Mở rộng giám sát

TP - Pháp luật là những nguyên tắc, quy định được chính quyền soạn ra để quản lý xã hội. Vì thế, hệ thống pháp luật có quan hệ cực kỳ mật thiết đối với công dân, điều chỉnh hành vi của đối tượng, đảm bảo một xã hội trật tự, tiến bộ. 

Ở trong nhà, có luật về hôn nhân-gia đình, ra ngoài đường có luật giao thông, đi học có luật giáo dục, đi làm có luật lao động, điều chỉnh các hành vi khác có luật dân sự, hình sự...


Nhưng đối với những người không phải là chuyên gia pháp luật chiếm số đông, nhớ được đang tồn tại những bộ luật gì còn mệt huống hồ hiểu về cách thức, kỹ thuật liên quan đến quá trình ban hành một văn bản quy phạm pháp luật, cho dù nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình. Tất nhiên, người dân sẽ phải trông vào những đại diện của mình tại Quốc hội. Ở nhiều nước, làm luật hoàn toàn là việc của quốc hội, đại biểu quốc hội chỉ “ăn và làm luật” trong khi ở Việt Nam, vì một số lý do, vẫn tồn tại tình trạng các bộ ngành xây dựng dự thảo luật, Quốc hội thông qua.

Tình trạng “vừa thiết kế, vừa thi công” đã khiến chất lượng nhiều bộ luật có vấn đề, cơ quan soạn thảo giành lấy những thuận lợi cho mình, đẩy cái khó về phía người dân, chưa kể là còn có khả năng tạo những lỗ hổng, kẽ hở để nhóm lợi ích trục lợi. Tuy nhiên, chừng nào Quốc hội chưa trở thành cơ quan lập pháp thực sự, đầy đủ thì người dân vẫn sẽ phải tiếp tục sống chung với tình trạng “luật trên trời, thông tư dưới đất”.

Nhưng cho dù vậy, trong khi chờ cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho người dân trở thành nơi soạn thảo luật ngay từ đầu, Quốc hội cần phát huy vai trò giám sát không chỉ việc lập pháp mà còn cả việc thực thi pháp luật. Một số chuyên gia đã nhận định, hoạt động giám sát của Quốc hội đối với văn bản pháp luật còn rất hạn chế, thể hiện ở chỗ các văn bản pháp luật mà Quốc hội bãi bỏ không nhiều. 

Trong thực tế, một bộ luật được Quốc hội thông qua có thể bị biến dạng thông qua những nghị định, thông tư, thậm chí là chỉ thị hay văn bản hướng dẫn của địa phương và ví dụ về hiện tượng này không phải là ít.

Chính vì vậy, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội mà cụ thể là mở rộng hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật là yêu cầu bức thiết của người dân, của cả xã hội. Mặc dù đã có một Bộ Tư pháp giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành, nhưng Quốc hội mới là cơ quan có tính chính danh cũng như có hệ thống sâu, rộng, tới các cấp cơ sở, để thực thi hoạt động giám sát.