Nga - phương Tây 'tháo ngòi' khủng hoảng Ukraine

TP - Nga, Ukraine, Mỹ và EU vừa đồng ý các bước để giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, những người nổi dậy đang chiếm các tòa nhà chính quyền dường như vẫn hoài nghi.
Một số người nổi dậy đang chiếm đóng hội trường vùng Donetsk. Ảnh: Itar-Tass

Thỏa thuận Geneva đạt được ngày 17/4 (giờ địa phương) yêu cầu tất cả các nhóm vũ trang trái phép phải hạ vũ khí, chấm dứt việc chiếm đóng trái pháp luật các tòa nhà công cộng. Đại diện bốn bên đồng ý sẽ ân xá cho những người biểu tình chống chính phủ, và đối thoại về việc các khu vực nói tiếng Nga ở Ukraine có thể được trao quyền tự trị lớn hơn.

Quyền giám sát việc thực hiện được trao cho Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu. Hôm qua, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk thông báo: “Nội các đã chuẩn bị dự luật ân xá và sẽ được đưa ra Quốc hội để bỏ phiếu”. Theo ông Yatsenyuk, chính quyền Ukraine sẽ tiếp tục phi tập trung hóa quyền lực nhà nước.

Thỏa thuận Geneva không đề cập việc Nga sáp nhật bán đảo Crimea của Ukraine. Văn bản cũng không có từ ngữ nào chỉ trích hành động mà phương Tây cho rằng Nga đã can thiệp vào Ukraine. Các nhà ngoại giao phương Tây nói họ vẫn giữ vững quan điểm từ trước đến nay, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng, họ đã bỏ qua vấn đề này, Reuters đưa tin.

Việc thỏa thuận không nhắc đến Crimea có thể gây áp lực lên chính quyền lâm thời của Ukraine, khi những người ủng hộ họ đòi hỏi phải đưa bán đảo trở lại dưới quyền kiểm soát của Kiev.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói cuộc họp ở Geneva đầy hứa hẹn, nhưng Mỹ và các đồng minh vẫn chuẩn bị biện pháp gia tăng trừng phạt Nga nếu tình thế không được cải thiện. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói với báo giới tại Geneva rằng, nếu đến cuối tuần này vẫn không có dấu hiệu các nhóm ủng hộ Nga rút lui thì Nga sẽ phải “trả giá”, ngụ ý Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt.

Mỹ và EU đến nay đã áp dụng lệnh cấm visa và phong tỏa tài sản của một số ít người Nga. Phương Tây tuyên bố đang chuẩn bị các biện pháp có thể làm nền kinh tế Nga bị tổn thương nhiều hơn. Nhưng một số nước EU miễn cưỡng với chính sách này vì chính họ cũng sẽ bị tổn thương.

Thực tế khó khăn

Thỏa thuận đạt được giữa Mỹ, Nga, Ukraine và EU tại Geneva hôm 17/4 mang lại hy vọng tốt nhất từ trước đến nay để giải quyết bế tắc ở Ukraine. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, thực thi thỏa thuận này trên thực tế sẽ rất khó khăn vì sự ngờ vực sâu sắc giữa các nhóm ủng hộ Nga và chính quyền do phương Tây hậu thuẫn ở Kiev.

Những người ly khai hôm qua vẫn chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở miền đông Ukraine, nói rằng họ cần thêm bảo đảm an toàn trước khi tuân thủ thỏa thuận quốc tế yêu cầu họ buông vũ khí.

Tại thành phố Slaviansk, điểm nóng của cuộc khủng hoảng sau khi nhóm nổi dậy chiếm quyền kiểm soát từ tuần trước, lãnh đạo của các tay súng sáng qua tổ chức cuộc họp bên trong tòa nhà mà họ đang chiếm để bàn cách ứng xử với thỏa thuận ở Geneva, Reuters đưa tin.

Trên đường phố vẫn chưa có thay đổi gì đáng kể. Các tay súng nổi dậy vẫn đang kiểm soát những tuyến phố chính của thành phố. Nhưng họ thừa nhận các cuộc đàm phán ở Geneva đã thay đổi tình thế. Một thủ lĩnh nhóm biểu tình ở Donetsk nói rằng, họ sẽ không rời đi nếu những người biểu tình ủng hộ châu Âu ở quảng trường Maidan không nhổ trại trước.

“Chúng tôi sẽ xem họ làm gì ở đó rồi mới quyết định ở đây”, một thủ lĩnh biểu tình tên là Alexander Zakharchenko nói. Những người nổi dậy đang chiếm quyền kiểm soát các tòa nhà ở khoảng 10 thị trấn, thành phố ở miền đông.