Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới phía Bắc và là một trong 6 huyện nghèo của Hà Giang. Nơi đây chủ yếu chỉ có núi đá, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao trên 40%.
Với 17 xã và 1 thị trấn, huyện Mèo Vạc có trên 95% dân cư sinh sống tại khu vực nông thôn miền núi; thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để có được cái ăn hàng ngày, bà con nông dân nơi đây phải dùng những vốc đất bỏ vào khe đá để trồng ngô, trồng rau mà nhiều khi trời không thuận lòng người vẫn cứ mất mùa liên miên.
Như gia đình anh Phàn Vàng Páo ở xóm Lùng Thàng, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, thuộc diện gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cuộc sống của 4 nhân khẩu chỉ phụ thuộc vào trồng ngô, lúa trên nương, những ngày thời tiết khắc nghiệt, thất bát, gia đình anh Páo chẳng biết dựa vào đâu.
Nói về cuộc sống khó khăn của gia đình, chị Lò Thị Loan, vợ anh Páo không tính được thu nhập bình quân của gia đình trong 1 tháng vì chẳng đáng là bao.
“Nhà bốn người chỉ trông chờ vào làm ruộng, làm nương, không có việc gì khác để kiếm được tiền.Như mọi năm thời gian này đã trồng ngô nhưng năm nay thì chưa trồng được, mạ thì chưa gieo nên chắc năm nay sẽ mất mùa”, chị Loan chia sẻ.
Tuy nhiên, vào cuối năm 2014 gia đình anh Phàn Vàng Páo là một trong 50 hộ dân đầu tiên của tỉnh Hà Giang được nhận bò từ chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” do Tập đoàn Viễn thông quân đội(Viettel) trao tặng. Chỉ vài tháng sau, niềm vui đã nhân đôi khi con bò giống nhà anh Páo sinh bê con.
Chị Loan tâm sự: “Dù có vất vả tới mấy nhưng có bò là có thêm việc làm. Nghe tiếng chuông bò kêu, tiếng trẻ con gọi bò mình cảm thấy rất vui”.
Chia sẻ về chương trình tặng bò, chị Loan cho biết: “Đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn. Những hộ gia đình nghèo như vợ chồng tôi không có mong ước gì hơn là có con bò, một hai năm sau đàn bò phát triển sẽ có tiền cho các con ăn học”.
Sau một thời gian đến nay đã có nhiều bò mẹ đẻ bê con.
Điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp tại huyện Mèo Vạc lâu nay gặp vô vàn khó khăn từ thiếu nước tưới, thiếu nguồn đất canh tác đến thiếu sự hỗ trợ về vốn trong đầu tư chăn nuôi chuồng trại. Vì thế, đối với người dân nơi đây, việc được Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tặng con bò trị giá hàng chục triệu đồng là điều trong mơ họ cũng không dám nghĩ đến.
Bên cạnh việc trao tặng bò, những người lính Viettel còn sát cánh với các tổ chức khác giúp người nghèo có thêm kiến thức khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc, phát triển đàn bò. Nhờ thế mà công cuộc thoát nghèo của các hộ dân nơi đây đang có được từng bước đi chắc chắn, bền vững.
Để nâng cao hiệu quả chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã phối hợp với Cục Khuyến Nông hoàn thiện cuốn cẩm nang hướng dẫn chăm sóc bò để tặng cho các hộ dân được nhận bò, giúp họ có thêm kiến thức chăn nuôi bò giống. Cẩm nang chăm sóc bò sẽ được thiết kế với phần hình ảnh là chủ đạo nhằm giúp cho người dân nghèo (phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số) dễ tiếp cận hơn với cuốn tài liệu này.
Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm từ những bất cập trong quy trình chọn giống và trao bò của năm 2014, công tác chọn giống và trao tặng trong năm 2015 được Ban chỉ đạo chương trình thực hiện chặt chẽ, tuân thủ các quy định của của cơ quan chuyên môn như việc tiêm phòng dịch, nuôi nhốt cách ly trước khi trao tặng cho người dân… Nhờ đó đã kịp thời phát hiện các con giống kém chất lượng để loại bỏ không trao tặng cho người dân.
Không chỉ riêng Hà Giang, chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đang được triển khai tích cực tại nhiều tỉnh khác như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và Yên Bái. Ban chỉ đạo chương trình đã đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành kế hoạch trao tặng 24.000 con bò cho người dân để ước mơ thoát nghèo của đồng bào nghèo miền phên dậu không còn chỉ là mơ ước.
12 tỷ đồng hỗ trợ phối giống cho bò
Nhằm nâng cao hiệu quả chương trình“Bò giống giúp người nghèo biên giới” và hỗ trợ người dân vùng biên nhanh chóng thoát nghèo bền vững, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã cấp chi phí 12 tỷ đồng để giúp phối giống cho các hộ gia đình được nhận bò. Theo đó, các hộ nghèo được nhận bò sẽ được Viettel hỗ trợ chi phí phối giống là 500.000đ/hộ.Số tiền tài trợ cho các hộ dân này được sử dụng để thuê bò đực địa phương phối giống tự nhiên hoặc thanh toán cho các gia đình khi bò cái đậu thai, có xác nhận của cán bộ phụ trách chăn nuôi của UBND xã.
Theo tin từ Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, tính đến ngày 18/8, chương trình đã trao tặng được hơn 18.000 con cho hộ nghèo tại 11 tỉnh biên giới, hoàn thành xấp xỉ 80% mục tiêu của chương trình.