'Mùa xuân nho nhỏ' trong nhà thương

TP - Người ta có câu “Ra Giêng ngày rộng tháng dài”, người người đi lễ hội cầu may, tranh lộc xin tài, cầu xin sức khỏe, ít ai biết rằng trong những phòng hồi sức cấp cứu của bệnh viện những bóng áo trắng làm việc suốt ngày đêm để giành giật sự sống từ tay tử thần. Một lát cắt mỏng về họ trong những ngày Tết vừa qua thay cho lời tri ân những “mẹ hiền” trước ngày 27/2 vậy.
Giờ khắc giao thừa trong khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: T.N.A

Chạy đua với pháo hoa

Chuyến xe cứu thương mở còi hú chạy từ Bệnh viện quận 7 lên Bệnh viện Nhân dân 115 vào khoảng 10 giờ đêm Giao thừa. Người hộ lý ngồi bên bệnh nhân đang nguy kịch, thoi thóp thở với cái bình ôxy cũ kỹ, giữa thành phố rực rỡ nhất trong năm với đèn hoa giăng khắp mọi nơi. Nỗi lo lắng nhất của họ là sợ bị người đi xem bắn pháo hoa làm cho tắc đường và bệnh nhân tử vong ngay trên xe. Chiếc xe chạy tốc lực qua quận 4, qua trung tâm thành phố để đến bệnh viện tuyến trên. Người đông nghẹt, các ngã tư chật cứng. Những tiếng còi hú từ chiếc xe như âm thanh duy nhất, cuối cùng, báo hiệu rằng việc đi xem bắn pháo hoa không thể làm nghẽn lằn ranh mong manh của sự sống.

Chiếc xe cứu thương tới Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) và bệnh nhân được đưa thẳng vào phòng cấp cứu. Tại đây đông nghẹt, đương nhiên không phải những người xem bắn pháo hoa mà là những bệnh nhân hầu như đang hôn mê và người nhà. Bảo vệ chỉ cho phép mỗi bệnh nhân có một người thân vào cùng vì sợ phòng cấp cứu quá tải. Không một cành hoa mai, không một chiếc bánh chưng, giờ Giao thừa sắp điểm bằng việc nhân viên chụp X- quang đẩy máy chụp đến chụp cho bệnh nhân và việc lấy xét nghiệm máu cũng diễn ra đồng thời. Ở phòng cấp cứu, hầu như người nhà và bệnh nhân không biết tên bác sĩ, vì bệnh nhân liên tục được chuyển đi các khoa và các y bác sĩ luân phiên  thăm khám, hội chẩn. Không chỉ các bác sĩ và điều dưỡng trực có mặt, bác sĩ Đức, tăng cường cho biết: “Hôm nay được nghỉ, gia đình chuẩn bị đón Giao thừa, nhưng nhận được điện thoại có người cấp cứu, nguy cấp, nên vội vàng quay vào bệnh viện!”.

Phút Giao thừa lặng lẽ

Theo chân các bệnh nhân, chúng tôi có mặt ở khoa Hồi sức cấp cứu về bệnh tim mạch của bệnh viện. Lúc này đồng hồ chỉ con số 23 giờ 45 phút. Trên chiếc ti vi ở phòng bệnh nhân gần đó đang chiếu cảnh người người chen chúc chờ xem bắn pháo hoa, chờ lời chúc tết, xem các chương trình ca nhạc phút giao thừa. Phòng hồi sức đặc biệt như một thế giới hoàn toàn riêng biệt: “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Việc ra vào phòng này phải dùng khóa thẻ từ và dấu vân tay. Người nhà bệnh nhân ngồi ngoài hành lang, mắt mở đờ đẫn lo âu, nín thở chờ từng giây, xem thông tin người nhà như thế nào. Phần lớn bệnh nhân trong phòng hồi sức đặc biệt này đều cao tuổi, có cụ 102 tuổi và họ đều mắc chứng bệnh về tim mạch. “Còn nước còn tát” - người con của bệnh nhân nói với chúng tôi. Ai đó nhìn đồng hồ: “Giao thừa rồi!” - và lại nói để mọi người khác vui lây: “Cụ ấy đã bước sang tuổi 103
thành công!”.

Người nhà bệnh nhân nhẹ, đã được chăm sóc kéo ra hành lang tầng 5 để ngắm pháo hoa. Xa xa, ở trung tâm quận 1, pháo hoa được bắn lên tỏa thành hình bông sen bông súng. Nhiều người không còn bụng dạ để chụp ảnh quay phim. Họ chỉ cầu mong điều tốt đẹp sẽ đến với bố mẹ người thân của mình trong phòng hồi sức. Thậm chí một cuộc gọi hay một cú nhắn tin vào điện thoại lúc này cũng khiến người ta toát mồ hôi. Anh Tùng, chăm người nhà đã hơn 90 tuổi nói anh ở đây cả tuần và mong cho bố qua được cái tết khó khăn này. Anh chụp ảnh giúp mọi người còn mình thì không còn tâm trạng nào đứng vào khuôn hình.

Trong phòng hồi sức, các giường bệnh nằm sát nhau, các điều dưỡng hầu như không ngồi mà chỉ đứng suốt ca trực của họ, chạy tới chạy lui chăm sóc bệnh nhân. Họ đều rất trẻ nên sức chịu đựng thật đáng kinh ngạc. Giao thừa rồi, người ta nhìn lên đồng hồ treo ở góc phòng. Một điều dưỡng viên nói: “Đang bắn pháo hoa”. Các bác sĩ và điều dưỡng chúc mừng năm mới nhau vài câu rồi lại tỏa đi các giường bệnh. Tiếng máy chạy đều đều và khắc khoải và giao thừa trôi qua tự bao giờ. Không bao lỳ xì, không trà, không rượu, năm mới trôi qua trong sự tập trung cao độ, sự tĩnh lặng đến tột cùng.

Mùa xuân trên các hành lang

Chị Hài, từ ĐBSCL lên chăm sóc người nhà, chị nói rằng ngạc nhiên trước không khí đón xuân của bệnh viện. Dù trong các phòng bệnh không rượu không hoa, nhưng các khoa đều có những vườn hoa xuân được các nhân viên bệnh viện chăm chút rất đẹp, được trưng bày ở các hành lang. Mỗi khoa có một vườn xuân như thế. Hẳn chúng dành cho người nhà bệnh nhân, cũng dành cho đội ngũ y bác sĩ khi họ đi qua hành lang để vào các phòng thăm khám cho bệnh nhân.

Từ mùng Một cho đến hết Tết, người ra vào bệnh viện đều ngạc nhiên trước các vườn hoa xinh xinh khắp các khoa của bệnh viện. Đẹp nhất có lẽ là ở khoa chuyên về y học thể thao với nhiều chiếc nón lớn nhỏ được treo cùng hoa mai. Độc đáo thì có vườn hoa Tây Nguyên với mái nhà sàn treo bánh tét của khoa Hồi sức tim mạch…

Vườn xuân có hình trái tim của khoa Tim mạch can thiệp.

Các đồng nghiệp của tôi nói rằng, bệnh viện này trước kia thuộc quân đội, nhưng nay đã được xã hội hóa. Việc xây dựng bệnh viện quy củ và đầu tư nhiều máy móc hiện đại nhưng trên cả là ngoài truyền thống tinh thần kỷ luật quân đội, giờ đây tác phong phục vụ của bệnh viện thực sự chuyên nghiệp và vì người bệnh. Mặc dù không phải bệnh viện lớn như một số bệnh viện nổi tiếng khác ở TPHCM, càng không thể so sánh chế độ lương bổng với các bệnh viện quốc tế, nhưng bệnh viện mang hai chữ Nhân dân này có sức hút riêng với trách nhiệm và kiến thức chuyên sâu về tim mạch. Một bác sĩ trong khoa cho tôi biết mẹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đang được điều trị tại đây. Chị Loan, một người dân TPHCM thông tin thêm: “Người nhà ở nước ngoài cũng về bệnh viện này chữa bệnh”. Chị Na, một người Campuchia chuyên nuôi cá tra cũng cho biết gia đình chị đã đưa người nhà từ thủ đô Phnôm Pênh qua đây chữa bệnh.

Vĩ thanh tháng Giêng

Các khoa hồi sức cấp cứu cũng như các khoa khác trong các bệnh viện hầu như “không có khái niệm nghỉ tết” vì bệnh không né tết. Nhưng không khí đầm ấm của những vườn hoa xuân trong các bệnh viện dịp tết cũng là những “điểm nhấn” đọng lại, giúp người bệnh và người thân của họ cảm thấy thêm niềm tin, sự lạc quan và sự điềm tĩnh trong việc đối phó với  bệnh tật. Người ta cũng quây quần bên những vườn hoa trao đổi chủ đề biển đảo, hay tụ tập đọc những dòng báo tường về mùa xuân trước các khoa.

Bệnh nhân khoa Hồi sức tim mạch của Bệnh viện Nhân dân 115 đa số là những người cao tuổi. Người xưa có câu: “Thất thập cổ lai hy”, người thọ 70 là hiếm, song nhờ các thành tựu y khoa, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng cao, trong đó có cụ Trù 123 tuổi ở TPHCM đạt danh hiệu cụ bà cao tuổi nhất châu Á và thế giới. Ngành y tế lão khoa tại TPHCM cũng ngày càng phát triển với nhiều bệnh viện chuyên sâu hơn.

Người nhà bệnh nhân ngắm vườn hoa xuân tháng Giêng.

Rằm tháng Giêng, người người làm lễ cầu an, đi chùa, đi hội, còn đội ngũ nhân viên y tế ở đây vẫn một nhịp làm việc hối hả, không phút lơ là. Các bác sĩ cho biết “Chính sự quan tâm của con cái, chính nhờ sự tận tình chu đáo của các y bác sĩ mà các cụ được quan tâm chăm sóc tốt”. Tấm lòng của con cháu không quản ngại khó khăn chăm sóc bố mẹ lại “chính là nguồn động viên tinh thần đối với đội ngũ y bác sĩ” trong cuộc chiến chống tử thần. Một bác sĩ cho biết: “Người ta thấy ở đây có cả những đồng chí lãnh đạo cao cấp cũng chắt chiu thời gian chăm sóc bố mẹ của mình bên giường bệnh như là tấm gương cho những người khác noi theo”. Điều dưỡng viên Bích Liễu cho biết: “Buồn nhất là thấy có những cụ vào viện mà con cháu lo đi lễ hội, tụ họp chơi bời, ít thăm nom, giao hết việc chăm người bệnh cho người giúp việc. Các cụ già luôn cần hơi ấm và tình cảm của con cháu, nhất là những lúc bệnh tình gian nan lại cần có hơi ấm tình người”.              

______

2/2016

Không khí đầm ấm của những vườn hoa xuân trong các bệnh viện dịp tết cũng là những “điểm nhấn” đọng lại, giúp người bệnh và người thân của họ cảm thấy thêm niềm tin, sự lạc quan và sự điềm tĩnh trong việc đối phó với  bệnh tật.