Nêu gương & pháp trị

TP - Cuối tuần qua vừa chủ trì và phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 4, đầu tuần này Tổng Bí thư đã có buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội trước thềm kỳ họp Quốc hội.

Dường như nội dung của Hội nghị T.Ư 4, nhất là vấn đề về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, về chống suy thoái, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đang được các cử tri đặc biệt quan tâm.

Nhiều ý kiến cử tri đều bày tỏ sự lo lắng về tình trạng tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực hiện nay, ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, quyền. Có cử tri thẳng thắn đề nghị rằng, chúng ta nói rất hay nhưng phải nhanh chóng biến lời nói thành hiện thực. “Dân đề nghị làm thế nào cho con đường giữa nói và việc làm thật ngắn lại, con đường từ dạ dày đến nghĩa địa thật dài ra”.

Khẳng định sau Đại hội Đảng lần thứ XII, cả bộ máy đang tích cực chuyển động theo chiều hướng tốt lên, Tổng Bí thư nêu quan điểm chống tham nhũng, tiêu cực là việc khó nên cần bình tĩnh, kiên trì song phải làm quyết liệt, có hiệu quả. 

Tổng Bí thư nói: “Nhiều người bảo chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm càng khó hơn, vì tự ta đánh vào ta, ai dám tự phê bình, ai nhận mình khuyết điểm, ai nhận kỷ luật đâu?...”. Trong nhiều cơ chế, giải pháp được đưa ra, bên cạnh sự gương mẫu mang ý nghĩa quyết định của T.Ư, theo Tổng Bí thư, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Phải “nhốt” quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp.

Thiết nghĩ, đó cũng chính là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gọi nạn tham ô, lãng phí, quan liêu là ‘’giặc nội xâm’’, là kẻ thù của nhân dân. Được biết, ngay trong phiên họp Quốc hội đầu tiên, Chính phủ phải ra điều trần trước Quốc hội, trong buổi tối 31/10/1946, đã có 88 câu hỏi của đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ về chống hối lộ, biển thủ của công. 

Bác tuyên bố: “Chính phủ hiện thời đang cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh đến những người làm việc ở Ủy ban là đông lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương. Nếu làm gương không xong sẽ dùng pháp luật trừng trị những kẻ ăn hối lộ, đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết”. (theo dangcongsan.vn/ Tạp chí Kiểm tra, số ra 1/05).

 Như vậy, ngay từ buổi đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã khẳng định rõ quyết tâm và phương pháp chống tham nhũng trong bộ máy công quyền, đó là: “Nếu làm gương không xong sẽ dùng pháp luật trừng trị”!

Vậy thì, để dẹp tham nhũng, suy thoái, để đáp ứng mong mỏi của nhân dân, của cử tri, không có cách nào khác, hãy làm theo lời Bác dạy!