Bất thường vụ nạo vét cửa Nhật Lệ (Quảng Bình):

“Nếu sai, về hưu rồi cứ lôi ra xử”

TP - Cục trưởng Đường thủy nội địa Việt Nam Trần Văn Cừu khẳng định làm đúng các quy trình thẩm định, phê duyệt dự án. Nếu thi công đúng thiết kế nhưng vẫn xảy ra sạt lở, ông sẽ chịu trách nhiệm, kể cả khi nghỉ hưu (vào tháng 1/2015).

Một số nhà khoa học và người dân địa phương rất lo ngại việc nạo vét 2,2 triệu m3 cát tại cửa Nhật Lệ gây sạt lở

Liên quan đến tuyến bài “Bất thường vụ nạo vét cửa Nhật Lệ” (đăng trên Tiền Phong ngày 22, 23 và 28/10), ngày 30/10, Tiền Phong có cuộc trao đổi với Cục trưởng Đường thủy nội địa Việt Nam Trần Văn Cừu.

“Địa phương không đồng ý, không ai dám làm”

Xin ông cho biết, căn cứ vào cơ sở nào, Cục quyết định cho nạo vét 2,2 triệu m3 cát tại cửa Nhật Lệ mà không phải là 280.000 m3 như khuyến cáo các nhà khoa học?

Cửa Nhật Lệ có từ lâu đời nhưng rất cạn, tàu bè khó đi sâu vào trong. Cục muốn làm từ lâu nhưng khối lượng lớn, sóng to gió mạnh cho nên chưa làm. Dự án nạo vét cửa Nhật Lệ đang làm là theo xu hướng xã hội hóa, doanh nghiệp (DN) xin, bỏ vốn để làm và tận thu cát, Nhà nước được luồng, như thế là hợp lý.

Nạo vét 2,2 triệu m3 cát là căn cứ vào kích thước đội tàu đi qua đó. Nếu đội tàu lớn thì luồng phải sâu và rộng. Ngoài ra, để làm được thì Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) Quảng Bình phải đồng ý.

Nhiều thông tin cho thấy, Cục phê duyệt dự án nhưng bỏ qua nhiều ý kiến của địa phương, cụ thể là báo cáo tác động môi trường (BCTĐMT)?

Nếu không có sự đồng ý của Sở TNMT Quảng Bình, của địa phương thì không ai dám làm. Để cấp phép cho dự án, đầu tiên, DN hoặc địa phương có công văn đề nghị nạo vét luồng và tận thu. Công văn này được gửi lên Bộ GTVT.

Sau đó, Bộ GTVT có văn bản lấy ý kiến của Cục Đường thủy nội địa và địa phương. Nếu Cục thấy luồng này cần nạo vét thì đồng ý; địa phương cũng cho phép thì Bộ GTVT mới quyết định chủ trương đầu tư.

Sau đó, Bộ GTVT ủy quyền cho Cục làm hợp đồng với DN; Cục yêu cầu DN thuê thiết kế, đưa ra kế hoạch nạo vét; Cục đứng ra thuê tư vấn giám sát nhưng trả bằng tiền của DN, trích từ tiền bán cát. Như vậy, không thể nói dự án bỏ qua ý kiến của địa phương.

Năm 2013, việc nạo vét Cửa Đại (Quảng Ngãi) đã gây sạt lở, Bí thư tỉnh này lúc đó đã cho dừng dự án và xin lỗi dân vì chưa xử lý kịp thời. Như vậy, nguy cơ sạt lở nếu nạo vét luồng không tính hết các yếu tố là có…

Việc sạt lở bờ sông có nhiều lí do, không phải chỉ do nạo vét. Có thể do tàu bè đi lại, sóng to; quy luật sông bên lở bên bồi nên tự nhiên cũng lở.

Để tiến hành nạo vét, DN phải xin ý kiến nhiều bộ ngành, không riêng Bộ GTVT. Trong quy trình của Bộ GTVT, khâu tư vấn giám sát rất quan trọng. Nạo vét quá thiết kế cho phép sẽ sạt lở, làm đúng sẽ không sao.

Cục trưởng Trần Văn Cừu.

“Không có quyền quyết thì kiếm gì ở đây?”

Vậy Cục sẽ chịu trách nhiệm về tính khoa học của thiết kế dự án, về số lượng cát được nạo vét tại Nhật Lệ?

Thẩm quyền cao nhất là của Bộ GTVT vì Bộ quyết định chủ trương đầu tư; có nghĩa là Bộ cấp phép cho dự án. Còn Cục đứng ra cụ thể hóa chủ trương đó bằng việc ký hợp đồng với chủ đầu tư, thẩm định thiết kế và thuê tư vấn giám sát.

Lực lượng thanh tra của Cục không có các thiết bị đánh giá dưới nước người ta nạo vét sâu bao nhiêu nên phải thuê tư vấn. Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trước Cục.

Tư vấn nhận tiền công từ nhà thầu thì liệu việc giám sát có khách quan?

Cục là đơn vị đứng ra ký hợp đồng với tư vấn giám sát. Dù dùng tiền bán cát để trả nhưng việc xử lý tư vấn giám sát là thẩm quyền của Cục. Nếu làm sai sẽ bị phạt.

Có dư luận cho rằng ông sắp về hưu nên ký quyết định dự án vội vàng?

Còn ý kiến cá nhân tôi cho rằng, nên tiếp tục làm. Nếu thi công đúng thiết kế, xảy ra sạt lở tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm. Kể cả khi về hưu, sai người ta vẫn lôi ra xử.

Cục trưởng Trần Văn Cừu

Đến nay, Bộ GTVT và Cục Đường thủy nội địa không có gì sai ở dự án này. Nếu muốn dừng thì thẩm quyền là của Bộ GTVT chứ không phải Cục. Còn ý kiến cá nhân tôi cho rằng, nên tiếp tục làm. Nếu thi công đúng thiết kế, xảy ra sạt lở tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm. Kể cả khi về hưu, sai người ta vẫn lôi ra xử. Thực tế, nhiều ông hạ cánh không an toàn rồi.

Ngoài ra, như đã nói, Bộ cho phép đầu tư dự án rồi ủy quyền cho Cục thực hiện. Như vậy, là Cục trưởng nhưng tôi không quyền quyết định, không thể kiếm tiền gì ở đây.

Qua dự án này cho thấy, Thông tư 37/2013 của Bộ GTVT về nạo vét luồng đường thủy nội địa giao quá nhiều quyền cho DN và Bộ GTVT. Phải chăng nên có thông tư liên tịch hoặc nghị định của Chính phủ về việc này?

Thông tư này Bộ GTVT ban hành và chỉ áp dụng riêng cho ngành giao thông. Các ngành khác họ vẫn có các quy định để điều chỉnh. Thực tế, DN khi làm dự án họ cũng phải đi lo đủ các loại giấy tờ của nhiều ban ngành. Vì thế, việc làm nghị định hay thông tư liên tịch cũng được nhưng gộp các quy định cho một trường hợp nạo vét thường sẽ không sâu, không cụ thể.

Xin cảm ơn ông!

Ông Ngô Anh Tuân, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng (Cục Đường thủy nội địa) cho biết, Cục không có BCTĐMT của dự án nhưng cung cấp cho PV quyết định phê duyệt báo cáo do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang ký.

Quy mô dự án được nêu trong quyết định này gần như trùng khớp với quyết định phê duyệt dự án của Cục Đường thủy nội địa. Chỉ có duy nhất một yếu tố khác nhau: Bán kính cong của dự án do Cục Đường thủy nội địa quyết định là 650m; UBND tỉnh Quảng Bình quyết định là 620m.

Ông Tuân cho biết, quyết định phê duyệt BCTĐMT của dự án ghi rõ, nếu xảy ra sạt lở phải dừng ngay việc nạo vét báo cáo cơ quan chức năng để xử lý; nếu có thiệt hại do dự án gây ra, DN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.