Từ quá khứ "diều hâu gãy cánh”…
Trước đây Liên Xô cũ là một trong những nước dẫn đầu lĩnh vực sản xuất UAV. Như loại Tu-143 với trọng lượng 1,2 tấn trang bị động cơ phản lực, có thể trinh sát chiến thuật, chụp ảnh cũng như nhận biết và truyền đi thông tin về tình trạng phóng xạ.
Cho tới năm 1989 đã có 950 chiếc Tu-143 được sản xuất, nhưng đến nay chúng chỉ còn được sử dụng như các mục tiêu trên không dành cho lực lượng phòng không tập luyện.
Những năm đầu thập niên 1990 Nga đã có chiếc Tu-300 – loại UAV được gọi là Diều hâu-Y, có trọng lượng 4 tấn, cánh hình tam giác và động cơ phản lực khá mạnh.
Loại UAV này có tải trọng 1 tấn bao gồm các thiết bị trinh sát, phụ trợ và các phương tiện truyền thông. Ngoài ra nó còn có thể mang theo tên lửa và bom, chủ yếu là tên lửa loại có điều khiển và không điều khiển.
Tuy nhiên Tu-300 đã không được "biên chế" trong các đơn vị chiến đấu của Không quân Nga bởi hệ thống hạ cánh bị cho là lạc hậu. Để hạ cánh, Tu-300 cần một hệ thống dù ở phần đuôi máy bay. Nhưng hệ thống này lại làm tăng nguy cơ hỏng hóc máy bay và ảnh hưởng đến quá trình sử dụng trong thực tế.
Nhưng lợi thế không thể phủ nhận của Tu-300 là khả năng cất cánh không cần đường băng. Tu-300 được phóng từ thùng xe tải chuyên dụng, sử dụng máy phóng gia tốc.
Năm 1990 dự án Diều hâu bị "đóng băng" do thiếu kinh phí, nhưng thời gian gần đây khả năng phục hồi dự án đã được giới chuyên môn nhắc tới. Điều khiến dự án được quan tâm trở lại là tốc độ bay đạt đến 950 km/h của Diều hâu cùng trọng lượng đáng kể nó có thể mang theo. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại Diều hâu vẫn đang nằm trên bàn nghiên cứu của các chuyên lịch sử hàng không Nga.
Theo Tư lệnh Không quân Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev, UAV trong tương lai sẽ giải quyết được không chỉ những vấn đề chiến thuật mà cả về tấn công chiến lược.
"Một trong những lợi thế của UAV so với loại có người lái là trọng lượng, kích thước nhỏ gọn nhưng vẫn có khả năng tác chiến cao"- Tướng Bondarev nhấn mạnh.
Bộ Quốc phòng Nga hiện đang bày tỏ quan tâm đặc biệt tới những vấn đề liên quan đến UAV. Quân đội Nga đã thành lập Trung tâm Quốc gia 924 chuyên đào tạo chuyên gia cho các đơn vị UAV, đồng thời tiến hành các thử nghiệm quân sự song song với tiếp tục nghiên cứu về UAV.
Tại điểm nóng chiến sự Syria hiện nay, các UAV như Zastava, Granat (với những phiên bản khác nhau), Eleron-3, Tachyon, Orlan-10, Forpost… đang được sử dụng và đem lại hiệu quả hữu ích trong lĩnh vực hoạt động tình báo, cung cấp các hình ảnh trực tuyến về trung tâm chỉ huy…
Tải trọng của các thiết bị bay này, bao gồm cả các thiết bị mang theo khác nhau và cách cất cánh cũng khác nhau. Tùy thuộc kích thước chúng có thể cất cánh trên đường băng, bằng máy phóng hoặc thậm chí chỉ cần có người thả cho cất cánh là được.
Bộ Quốc phòng Nga tin rằng trang bị UAV cho quân đội sẽ giúp gia tăng đáng kể khả năng thu thập tin tức, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cấp chỉ huy cập nhật và kiểm soát tình huống trên thực tế.
Từ năm 2016, các phi đội UAV bắt đầu được huy động để thực hiện thêm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu tại Bắc Cực. Các đơn vị đầu tiên thuộc loại này đóng trụ sở quanh vùng Chukchi tự trị, được trang bị máy bay "Orlan-10" và "Forpost".
…Và hy vọng tương lai: sát thủ tốc độ mới
Nói chung UAV được đánh giá là đang dần khẳng định vị trí trong lực lượng không quân nhiều nước trên thế giới.
UAV MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper đã được đưa vào phục vụ trong lực lượng không quân Hoa Kỳ, không chỉ thường xuyên được sử dụng trong các hoạt động chiến đấu thực tế mà còn trở thành "người hùng" khá phổ biến trên phim ảnh.
Các cảnh phim ngoạn mục khi UAV được đưa vào tham chiến, trong khi phi công điều khiển từ nơi cách xa đó hàng ngàn km đã xuất hiện trong hàng chục bộ phim hành động của Hollywood.
Trong tương lai gần quân đội Nga có thể được trang bị loại UAV hoàn toàn mới, có thể không chỉ thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên không (mục đích chính của các loại UAV hiện nay) mà còn tấn công đối phương.
Theo những nguồn thông tin mới nhất, UAV mới của Nga sẽ có những đặc điểm độc đáo hơn, đặc biệt tốc độ đạt tới 800 km/h, cũng như có thể mang theo hơn 250 kg vũ khí.
Có thông tin cho biết Nga đã bắt đầu chế tạo UAV loại xung kích hạng nặng đa nhiệm của riêng mình có khả năng tấn công mục tiêu và tiến hành trinh sát từ trên không) từ vài năm trước đây. Các tiêu chí kỹ thuật đã được Bộ Quốc phòng Nga phê duyệt và mới đây Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự - Công nghiệp Oleg Bochkarev cũng khẳng định rằng: chuyến bay đầu tiên của loại UAV mới sẽ có thể diễn ra vào năm 2018.
Một số chi tiết liên quan đến triển vọng của việc tạo ra một UAV xung kích cũng vừa được tiết lộ. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov - người giám sát việc cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cũng như chịu trách nhiệm về sự tương tác với các công ty quốc phòng - cho biết: giai đoạn cuối cùng hiện nay là công tác phát triển dự án UAV mới cũng như tạo ra những thiết kế mới, nhằm giải quyết các vấn đề ở cấp độ chiến thuật, hoạt động và chiến lược.
Cũng theo lời ông Yuri Borisov, các UAV xung kích có thể được cung cấp không chỉ cho Bộ Quốc phòng Nga, mà còn cho cả Cơ quan An ninh Liên bang Nga.
Tuy các đặc tính kỹ thuật chi tiết cũng như tên gọi của UAV trong tương lai cho lực lượng không quân Nga chưa được tiết lộ, nhưng theo các chuyên gia thì đó có thể là dòng Hunter do Công ty Sukhoi thiết kế, hoặc dòng Altius-M trong 1 dự án chung giữa công ty Transas ở St. Petersburg với công ty Falcon ở Kazan.
Cùng với ưu thế tốc độ cao, hai thiết bị này đều có thể cất và hạ cánh cả ngày lẫn đêm trong những điều kiện thời tiết xấu nhất.
Vấn đề được đặt ra là làm sao để thế hệ UAV chuẩn bị ra mắt giúp Nga lấy lại vị trí cường quốc sản xuất thiết bị UAV.