Ukraine bắt đầu đợt rút vũ khí hạng nặng thứ 2
Ngày 4/3, phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn quân đội Ukraine Anatoly Stelmakh cho biết, quân đội nước này đã bắt đầu giai đoạn rút vũ khí hạng nặng thứ 2 ra khỏi đường ranh giới ở khu vực miền đông.
Theo ông Anatoly Stelmakh, các lực lượng an ninh Kiev đang rút các khẩu đội pháo 152mm khỏi đường chiến tuyến giữa hai phe tham chiến tại khu vực Donbas để tạo nên một vùng đệm phi quân sự giữa hai bên.
Ông Stelmakh còn cho biết, quân đội Ukraine đã hoàn thành giai đoạn rút vũ khí hạng nặng đầu tiên, trong đó có việc rút các khẩu đội pháo 100mm khỏi chiến tuyến.
Trong khi đó, hôm 1/3, đại diện các nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk khẳng định, họ đã rút toàn bộ vũ khí hạng nặng, ngoại trừ các bệ phóng tên lửa đa nòng Grad, khỏi đường giới tuyến tại các khu vực này theo Thỏa thuận Minsk, đạt được hôm 12/2 tại thủ đô của Belarus.
Vẫn không làm Nga hài lòng
Tuy nhiên, hành động trên của Ukraine dường như không làm thỏa lòng các quan chức Nga. Cụ thể, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trên báo chí hôm 4/3 đã tỏ ra không hài lòng khi Ukraine "cố tình câu giờ" vì từ chối cử đại diện đến tổ công tác đánh giá việc thực thi thỏa thuận Minsk.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: TASS.
"Hôm 24/2, tại Paris, Nhóm Tiếp Xúc về vấn đề Ukraine đã được thúc giục thành lập tổ công tác ’càng nhanh càng tốt’ để đánh giá mọi mặt trong quá trình thực hiện thỏa thuận Minsk đạt được hôm 12/2, bao gồm phương diện chính trị" - ông Lavrov nói.
"Tiếc rằng đến nay, chính quyền Kiev đã cự tuyệt những đề nghị từ Donetsk - Luhansk và cả Nga để lập tổ công tác nói trên.
Bọn họ đang muốn kéo dài thời gian. Điều này thực sự rắc rối" - Ngoại trưởng Nga bổ sung.
Sergei Lavrov nhấn mạnh. - "Những văn kiện thỏa thuận ngày 12/2 phải được chấp hành đầy đủ, điều này không có gì phải bàn cãi".
Việc thực hiện thỏa thuận bao gồm ngay lập tức thiết lập tổ công tác, bắt đầu làm việc về vấn đề cải cách hiến pháp Ukraine, khôi phục kinh tế và xã hội..."
Ukraine đang kẹt cứng trên ba mặt trận
Theo thống kê được Liên Hợp Quốc công bố hồi đầu tuần, chỉ riêng từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2 đầu năm nay, tình trạng chiến sự leo thang ở miền đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 842 người, làm bị thương hơn 3.400 người khác và khiến hàng trăm người mất tích.
Nhiều nạn nhân bị chôn vùi mà chưa được xác nhận là đã chết. Tính tổng lại, kể từ khi cuộc chiến ở miền đông Ukraine bùng phát từ hồi tháng 4 năm ngoái đến giờ, đã có hơn 6.000 người thiệt mạng, hàng triệu người rơi vào cảnh vô gia cư, điều kiện sống khốn khổ và cơ sở hạ tầng ở khu vực bị tàn phá thảm khốc.
Sau mấy ngày yên ắng tiếng súng và không có thương vong, tình hình Ukraine có nguy cơ quay trở lại bạo lực. Điều này đang gây lo ngại cho các cường quốc. Người ta sợ rằng, nếu giao tranh lại bùng phát trở lại thì lần này khó mà có thể dập tắt bởi đây đã là lần thứ 3 lệnh ngừng bắn được thực thi. Hai lệnh ngừng bắn trước đây đều chết yểu vì tình trạng bạo lực tiếp tục diễn ra và các bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau. Kịch bản cũ đang tái diễn dù ở mức độ chưa nhiều.
Ngoài cuộc xung đột ở miền đông, Ukraine còn đang “thót tim” lo sợ về khả năng rơi vào một cuộc chiến khí đốt với Nga. Giới chức Nga mấy ngày gần đây lại một lần nữa lên tiếng đe dọa sẽ cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ukraine nếu nước này không chịu thanh toán trước như đã thỏa thuận.
Với cáo buộc Ukraine không thực hiện chi trả khoản tiền mua khí đốt trước đúng thời hạn như yêu cầu, Giám đốc điều hành tập đoàn Gazprom - ông Alexei Miller hồi cuối tháng 2 tuyên bố sẽ tính tới chuyện cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine. Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tung ra lời đe dọa tương tự.
Nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine có tầm quan trọng sống còn không chỉ trong việc đảm bảo nguồn năng lượng và nhiệt trong mùa đông băng giá cho người dân ở quốc gia Đông Âu mà còn có vai trò then chốt như là một điểm trung chuyển khí đốt của Nga cho Châu Âu.
Nguồn cung cấp khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% nhu cầu của Châu Âu và một nửa trong số này đi qua hệ thống mạng lưới đường ống trung chuyển ở Ukraine . Nhiều nước Đông Âu phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga trong khi Đức, Hy Lạp và Italia phụ thuộc phần lớn và khí đốt Nga.
Cuộc chiến trên mặt trận kinh tế của Ukraine không kém phần cam go. Nền kinh tế của Ukraine đang bắt đầu tan vỡ, gây ra nguy cơ hàng trăm ngàn người nhập cư sẽ ồ ạt đổ vào nước láng giềng Ba Lan. Đây là nhận định mới nhất vừa được Phó Thủ tướng Ba Lan Janusz Piechocinski đưa ra.
Thực vậy, nền kinh tế Ukraine đang trải qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ năm 1991 với GDP tăng trưởng âm, lạm phát và nợ công tăng cao, đồng nội tệ mất giá, dự trữ vàng và ngoại hối cạn kiệt, xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng.... Cuộc khủng hoảng kinh tế này xuất phát từ cuộc chiến ở miền đông Ukraine và cuộc đối đầu giữa nước này với nước láng giềng Nga.
Ukraine đang phải đối mặt với sức ép kinh tế ngày càng tăng từ sự sụt giảm thê thảm của đồng tiền và nguy cơ nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị cắt đứt. Ngoài ra, nước này còn đang phải vật lộn với những vấn đề tham nhũng nghiêm trọng.