Nâng cao vai trò của luật sư, giảm oan sai, nhục hình

TPO - Sáng 1/8, phát biểu tại buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Luật sư có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi pháp pháp luật. Luật sư là người góp phần làm sáng tỏ công lý”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, vai trò, vị trí của luật sư (LS) từng bước được khẳng định trong đời sống chính trị, pháp lý. Quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng một xã hội thái bình thịnh trị, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người không thể thiếu vai trò của LS.

“Với vai trò ngày càng rõ nét trong hoạt động tranh tụng, LS không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mà còn góp phần phát hiện oan sai, bỏ lọt tội phạm, làm cho công lý được sáng tỏ. Thời gian qua, giới LS đã có những đóng góp tích cực trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước” – Chủ tịch nước khẳng định.

Chia sẻ với những kết quả đạt được, Chủ tịch nước cũng thể hiện mong muốn, LS thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy “việc gì có lợi cho dân phải cố gắng làm, việc không có lợi cho dân phải hết sức tránh”.

Báo cáo với Chủ tịch nước, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh cho biết, trong quá trình hành nghề, còn có nhiều trường hợp LS bị cản trở. Từ năm 2009 đến nay, có 141 đơn yêu cầu của LS đề nghị bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp. Riêng từ 8/2013 đến nay, 42 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi của LS do bị cơ quan tố tụng từ chối, ngăn cản tiếp xúc bị can, bị cáo, không cấp giấy chứng nhận bào chữa, yêu cầu phải có thêm giấy tờ của toà án mới cho gặp bị can, bị cáo. Đáng lưu ý, một số LS bị hành hung, tạt a xít gây thương tích nặng.

"Ngay tại toà án, vị trí của luật sư cũng chưa thực sự bình đẳng, đại diện Viện kiểm sát có thể thoải mái phát biểu, tranh luận, nhưng luật sư lại bị hạn chế” – Luật sư Lê Thúc Anh cho biết.

Theo ông Thúc Anh, cơ bản LS có phẩm chất tốt, “chạy án” cũng có, nhưng không nhiều. Luật sư vi phạm phải xử lý thật nghiêm khắc, nhưng cũng phải bảo vệ quyền hành nghề của luật sư, bởi đây là quyền được luật pháp quy định.

Nâng cao vai trò của LS

Khẳng định vai trò của LS trong việc tham gia vào quá trình tố tụng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, thời gian qua, sự phối hợp của cơ quan điều tra với LS là tốt. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi có thiếu sót của điều tra viên, những trường hợp đó đã được chấn chỉnh.

Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết, có ý kiến là LS tham gia sớm sẽ gây khó khăn cho các cơ quan trong quá trình tố tụng, nhưng điều này là không đúng.

“LS tham gia sớm sẽ góp phần đảm bảo hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi đương sự. Ngoài ra, LS còn góp phần phát hiện vi phạm trong hoạt động tố tụng, chứ không chỉ là tham gia theo lời mời của đương sự” – Ông Phong nói.

Về phần mình, LS cũng cần tôn trọng sự thật khách quan của vụ án, không “đưa ra nhiều sự thật khác nhau”, phải bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ rõ, thời gian tới cần tạo điều kiện tốt hơn để LS có thể tham gia vào quá trình tố tụng, tham gia giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, tăng cường trợ giúp pháp lý cho các đối tượng. Khắc phục hạn chế trong tranh tụng, làm rõ hạn chế đó do trình độ, do lòng dũng cảm của LS, hay là do cơ quan khác không tạo điều kiện.

“Giới LS cần nêu bật vai trò, vị trí của mình, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế. Tiếp tục phát huy vai trò của LS, góp phần phát hiện oan sai, ngăn chặn bức cung, nhục hình, bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật. Không để xảy ra trường hợp LS vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm” – Chủ tịch nước căn dặn.

Tán thành những giải pháp thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, xây dựng tốt mối quan hệ với các cơ quan liên quan; tích cực tham gia xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, mở rộng hợp tác quốc tế để có thể tham gia vào giải quyết tranh chấp quốc tế trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng; góp phần đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp.