trên con đường chân thật/Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét… Bút giấy tôi ai cướp giật đi/Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá” (Lời mẹ dặn). 

Rồi đi suốt những “Mùa sạch” của Trần Dần “Miền sạch/ thuyền sạch/bút sạch”… Những kí họa của Trần Dần. Cũng là những thân người to vuông chành chạnh. 

Nói về ngôn ngữ của các biểu tượng, hình vuông là sự hiện hữu của những cái những thứ rắn chắc. Khó lật khó lay. Nghệ sĩ vuông.

Chợt ngẫm ngợi cuối ngày. Khi hay tin nghệ sĩ - kẻ sĩ mang cốt cách và tài năng độc đáo gần như cuối cùng của những con ngựa vuông ấy vừa ra đi…