Nghề nắn nồi dưới chân núi

TP - Hiện nay, các sản phẩm thủ công bị công nghiệp hiện đại lấn át, thậm chí nhiều làng nghề mai một. Thế nhưng, gần trăm năm nay ở chân núi Nam Di thuộc ấp Phmon Pi, xã Châu Lăng (Tịnh Biên, An Giang), người dân Khmer vẫn gắn bó với nghề nắn nồi đất.
Người Khmer đang nắn nồi đất. Ảnh: Tùng Huyên

Nghề nắn (làm) nồi đất ở chân núi Nam Di hầu hết là người Khmer. Người nông dân không ruộng đất lấy nghề nắn nồi làm kế mưu sinh, một số nhân dịp nông nhàn kiếm thêm thu nhập. Nghề làm nồi đất là tên gọi chung của những dụng cụ sinh hoạt trong nhà bếp như cà ràng ba chân các loại, nồi, chảo, khuôn đúc bánh khọt, ống thông hơi nấu đường thốt nốt…

Đang ngồi trước nhà nắn nồi giữa sân, bà Neáng Den 78 tuổi cho biết, bà làm nghề từ năm 15 tuổi đến nay, do bà ngoại truyền lại. Cứ thế, các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. Để hoàn thành một sản phẩm, người thợ phải có nhiều kinh nghiệm và đôi tay khéo léo.

Anh Châu Chin người đi gánh đất sét về để làm nồi cho biết, đất ruộng không làm lò được, phải lấy đất sét thật mịn ở dưới chân núi Cấm. Mỗi năm, việc đi kiếm đất làm nguyên liệu ngày càng phải đi xa, khó khăn và vất vả hơn. Đất làm cà ràng có màu vàng khác với đất làm nồi có màu đen. Khi đốt chín đều có màu đỏ tươi, đổ nước vào không nứt.

Theo lời anh Châu Chin, nghề làm nồi đất khá vất vả vì đất được nhào nặn qua nhiều công đoạn. Trước tiên, đất đem về tưới nước cho mềm, nhồi thành từng cục đều nhau rồi cán dẹt. Khi thấy đất thật mịn mới đem lên ván làm thành sản phẩm. Sau khi hoàn tất, sản phẩm được đem phơi ngoài nắng cho khô nước trong vòng 3 – 4 ngày rồi đem vào lò nung; tùy theo độ dày mỏng của sản phẩm mà sắp thứ tự vào lò. Thợ đốt phải nhét rơm vào bên trong các miệng lò, cà ràng. Đồng thời chất củi bên trên sản phẩm để được chín đều từ trong ra ngoài. Tránh tình trạng lửa không đều làm sản phẩm nứt hoặc chưa chín, thời gian đốt lò từ 1 - 2 giờ.

Bà Neáng Út Thi gắn bó với nghề hơn 20 năm, than thở: “Hiện nay, giá một xe bò chở rơm 180.000 đồng, củi 1 thước 150.000 đồng. Mặc dù nhiên liệu tăng theo thời gian nhưng giá cả sản phẩm không chênh lệch so với mấy năm trước. Trung bình, mỗi ngày kiếm được hơn vài chục ngàn.                                                                           

Hiện nay, ngày càng có nhiều sản phẩm bằng kim loại ra đời, tiện lợi hơn trong việc bếp núc. Tuy nhiên, với sở thích riêng của từng địa phương, nghề nắn nồi đất ở núi Nam Di vẫn tồn tại và là kế mưu sinh đủ đắp đổi qua ngày. Trong ấp có khoảng 18 hộ Khmer  vẫn giữ được nét văn hóa nghề truyền thống đặc trưng của làng quê.