Ngày châu Âu về khí hậu tại Việt Nam

TP - “Ngày ngoại giao châu Âu về khí hậu” năm nay diễn ra tại 60 quốc gia trên khắp thế giới. Hôm qua 17/6, nhiều sự kiện đã được Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Đại sứ quán các quốc gia thành viên EU đồng tổ chức.
Đại sứ một số nước thành viên EU và Đại biện Lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu đạp xe trong khuôn viên Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội nhân ngày “Ngày ngoại giao châu Âu về khí hậu” 17/6/2015. Ảnh: ĐSQ Đức.

Một đoàn xe đạp “Made in Vietnam” với khung làm bằng tre cắm cờ các nước EU do Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier, Đại biện Lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Delphine Malard cùng Đại sứ các nước Bỉ, Đan Mạch, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh đã diễu hành một vòng trong khuôn viên Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội. Đó là màn mở đầu cho cuộc họp báo về “Ngày ngoại giao châu Âu về khí hậu” diễn ra sáng qua 17/6 tại Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội. Cuộc họp báo nhằm cung cấp các thông tin về những sáng kiến của châu Âu nhằm chống biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam.

Theo Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier (nước đăng cai và chủ trì Hội nghị toàn cầu về Khí hậu Paris 2015), “Ngày ngoại giao châu Âu về khí hậu” nhằm mục đích kêu gọi sự tham gia và nâng cao nhận thức của toàn thể công dân về những thách thức mà chúng ta và các thế hệ tương lai sẽ phải đương đầu. Vấn đề này đặc biệt liên quan tới Việt Nam, một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Ngày này cũng là dịp để giới thiệu về Hội nghị toàn cầu về khí hậu Paris 2015 (COP21), quan điểm chung của EU và những hoạt động do Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên tiến hành tại Việt Nam nhằm chống BĐKH. 

Tại buổi họp báo, Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier cho biết, đặc điểm mới của COP21 là các vấn đề thỏa thuận được sẽ mang tính pháp lý, ràng buộc bằng cam kết quốc gia để giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó những gì các nước thỏa thuận được tại COP21 sẽ chính thực thực thi từ 2020. Mục tiêu của COP21 là tìm được một nguồn tài chính khổng lồ lên tới 100 tỷ USD cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu mỗi năm. Theo Đại sứ Jean-Noel Poirier, hôm nay 18/6, Đại sứ lưu động Pháp về biến đổi khí hậu sang thăm Việt Nam và có buổi gặp gỡ với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về các vấn đề liên quan tới chống BĐKH.

Bà Delphine Malard, Đại biện Lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, Liên minh châu Âu, nhân danh 28 quốc gia thành viên, đang theo đuổi những mục tiêu tham vọng với một cam kết mang tính pháp lý tại COP21. Theo đó EU sẽ tuyên bố đóng góp ở mức lớn nhất, cắt giảm ít nhất 40% khí thải nhà kính (so với năm 1990) vào năm 2030, và 50% tới năm 2050. EU cũng cam kết cung cấp tới 14 tỷ euro cho các nước khác để chống BĐKH trong vòng 7 năm tới, tức 2 tỷ euro mỗi năm.

Với Việt Nam, các nước như Đức, Pháp, Anh, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý… đều đã và đang có các chương trình hỗ trợ Việt Nam chống BĐKH. Theo Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, tính từ năm 1990 tới nay, EU đã tài trợ hơn 600 triệu euro không hoàn lại cho các dự án và chương trình cụ thể tại Việt Nam.

Tại buổi họp báo các vị đại sứ các nước thành viên EU đều chia sẻ các kinh nghiệm quý báu về ứng phó với BĐKH của nước mình với Việt Nam. Đại sứ Vương quốc Anh Giles Lever đánh giá Việt Nam có chính sách tốt về ứng phó BĐKH. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn còn nhiều nhà máy phát điện bằng năng lượng hóa thạch, và Việt Nam cần tận dụng công nghệ mới của thế giới để phát triển một nền kinh tế các-bon thấp.

Trong khuôn khổ “Ngày ngoại giao châu Âu về khí hậu” tại Việt Nam còn diễn ra các hoạt động: Chiếu phim, “Age of Stupid”  và đàm luận; Thi tìm hiểu trên mạng xã hội về BĐKH từ 18-24/6 (www.facebook.com/EUandVietnam). 5 người đoạt giải sẽ được trao giải thưởng là một chiếc xe đạp tre đặc biệt tại Lễ trao giải diễn ra vào ngày 26/6 tại Phái đoàn Liên minh châu Âu (Lotte Center Hà Nội).