Donald Trump - Truman thứ hai?
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba, 8/8 rằng sẽ nhấn chìm Triều Tiên trong “khói lửa và thịnh nộ chưa từng thấy nếu tiếp tục đe dọa Mỹ” được nhiều chuyên gia coi là một bước ngoặt đáng chú ý, ít có tiền lệ trong lich sử quân đội Mỹ.
Theo New York Times, lời đe dọa của Tổng thống Trump có phần giống với giọng điệu của cố Tổng thống Mỹ Harry S. Truman khi ông tuyên bố Mỹ đã ném một quả bom hạt nhân xuống Hiroshima (Nhật Bản) hồi năm 1945 và kêu gọi Nhật Bản đầu hàng.
Khi ấy, ông Truman đe dọa nếu Nhật Bản vẫn tiếp tục cứng đầu, họ có thể sẽ phải hứng chịu một “cơn mưa tàn phá từ trên không, chưa từng nhìn thấy trên Trái Đất này”.
Cố Tổng thống Truman đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ của mình vào thời điểm quân đội Mỹ có lợi thế quân sự vượt trội so với Nhật Bản – quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, tình thế hiện tại của Tổng thống Trump thì ngược lại khi Mỹ đang phải đối đầu với một cường quốc tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Không rõ ông Trump có cố tình muốn “tái hiện lịch sử”, trở thành Truman thứ hai với những lời đe dọa mới nhất của mình không, nhưng đây được coi là sự phá vỡ truyền thống “phát biểu ôn hòa” kéo dài hàng thập kỷ của các đời Tổng thống Mỹ đối với các xung đột ở nước ngoài.
Sự cực đoan ít có tiền lệ
Michael Beschloss – một nhà sử học chuyên nghiên cứu về các đời Tổng thống Mỹ nhận định: “Thật khó để tìm thấy một Tổng thống sử dụng ngôn ngữ cực đoan hơn ông Trump trong những cuộc xung đột trước đây. Họ thường cố gắng sử dụng những ngôn ngữ ôn hòa hơn so với cảm xúc thật trong lòng mình, bởi họ luôn lo lắng rằng những lời nói của mình có thể khiến khủng hoảng leo thang.”
Theo Beschloss, hai cố Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower và John F. Kennedy có thể coi là hai nhân vật điển hình có cách ứng xử ôn hòa trước những lời đe dọa cay nghiệt của đối thủ.
Cố Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower từng phát biểu rằng nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev sẽ càng trở nên mất bình tĩnh nếu như ông càng buông những lời khó nghe nhằm vào phương Tây như “Chúng tôi sẽ chôn vùi các người”, “Chúng tôi sẽ phóng tên lửa như xúc xích”...
Cố Tổng thống John F.Kennedy cũng đưa ra những phát ngôn kiềm chế tương tự trong giai đoạn khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi phát hiện các địa điểm chứa tên lửa hạt nhân đang được Liên Xô xây dựng tại Cuba.
Lúc ấy, ông Kennedy kêu gọi ông Khrushchev "ngăn chặn và loại bỏ mối đe dọa bí mật, liều lĩnh, khiêu khích đó đối với hòa bình thế giới cũng như mối quan hệ ổn định giữa hai nước", đồng thời “đưa thế giới trở lại vực thẳm của sự tàn phá”.
Phản ứng trái chiều của giới chuyên gia
Phát biểu mới nhất của ông Trump – đưa ra tại khu nghỉ mát Bedminster, N.J. được cho là đã vượt xa cái gọi là “ngôn ngữ cứng rắn” thông thường mà các cựu Tổng thống Mỹ từng sử dụng.
Các nhà lập pháp đảng Dân chủ đã lên tiếng phản đối phát ngôn thiếu bình tĩnh của ông Trump. Họ lo sợ rằng ông Trump đang đưa nước Mỹ đến gần hơn với một cuộc chiến tranh tốn kém.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Benjamin L. Cardin – quan chức Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho rằng phát biểu của ông Trump về Triều Tiên thể hiện “sự thiếu kiềm chế và thiếu phán đoán trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nghiêm hiện tại”.
“Chúng ta không nên học theo kiểu tuyên bố táo bạo và khiêu khích của Triều Tiên về chiến tranh hạt nhân”, ông Cardin nói.
Ông Victor Cha – cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phụ trách vấn đề bán đảo Triều Tiên cho biết vị Tổng thống Mỹ gần nhất có những tuyên bố khắc nghiệt không kém ông Trump là cựu Tổng thống Bill Clinton.
Vào năm 1993, ông Bill Clinton từng tuyên bố nếu Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân thì đó sẽ là “cái kết của Triều Tiên”.
“Tôi cho rằng phát biểu của ông Trump có cùng tinh thần với phát biểu của ông Clinton”. ông Cha nói. “Các tuyên bố của Tổng thống Mỹ không phải là lời hứa về một cuộc tấn công mà là lời cảnh báo về hậu quả, một thông điệp nhằm mục đích nhăn chặn.”
Peter Feaver – người từng giúp cựu Tổng thống George W.Bush trong việc hình thành các thông điệp với tư cách cố vấn Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ nhận định: “Đây là một phát biểu mang tính cá nhân, và nó có ảnh hưởng một chút từ ngôn ngữ của Triều Tiên.”
"Tổng thống Trump có thể phát biểu theo cách thông thường. Nhưng chúng ta hãy thử phá vỡ truyền thống và đưa ra những tuyên bố giống với giọng điều của Triều Tiên để xem kết quả lần này có gì khác với các lần trước hay không", ông Feaver nói.