Một tiền đề tốt

TP - Có thể nói, việc Quảng Nam và Đà Nẵng cam kết sẽ lập ban điều phối chung quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam -  Đà Nẵng là một cú bắt tay lịch sử.

Bởi sự kiện này mở ra cơ hội hợp tác phát triển, xử lý các vấn đề chung mang tính liên vùng đối với nhiều địa phương trong cả nước. Người dân Quảng - Đà bao đời nay đều thấu hiểu sự quan trọng của hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn, một trong 9 hệ thống sông lớn nhất nước ta đối với đời sống cư dân địa phương. Bắt nguồn từ Kon Tum, hệ thống Vu Gia-Thu Bồn chảy qua tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, sau đó đổ ra biển Đông theo hướng Cửa Đại (Quảng Nam) và cửa sông Hàn (Đà Nẵng). Một số tài liệu ghi nhận hệ thống Vu Gia - Thu Bồn, vốn có đặc điểm dòng chảy ngắn và dốc, đang ngày càng cạn dòng do phải chia sẻ nguồn nước với nhiều hồ thủy điện vùng thượng nguồn và một số hệ thống thủy lợi nội vùng. Nguồn lợi thủy năng lớn của hệ thống Vu Gia - Thu Bồn trở thành lý do cho các xung đột trong việc khai thác nguồn nước phát triển thủy điện, công nghiệp và nguồn nước phục vụ nông nghiệp. Hàng chục dự án thủy điện đã và đang được xem như một nguyên nhân chính gây lụt lội, gây hại vùng hạ nguồn, tác động tiêu cực đến các ngành khác như công nghiệp,  giao thông vận tải, nông nghiệp (tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản).

Chính vì vậy, một ban điều phối chung giữa chính quyền các địa phương trong lưu vực cũng như các đơn vị liên quan là điều mà nhiều chuyên gia cho rằng nên có từ lâu. Trong bối cảnh nhà nhà làm kinh tế, sự thiếu hụt trong công tác điều phối khai thác tài nguyên tự nhiên mà nước là một trong những thứ tài nguyên quan trọng nhất, chắc chắn để lại những hậu quả nghiêm trọng. Lụt lội, ô nhiễm môi trường, xung đột trong phát triển là những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển “mạnh ai nấy làm” thời gian qua. Câu chuyện của hai dòng sông Vu Gia và Thu Bồn vì thế không phải là cá biệt. Tại khu vực các tỉnh Đông Nam bộ, hệ thống sông Đồng Nai bắt nguồn từ  cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng) rồi chảy qua các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM, có vai trò cực kỳ quan trọng đối với các địa phương này, đặc biệt là trọng điểm kinh tế Đồng Nai-Bình Dương- TPHCM. Tuy nhiên, sự thiếu phối hợp, lợi ích cục bộ đã dẫn đến những bất cập trong quản lý và khai thác dòng chảy quan trọng này. Ví dụ sát sườn nhất: hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai là nguồn nước của TPHCM đông dân nhất nước, nhưng đang phải gánh hàng trăm ngàn tấn hóa chất/năm từ các hoạt động  sản xuất công nghiệp và trồng trọt ở đầu nguồn.

Không tự mình giải quyết được vấn đề nên TPHCM đang phải tìm nguồn nước mới phục vụ sinh hoạt và việc này cũng sẽ tiêu tốn nhiều ngàn tỷ đồng mà chưa hẳn đã bền vững.

Chính vì thế, cú bắt tay giữa Đà Nẵng và Quảng Nam nên được xem là một tiền đề, một ví dụ cho nhiều tỉnh thành khác học hỏi.