Nâng cao nhận thức về điện hạt nhân: Phải là quá trình trao đổi hai chiều

TP - “Cơ quan chức năng Việt Nam cần phải chủ động tiếp cận, cung cấp cho người dân đầy đủ thông tin về dự án điện hạt nhân, đồng thời tiếp nhận phản hồi để biết họ quan ngại những gì. Đó phải là quá trình trao đổi hai chiều”, đại diện Hiệp hội Hạt nhân Thế giới trả lời phỏng vấn Tiền Phong. 

Ông Ian Hore-Lacy phát biểu tại Atomex Asia 2014, do Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga Rosatom tổ chức ở TPHCM. Ảnh: Trúc Quỳnh

Ông Ian Hore-Lacy, chuyên gia cấp cao của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA), trao đổi về dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam bên lề Diễn đàn các nhà cung ứng công nghiệp điện hạt nhân khu vực châu Á (Atomex Asia 2014) bế mạc ngày 20/11 tại TPHCM.

Theo ông, hợp tác quốc tế nâng cao nhận thức về điện hạt nhân đóng vai trò như thế nào trong việc phát triển nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam?

Nâng cao nhận thức của người dân về điện hạt nhân là trách nhiệm của từng nước. Các tổ chức như WNA có thể giúp cung cấp thông tin, nhưng Chính phủ Việt Nam, chủ đầu tư EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và bộ chủ quản phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, đồng thời nhận phản hồi từ người dân để biết họ quan ngại những điều gì. Đó phải là quá trình trao đổi hai chiều. 

Nhận thức của người dân là yếu tố rất quan trọng trong kế hoạch phát triển điện hạt nhân. Người dân cần hiểu điện hạt nhân là nguồn năng lượng giá rẻ và an toàn. Nhưng không may là có một số nhóm hoạt động quá mức cần thiết, khiến một bộ phận người dân sợ hãi.

Chính phủ Việt Nam và EVN cần phải chủ động tiếp cận với người dân để giúp họ hiểu nhà máy điện hạt nhân trong tương lai của đất nước sẽ như thế nào, giúp họ ít nhất có những hiểu biết cơ bản để có thể đánh giá thông tin nào đúng, thông tin nào sai. 

Trong bối cảnh Nhật Bản gần đây trải qua một cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ và quy mô nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhỏ, ông có cho rằng phát triển hai nhà máy điện hạt nhân là hướng đi đúng đắn đối với Việt Nam?

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển và nhu cầu năng lượng tăng rất nhanh. Việt Nam cần đảm bảo yếu tố hiệu quả cho chi phí phát triển. Vì thế, năng lượng hạt nhân là lựa chọn rất tốt vì Việt Nam đang tiêu thụ nhiều dầu khí và than, trong khi giá dầu khí sẽ đắt hơn trong những năm tới. Năng lượng hạt nhân là giải pháp đảm bảo, đáng tin cậy và hợp lý để đáp ứng nhu cầu điện năng. Đó cũng là cách đa dạng hóa nguồn cung điện.

Nói đến trường hợp của Nhật Bản, họ đã gặp vấn đề lớn năm 2011. Đó là một tai nạn do trận động đất và sóng thần rất lớn gây ra. Nhật Bản hiện cũng gặp vấn đề kinh tế vì đang phải sử dụng khí hóa lỏng để đáp ứng nhu cầu điện năng trong khi hầu hết các lò phản ứng phải tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, tất cả các lò phản ứng của Nhật Bản đều an toàn và có thể tái khởi động, vấn đề chỉ là sự phản đối của người dân.   

Cảm ơn ông.