Nam sinh mồ côi mẹ, bố bỏ rơi, đi thi chỉ với 500.000 đồng

Nguyễn Việt Dũng – chàng trai sinh năm 1996 dự thi đại học năm nay cho biết, tất cả tài sản của em chỉ có hơn 100.000 đồng, 1 con mèo và 2 con thỏ.

Mồ côi mẹ khi 1 tuổi, bố bỏ rơi khi vừa chào đời

Nguyễn Việt Dũng (xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) là học sinh trường THPT Hà Bắc. Năm nay, trong kỳ thi tuyển sinh, Dũng lựa chọn khoa Tài nguyên nước, trường ĐH Thủy lợi (Hà Nội). Gắn bó với nghề nông từ khi lên 6, lên 7, Dũng mong muốn việc học của mình có ích cho quê nhà. Nếu không đỗ đại học, Dũng sẽ trở về quê để tìm công việc phù hợp, sống yên bình.

Gặp Dũng tại ký túc xá trường ĐH Thủy lợi ấn tượng nhất là đôi mắt đượm buồn, đầy ưu tư. Vừa chân ướt chân ráo lên Hà Nội, cậu học trò chất phác với đôi dép tổ ong, quần vải, dáng hình cao gầy, không nhớ nổi phòng ở của mình giữa những dãy nhà cao tầng. Lần đầu tiên lên Thủ đô, lại đi một mình, mọi thứ đều lạ lẫm với Dũng. Nỗi lo sợ bị cướp giật, lừa đảo trên thành phố khiến em lo lắng.

Nguyễn Việt Dũng ôn bài trong ký túc xá trường ĐH Thủy lợi.

Trò chuyện với Dũng, được biết em sinh ra đã là cậu bé chịu nhiều thiệt thòi. Mẹ của Dũng là cô Phạm Thị Huấn, mất khi 43 tuổi vì căn bệnh ung thư vú. Ngày đó em mới tròn 1 tuổi, chưa đủ nhận thức để lưu giữ gương mặt, kỷ niệm về mẹ. Ở với bà nhưng Dũng kể, bà cũng ít khi nhắc lại chuyện buồn cũ, chỉ kể mẹ là người phụ nữ hiền lành nhưng có số phận vất vả.

Mẹ mất khi Dũng còn ẵm ngửa, em được bà ngoại nuôi dưỡng từ nhỏ. Do mẹ mắc bệnh ung thư vú nên ngay từ khi chào đời em không được bú sữa. Bà bế Dũng đi khắp làng xin từng giọt sữa, nuôi lớn cháu đến ngày thành chàng trai 17 tuổi.

Khi hỏi về bố, đôi mắt buồn của Dũng rưng rưng đầy tủi thân. Mẹ em là vợ thứ 2, bố Dũng không quan tâm đến cuộc sống của hai mẹ con ngay từ ngày em chào đời. Nhiều lúc trong cuộc sống, nhìn bạn bè xung quanh hạnh phúc vì có đầy đủ bố mẹ, em chỉ biết buồn cho số phận của mình.

Trong suốt 17 năm qua, hai bà cháu nương tựa vào nhau để sống. Tháng 11 năm ngoái, bà ngoại Dũng qua đời vì tuổi cao, sức yếu đã để lại trong em nỗi mất mát lớn. Chỗ dựa duy nhất về tinh thần của không còn, Dũng sống một mình trong căn nhà nhỏ tại vùng quê Hải Dương.

Từng muốn nghỉ học vì nghèo khó

Sau khi bà mất, Dũng lủi thủi một mình làm việc, học tập, hằng ngày ăn cơm cùng cậu mợ. Những câu chuyện về người bà Hoàng Thị Sủng trong em chỉ còn ký ức đẹp.

Dũng cùng bà ở trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp với nền đất, mái ngói cũ nhiều chỗ bị vỡ do thời gian. Những lỗ thủng trên mái nhà đã được căng bạt vẫn thường xuyên bị dột mỗi khi trời đổ mưa lớn. Dũng kể lại: “Có những đêm mưa, nước chảy lênh láng ướt hết thóc lúa trong nhà, em bị mất ngủ vì lo lắng”.

Lên 6 tuổi, Dũng đã biết giúp đỡ bà những công việc làm nông như phơi thóc lúa, rơm rạ, phụ bà nấu ăn. Hai bà cháu quanh năm chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng, nuôi mấy con gà cùng mức lương trợ cấp hộ nhà nghèo là 180.000 đồng/tháng. Bữa cơm thường ngày của Dũng và bà chỉ có rau muống, đậu phụ. Bà dành dụm lâu lâu mua thịt để bồi dưỡng cho người cháu đang tuổi ăn, lớn nhanh như thổi.

Từ ngày bà mất, Dũng một mình quán xuyến một sào lúa. Đã có thời gian khó khăn không biết trông cậy vào ai, Dũng định xin nghỉ học đi làm thuê nhưng được mọi người động viên: “Em cứ học, chuyện đâu rồi có đó”.

Cho đến bây giờ, khi bà đã đi xa gần 1 năm nhưng Dũng vẫn ngỡ như khi còn sống. Chàng trai kể lại kỷ niệm: “Ngày 70 tuổi, bà vẫn còn khỏe lắm. Bà thường cõng em đến nhà trẻ, lưng bà đã còng nên mọi người nói đùa: “Cẳng cháu còn dài hơn chân bà”.

Mặc dù ngoài 70 tuổi nhưng bà vẫn đi tát cá, nổi tiếng trong vùng bởi khả năng bắt cua, bắt cáy giỏi. Trong trí nhớ của Dũng vẫn còn nguyên vẹn hương vị mỗi bát canh cua bà nấu, để đến bây giờ mỗi khi chan bát nước canh em lại nhớ về.

Suốt 17 năm, hai bà cháu nương tựa vào nhau mỗi lúc khó khăn, cùng san sẻ vui buồn. Dũng nhớ nhất là những ngày bà chạy vạy tiền nong khi em nhập viện vì cảm lạnh hay tháng ngày chăm bà trong giai đoạn cuối của bệnh tật.

Dự thi đại học với 500.000 đồng

Khi bà sống chỉ có 2 bàn tay trắng nên khi mất đi không để lại cho Dũng được gì đáng giá. Chiều ngày 2/7, Dũng một mình lên Hà Nội dự thi trường ĐH Thủy lợi với chỉ 500.000 đồng trong túi. Chàng trai sinh năm 1996 cho biết, tất cả tài sản em có được là hơn 100.000 đồng, nuôi 1 con mèo và 2 con thỏ để bán. Số tiền hơn 300.000 còn lại Dũng được họ hàng cho chi trả lộ phí.

Nam sinh này kể lại: "Em nhớ lời dặn dò của mọi người, nên tìm sự giúp đỡ của đội sinh viên tình nguyện có màu áo xanh nên đã được ở miễn phí trong khu ký túc xá của trường. Em thật may mắn vì sẽ không biết xoay sở ra sao với 500.000 đồng".

Ở nhà, phương tiện đến trường của Dũng là chiếc xe đạp cũ được người chú lắp ráp cho. Khi đi dự thi, Dũng mang theo một chiếc điện thoại 1200 cũ, chỉ có thể nghe, đã hỏng chức năng gọi để tiện liên lạc với người nhà và vài bộ quần áo.

Cậu học trò mong muốn học chuyên ngành Tài nguyên nước để phục vụ cho quê hương.

Trong ký ức, Dũng nhớ nhất lời dặn dò của bà: “Áo rách phải giữ lấy lề con ạ, cuộc sống dù có nghèo đến mấy cũng không được nghĩ đến những thứ của người ta”.

Chính vì vậy, Dũng vẫn vững lòng sống giữa cuộc sống nghèo khó. Em luôn có tâm niệm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Suốt thời gian học cấp 3, chính Dũng là người cõng bạn Nguyễn Mạnh Dương – chàng trai bị bại liệt bẩm sinh, viết chữ đẹp từ cổng trường vào lớp học. Em tâm sự về người bạn thân của mình: “Dương là người bạn tốt bụng, lạc quan. Em coi đây là công việc cần làm để thể hiện tình yêu thương giữa con người với con người mà thôi”.

Thầy Thích Thanh Ngọc (trụ trì chùa Cảnh Linh - Hải Dương) chia sẻ: “Dũng làm một trong những em có hoàn cảnh khó khăn. Em mồ côi mẹ, sống với bà nhưng bà cũng đã mất vì tuổi già. Trong kỳ thi đại học năm nay, tôi cũng muốn đưa Dũng đi thi nhưng vì em biết tôi còn chăm lo cho Dương nên đã tự lập".

Theo Theo Zing