Theo báo cáo, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) siêu vượt âm tối tân của Nga, Sarmat, có khả năng quét sạch các khu vực có diện tích bằng Anh và xứ Wales cộng lại.
Theo EA Times, Quân đội Nga đang chuẩn bị tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo Sarmat (NATO đặt tên là Satan-2). Có tầm bắn hơn 18.000 km, ICBM siêu tối tân này được tuyên bố là một phần của chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Nga do Tổng thống Vladimir Putin công bố vào năm 2018.
Hãng thông tấn Nga TASS đưa tin 3 vụ phóng thử tên lửa RS-28 Sarmat này sẽ được tiến hành trong năm nay.
TASS dẫn lời một quan chức công nghiệp quốc phòng Nga cho biết: “Lần phóng ICBM Sarmat đầu tiên trong khuôn khổ các cuộc thử nghiệm diễn tiến bay sẽ được thực hiện dự kiến vào quý 3 năm 2021 trên thực địa, và một địa điểm tại bãi thử Kura trên quần đảo Kamchatka sẽ là mục tiêu”.
TASS nói Bộ Quốc phòng Nga đã chi ngân sách để mua các tên lửa Sarmat nay đã được sản xuất theo loạt.
Tất cả sẽ có ba vụ phóng thử, được thực hiện từ một silo (giếng phóng ngầm trong lòng đất-PV) tại trung tâm vũ trụ Plesetsk ở tây bắc nước Nga và một trong ba tên lửa sẽ được bắn thử ở tầm bắn tối đa - một bài kiểm tra khả năng chiến đấu thời gian thực quan trọng nhằm nâng cao tinh thần của người Nga và tự tin vào khả năng răn đe của họ.
Nhiều cuộc thử nghiệm sẽ được tiến hành trong năm tới, với các trung đoàn tên lửa hoạt động đầu tiên sẽ được kích hoạt vào cuối năm 2022.
Sarmat là vũ khí lớn nhất trong kho vũ khí hạt nhân của Nga và nằm trong số sáu vũ khí hủy diệt hàng loạt mới được Tổng thống Putin công bố vào năm 2018. Năm vũ khí còn còn lại là: Avangard, Tsirkon, Poseidon, Kinzhal và một tên lửa hành trình hạt nhân.
ICBM Sarmat nặng 208,1 tấn - trọng tải đầu đạn gần 10 tấn và nhiên liệu là 178 tấn. Tên lửa có thể mang theo lên tới 10 đầu đạn MIRV hạng nặng hoặc hạng nhẹ, một số lượng không xác định của phương tiện bay siêu thanh Avangard (HGV) hoặc sự kết hợp của các đầu đạn và số lượng lớn các biện pháp đối phó với hệ thống chống tên lửa đạn đạo. Bộ Quốc phòng Nga nói rằng ICBM Sarmat là phản ứng của Nga đối với hệ thống Prompt Global Strike của Mỹ.
Cần nói thêm về công nghệ MIRV, viết tắt của Multiple Independent Reentry Vehicle. Theo công nghệ này, bất kỳ đầu đạn hạt nhân nào được mang trên đầu phía trước của một tên lửa đạn đạo có thể nhắm tới các mục tiêu riêng biệt. Đầu đạn tách ra và phòng tới mục tiêu riêng của chúng một cách độc lập sau khi các giai đoạn đẩy chính của tên lửa đã ngừng.
ICBM Sarmat có thể bay theo lộ trình không thể đoán trước và vượt qua các khu vực phòng thủ tên lửa. Nó có thể bay qua Bắc Cực và Nam Cực và tiếp cận mục tiêu từ những hướng không được dự kiến để đánh chặn, TASS đưa tin.