Hãng RIA Novosti ngày 8/7 dẫn lời Chủ tịch Viện Hàn lâm các vấn đề địa-chính trị, Thượng tướng Leonid Ivashov cho biết: “Ví dụ trên các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ lắp đặt tên lửa Kalibr, những tổ hợp tên lửa mặt đất có thể được triển khai bổ sung trên địa bàn Quân khu miền Đông, bao gồm cả quần đảo Kuril. Tuy nhiên, để có thể triển khai thì cần cảnh báo cho Nhật Bản”.
Trước đó, một số phương tiện truyền thông dẫn nguồn tin trong Bộ Ngoại giao, nói rằng Nga sẽ tính đến quyết định trên bình diện quân sự về việc Mỹ triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Cũng trong ngày 8/7, thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Hành động của Mỹ làm cho chúng tôi lo ngại”.
“Mỹ với sự hỗ trợ của các đồng minh tiếp tục tăng cường năng lực của phân đoạn châu Á-Thái Bình Dương bằng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu. Điều này dẫn đến suy yếu cân bằng chiến lược hiện có trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khu vực xa hơn nữa”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Mỹ và Hàn Quốc cuối cùng cũng đã thống nhất về việc triển khai hệ thống hệ thống phòng thủ THAAD trên lãnh thổ quốc gia Đông Á này.
“Hàn Quốc và Mỹ đã đi đến quyết định về việc triển khai hệ thống THAAD như là một phần của kế hoạch chung nhằm bảo vệ lãnh thổ Hàn Quốc trước các loại vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, vũ khí hủy diệt hàng loạt và các mối đe dọa tên lửa đạn đạo.
Hàn Quốc và Mỹ hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm đẩy nhanh việc triển khai hệ thống THAAD”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 8/7 cho biết.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ đề phòng Triều Tiên và không có một mục đích nào khác.
Một nhóm công tác chung của Mỹ và Hàn Quốc đang đánh giá để đưa ra địa điểm thích hợp nhất cho việc triển khai hệ thống này.