Minh Vượng: 'Cô hề béo' đi dạy

TP - Vừa đến cổng trường mầm non quốc tế Việt - Bun (Hai Bà Trưng - Hà Nội), một đám trẻ con lít nhít đã ào ra bao vây “cô Vượng béo”. Đứa chào, đứa hỏi, đứa vít cổ, bá vai, đứa nào cũng đòi cô phải “đập tay” và “yeah” cho bằng được.
Minh Vượng hạnh phúc bên các bạn nhỏ trường mầm non quốc tế Việt - Bun.

Một ngày hạnh phúc của “bà giáo” Minh Vượng bắt đầu với những giờ học cùng đám trẻ con “lắm chuyện” ấy.

Cười to chóng lớn

Giáo án của cô Minh Vượng rất đặc biệt: “Cười to chóng lớn”. Các con cứ việc reo hò, vui chơi, còn đọc rap, hát rock hay nhảy hip hop đã có cô Vượng lo. “Cuộc sống ngày càng bận rộn, bố mẹ ít có thời gian chuyện trò với con cái hơn nên nhiều bé chậm nói và rất nhát. Thông qua những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích gần gũi, cộng với ngôn ngữ sinh động của cơ thể, mình muốn khuyến khích các em nhỏ bộc lộ cá tính, tự tin trong giao tiếp, đồng thời tiếp thu các bài học một cách hiệu quả hơn”- Đó chính là lý do nghệ sỹ Minh Vượng, nữ danh hài đất Bắc quyết định nhận công việc giảng dạy lớp học “Biểu cảm ngôn ngữ” và “Kỹ năng sống” cho các em nhỏ ở trường mầm non quốc tế Việt - Bun và trường tiểu học Đoàn Thị Điểm.  

“Bạn bè vẫn trêu là Vượng béo đi dỗ từ trẻ lên 2 đến 12 tuổi. Nhưng mình khoái lắm! Hàng tuần, được vui chơi với trẻ nhỏ, cười nói hồn nhiên, không vướng bận chuyện đời, đó là hạnh phúc mà không phải nghệ sĩ nào cũng có được”.

 Nghệ sỹ Minh Vượng.

Đến giờ học, “cô giáo Vượng” bỗng hóa thân thành bạn Thỏ, bạn Mèo, bạn Gấu… Cô vừa hát, múa, nhảy, khóc, cười, vừa bắt chước tiếng kêu của các con vật… Qua các tiểu phẩm ngắn, cô Vượng muốn giúp các bé nhận ra những bài học giản dị như chăm đánh răng trước khi đi ngủ, không nói dối và đổ lỗi cho người khác, bộc lộ tình cảm của mình bằng lời nói, cử chỉ… Chị kể, đôi khi phụ huynh cứ thắc mắc không biết cô Vượng có “dọa dẫm” gì không mà về nhà bé rất chăm đánh răng- điều mà trước đây, cả nhà làm đủ cách không ép được.

Suốt 5 năm qua, sau khi đầu quân cho Nhà hát Chèo Hà Nội, Minh Vượng cũng chú tâm xây dựng dự án sân khấu học đường, dựng nhiều vở kịch ý nghĩa, có tính giáo dục nhân văn cho lứa tuổi học sinh.

Chị còn dạy “Kỹ thuật biểu diễn” và “Kỹ thuật tiếng nói” cho học sinh, sinh viên ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam và Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội, ngôi trường đã giúp Minh Vượng trở thành một “cây hài” nổi tiếng Việt Nam.

Nữ danh hài luôn xem việc được đứng trên bục giảng là điều may mắn, là cơ hội để trả ơn tổ nghề. Lên lớp cũng giống khi lên sân khấu, chị cứ như nhập đồng. Rút hết ruột gan ra mà diễn, mà dạy. Chẳng cần bất kỳ giáo án nào, chỉ có kinh nghiệm của một đời nghệ sĩ và sự chân thành đến từ con tim. “Thỉnh thoảng mình vẫn chia sẻ thật lòng với các em là mình không có gia đình, bao nhiêu tình yêu dồn cho nghề tổ, mình muốn cho đi và muốn nhận lại sự say mê của học sinh. Nhưng bọn trẻ giờ thiếu nhiệt huyết, thiếu đam mê hơn thế hệ mình ngày xưa”- Minh Vượng trầm ngâm.

Công việc giảng dạy cứ thế trải dài từ 6h sáng đến 11h đêm, cả tuần được mỗi ngày nghỉ, nhưng chưa bao giờ “bà giáo” thấy mệt. Thi thoảng vẫn chạy show sân khấu tỉnh cho đỡ nhớ nghề. Vượng bảo, mệt là những hôm nhàn rỗi ở nhà không biết làm gì.

Nghệ sĩ của trẻ thơ

Hỏi Minh Vượng có chạnh lòng không khi trượt danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân” trong năm vừa qua, chị cười rổn rảng: “Nhà nước phong cho nghệ sĩ ưu tú là tự hào lắm rồi, còn nghệ sĩ nhân dân thì để nhân dân phong. Danh hiệu gì thì cuối cùng vẫn là phục vụ khán giả thôi, chỉ mong không thành nghệ sĩ nhăn răng là tốt lắm rồi!”.

Minh Vượng chia sẻ niềm hạnh phúc khi được khán giả, đặc biệt là các em nhỏ đặt cho danh hiệu “Nghệ sỹ của trẻ thơ”. Trong sự nghiệp diễn xuất của mình, Minh Vượng đã trải qua rất nhiều vai diễn khác nhau nhưng có lẽ, mỗi khi xuất hiện trên sân khấu và mang lại tiếng cười cho các em nhỏ là lúc “cô hề béo” cảm thấy phấn khởi, hào hứng nhất.

“Cô hề béo” đáng yêu của sân khấu Việt. Ảnh: Y Bình

“Một lần, khi mình đang diễn vai Phú ông độc ác, có bạn nhỏ chạy lên sân khấu ôm chặt lấy chân rồi òa khóc nức nở “Ôi! Bạn Minh Vượng ơi, xin bạn đừng ác thế!”, hay một hôm khác, vừa diễn xong, mướt mát mồ hôi nhưng ra gặp trẻ con, thấy mắt chúng nó cứ long lanh, bàn tay xíu xíu cứ bám vào ngón tay mình đầy tin cậy, lại nhũn cả người ra, lại muốn lao lên sân khấu”- chị cười rơm rớm nước mắt.

Từ lâu, Minh Vượng đã coi các khán giả nhí là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp diễn hài của mình. Mỗi lần đi diễn được nghe những câu nói ngộ nghĩnh, hồn nhiên của trẻ nhỏ, Vượng thấy tâm trạng mình thật ấm áp, giống như một “liều thuốc” tinh thần chữa trị mọi vết đau.

Mang trong người nhiều bệnh: tim, khớp, mỡ máu, huyết áp... đến nỗi, chị cũng phải tự nhận mình là “tủ thuốc di động” khi lúc nào cũng phải đủ 13 thứ thuốc. Chính bệnh tật đã khiến Minh Vượng từ giã giấc mơ gia đình từ những năm tuổi 30. Chị không dám lấy chồng khi biết mình không thể sinh con. Mất mát này khiến Minh Vượng cảm thấy yêu thương tất cả những đứa trẻ trên đời như những đứa con của mình.

Cuộc sống không dư dả nhưng cứ ai mời đi diễn từ thiện cho các bé là Minh Vượng lại đi, hoàn toàn không nhận tiền. Năm 2008, mẹ chị mất. Trước hôm 100 ngày của mẹ, chị vẫn bắt xe vào Hà Tĩnh để diễn cho các con trong trại chất độc da cam như lời đã hẹn. Diễn xong, lại lật đật bắt ôtô đi ra trong đêm để kịp hôm sau trọn chữ hiếu.

Rồi vừa mới năm ngoái, Minh Vượng đi diễn trong một chương trình nhân đạo cho thiếu nhi, trời mưa như trút nước nhưng thấy các con chờ đợi, háo hức nên chị vẫn cứ lao ra sân khấu mà cháy hết mình. Rồi chị ốm, nằm bẹp suốt một tuần, bao bệnh tật được thể tung hoành nhưng trong lòng lại thanh thản vì đã không phụ lời hứa với các con.

Chơi với trẻ, tưởng là dễ mà hóa lại phải lao tâm, phải có duyên thì mới làm được. Không phải tự nhiên một nữ nghệ sĩ gần tuổi 60 có thể làm bạn được với khán giả nhí như Minh Vượng. Tấm lòng yêu trẻ chân thành của một người đàn bà luôn khát khao làm mẹ đã giúp chị có được thành công như ngày hôm nay trong lòng triệu trái tim trẻ thơ.