Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, kể từ năm 1994, Tháng Hành động vì trẻ em được phát động và thực hiện trong cả nước, tạo hiệu ứng xã hội ngày càng rộng khắp để xã hội ngày càng quan tâm và nỗ lực nhiều hơn trong việc thực hiện các quyền trẻ em, tạo môi trường ngày càng tốt hơn để mọi trẻ em được sống khỏe mạnh, được phát triển toàn diện, được bảo vệ an toàn và được tham gia vào những vấn đề có liên quan đến trẻ em và của đất nước.
Còn theo ông Jesper Moller, quyền Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, chủ đề Tháng Hành động Vì trẻ em Việt Nam năm nay là nhằm hưởng ứng chiến dịch truyền thông toàn cầu “Chấm dứt bạo lực toàn cầu” của UNICEF, kêu gọi các quốc gia ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực đối với trẻ em.
Tháng hành động vì trẻ em sắp khép lại, đương nhiên ai cũng biết sự nghiệp trồng người, chăm chút cho những “búp trên cành” không thể và không chỉ trong tháng Sáu hằng năm. Chủ đề, mục tiêu, định hướng và cả khát vọng hướng đến ấy đang đối mặt với thực tế còn lắm ngổn ngang. Cứ mỗi buổi sáng lướt trên các trang báo mạng, chú mục vào các trang báo giấy, cộng đồng không khỏi giật mình, âu lo, nhói buốt…
Những đứa trẻ tuổi thơ bị đánh cắp đang lao vào cuộc mưu sinh vì miếng cơm manh áo. Những tấm thân gầy sũng ướt mồ hôi lang thang hết bãi rác này đến bãi rác khác. Hay, những bước chân mòn vẹt dép tổ ong, tiếng rao khản đặc mời mua thuốc lá và vé số. Rồi những bước chân phiêu lạc làm thêm vào những chốn kinh doanh nhạy cảm, thể xác và tinh thần con trẻ đang bị lạm dụng.
Bạn đọc đau đớn khi hay tin những đứa trẻ bị cầm tù trong chính ngôi nhà của mình thiệt mạng với ngàn vạn lý do. Còn đó, những tâm hồn trẻ thơ bị méo mó bởi “khát vọng” thần đồng của không ít phụ huynh, học và học khiến cho các em rơi vào tự kỉ, trầm cảm.
Trong giăng mắc những rủi ro, hiểm họa, đối tượng dễ tổn thương nhất luôn là con trẻ. Ai đang bảo vệ trẻ em và trẻ em đang lấy gì để tự vệ? Những hung tin dăm bảy đứa trẻ đi đánh giậm, mò cua, bắt hến bị đuối nước, tử vong đã không còn chuyện hiếm. Những bảo mẫu đạp, quật, đấm, tát, dìm nước, cho vào vò đốt lửa sấy con trẻ, sự thật đấy mà cứ ngỡ như chuyện của thời kì hoang dã nào.
Một ngày Quốc tế thiếu nhi, một tháng hành động vì trẻ em với nhiều băng cờ, khẩu hiệu, thông điệp, chương trình, đề án… Như thế chưa đủ, và không bao giờ là đủ. Bởi với trẻ em, hồn nhiên và giản dị thì những việc làm cụ thể, gần gũi, thiết thực và hiệu quả mới neo lại được nụ cười cho tuổi thơ trong sáng.