Màn rước kiệu đặc sắc ở lễ hội Tản Viên Sơn Thánh

TPO - Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh năm 2023 được tổ chức ngày 4/2 (tức 14 tháng Giêng năm Quý Mão) tại di tích lịch sử văn hóa đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì) thu hút đông đảo người dân, du khách.
Tới dự có Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh năm 2023 có Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến... cùng lãnh đạo sở, ban ngành T.Ư, TP. Hà Nội và huyện Ba Vì. Ảnh: TRỌNG TÀI.
Tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Hạ, các đại biểu cùng đông đảo người dân và du khách thắp hương bày tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân, cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Ảnh: TRỌNG TÀI.

“Sau 14 năm nỗ lực khôi phục, tôn vinh và quảng bá, những giá trị văn hóa của lễ hội Tản Viên Sơn Thánh đã được bảo tồn và lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nhân lên niềm tự hào về bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ”, ông Đỗ Mạnh Hưng - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì phát biểu khai hội Tản Viên Sơn Thánh - Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: TRỌNG TÀI.

Bí thư Huyện uỷ Ba Vì Dương Cao Thanh đánh trống Khai hội Tản Viên Sơn Thánh - Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: TRỌNG TÀI.

Trước khi khai hội Tản Viên Sơn Thánh, địa phương tổ chức trang trọng nghi lễ rước kiệu liên vùng dâng lễ bái tế Đức mẫu Thánh Tản tại đền Mẫu Lăng Sương (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) và rước kiệu lễ, hạ lộc từ đền Lăng Sương về đền Hạ (huyện Ba Vì, Hà Nội).
Theo truyền thuyết vùng núi Ba Vì và tâm thức dân gian Xứ Đoài xưa, Tản Viên Sơn Thánh sống vào thời Hùng Duệ vương thứ 18. Ngài là hiện diện của Tam vị sơn thần: Tuấn Công, Sùng Công và Hiển Công đã được lưu truyền hàng ngàn đời trường tồn cùng lịch sử văn hóa dân tộc. Việc thờ cúng, tế lễ để tưởng nhớ ngài đã ăn sâu vào đời sống nhân dân. Ảnh: TRỌNG TÀI.

Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ VHTTDL, UBND TP. Hà Nội, hàng trăm di tích trên địa bàn huyện được xếp hạng, tu bổ, tôn tạo. Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, huyện Ba Vì được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: TRỌNG TÀI.

Bên cạnh nghi lễ trang nghiêm, phần hội tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ và các trò chơi dân gian truyền thống từ 13 giờ đến 22 giờ các ngày 14-16 tháng Giêng (tức ngày 4-6/2). Ảnh: TRỌNG TÀI.