> Dầm cầu Nhật Tân xuất hiện các vết nứt
> Thúc tiến độ cầu Nhật Tân và đường nối Nội Bài
Cụ thể, người dân cho rằng, Ban quản lý dự án 85 - PMU85 (thuộc Bộ GT-VT) đã điều chỉnh thiết kế đường dẫn tránh cao ốc, biệt thự của các đại gia, trong khi vẫn phải giải phóng mặt bằng (GPMB) nhà hàng trăm hộ dân khác.
Ảnh: Phong Cầm.
Né cao ốc, biệt thự triệu đô
Theo thiết kế, đường kính vòng xuyến của đường dẫn lên cầu Nhật Tân khoảng 600 m. Theo đó, toàn bộ hơn 200 hộ dân thuộc các tổ dân phố 47B, 47C, 47D; hai tòa cao ốc và toàn bộ khu biệt thự Vườn Đào thuộc phường Phú Thượng và Xuân La, quận Tây Hồ nằm cạnh và bên trong vòng xuyến phải giải tỏa, để trồng thảm cỏ, cây xanh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, tháng 8-2006, UBND TP Hà Nội, đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh phạm vi chiếm đất để không dính vào các khu đất đã được chính quyền thành phố giao thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất (khu D1, D3, nay là khu biệt thự Vườn Đào, thuộc phường Phú Thượng và Xuân La); Khu đất của Cty Xây dựng giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) hiện đang xây dựng công trình văn phòng, dịch vụ công cộng, khách sạn và nhà ở cao tầng.
Sau đó, PMU 85 đã trình phương án điều chỉnh thiết kế, thu hẹp đường kính vòng xuyến, né toàn bộ hai tòa cao ốc của Cty xây dựng giao thông đô thị và khu biệt thự Vườn Đào.
Theo những người dân tại tổ 47C, ngay thiết kế đường dẫn ban đầu đã không hợp lý, bởi trong khi Việt Nam đang tiết kiệm từng đồng vốn đầu tư, mà đây lại là vốn vay, thì thiết kế dự án như vậy quá lãng phí. Bởi với đường kính vòng xuyến khoảng 600m, thì người dân bên trong vòng xuyến không cần phải giải tỏa, họ vẫn có thể sống bình thường.
“Đội chi phí GPMB cả ngàn tỷ đồng, mà chỉ để lấy mặt bằng trồng cỏ và cây xanh thì quá xa xỉ. Trong khi đó, khi có ý kiến xì xào bàn tán, thì họ chỉ điều chỉnh thiết kế, co hẹp vòng xuyến để né GPMB khu biệt thự của người giàu và hai cao ốc, còn bỏ mặc hơn 200 hộ dân kêu ca. Không thể chấp nhận được”, một người dân nói.
Hiện nay, khu đất trên đã được Cty Xây dựng giao thông đô thị xây dựng thành chung cư cao 18 tầng để bán, một toà nhà văn phòng đang trong quá trình hoàn thiện. Còn khu đất D1, D3 nay đã thành khu biệt thự Vườn Đào, đẹp và đắt nhất nhì Hà Nội, mỗi căn biệt thự (từ 300 đến 600 m2) có giá hàng triệu đô la. Chủ nhân của những biệt thự này, phần lớn là các đại gia trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản...
Không làm theo chỉ đạo của Thủ tướng
Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Thanh Vân - Giám đốc Ban điều hành dự án thuộc PMU 85, nói: “Việc GPMB các hộ dân bên trong vòng xuyến là để tránh cho các hộ dân phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của khói bụi, tiếng ồn và rung trong quá trình thi công, vận hành...”.
Tuy nhiên, bà Vũ Thị Kim Thúy - Tổ trưởng tổ 47 C, cho rằng: “Chủ đầu tư lấy lý do điều chỉnh đường dẫn cầu Nhật Tân là để tránh cho các hộ dân phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của khói bụi, tiếng ồn và rung... là không thoả đáng. Vì thực tế, nhà của các đại gia trong khu biệt thự Vườn Đào cũng nằm sát ngay đường dẫn lên cầu. Họ chịu được thì người dân cũng chịu được”.
Còn ông Nguyễn Hữu Hoằng (tổ 47C) bất bình: “Chủ đầu tư đã vì lợi ích của một nhóm người giàu, trong khi GPMB hàng trăm nhà dân, gây tốn kém hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước là điều không thể chấp nhận”.
Bất bình trước việc nắn đường của PMU85, người dân tìm hiểu mới biết, chủ đầu tư còn không thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bởi từ tháng 1-2006, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về dự án cầu Nhật Tân: “Bộ GTVT phải phối hợp với UBND TP Hà Nội nghiên cứu lựa chọn giải pháp kỹ thuật, lấy ý kiến nhân dân và giới chuyên môn để xem xét, quyết định phương án kết cấu cầu, trên nguyên tắc tiết kiệm đầu tư, đảm bảo chất lượng công trình và mỹ quan đô thị”. Tuy nhiên, tổ trưởng các tổ dân phố 47B, 47C, 47D đều khẳng định, chủ đầu tư đã không lấy ý kiến của dân trong khu vực bị ảnh hưởng trước khi phê duyệt dự án.
Theo Quyết định số 650 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu của Bộ trưởng Bộ GT-VT, dự án xây dựng cầu Nhật Tân vượt sông Hồng nằm trên tuyến vành Nam thuộc phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) và bờ bắc thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội).
Dự án có tổng mức đầu tư 52.932 tỷ yên (tương đương 7.529,484 tỷ đồng), dài 8,3 km. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự án lên tới 94,6 ha gồm đất thổ cư (khoảng 6,6 ha), đất thổ canh (81,8 ha), đất công cộng (6,2 ha).