Vượt nghìn cây số bằng xe máy
Trời nhá nhem tối, cả trăm chiếc xe máy ùn ùn tiến về khu vực Trạm trung chuyển hầm Hải Vân (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) trong tiếng còi hụ cảnh sát giao thông vang vọng. Một nhóm người tiến vào khu vực trung chuyển xe máy, tháo rời hành lí để chuẩn bị cho chặng đường qua hầm. Bế đứa con trai đang ngủ ngon lành, chị Y Sô (người dân tộc Mông, quê ở Nghệ An) chật vật lắm mới leo xuống được chiếc xe máy cà tàng trơ khung.
Kiệt sức sau chuyến đường dài, chị Y Sô ngồi bệt xuống túi quần áo mà em chồng vừa thả xuống và ngóng đợi. Một lát sau, chiếc xe cảnh sát cơ động dừng lại trước nhóm người, một chiến sĩ cất giọng hỏi: “Lúc nãy anh chị nào gửi con cho em chở ạ?”, chị Y Sô lật đật đứng lên, dẫn 2 con qua lề đường ngồi nghỉ ngơi. Hai đứa nhỏ mặt mũi đen nhẻm vì bụi đường rụt rè vẫy tay chào chú cảnh sát.
Không nói sõi tiếng Kinh, chị Y Sô lo lắng khi có người hỏi chuyện. Đang lúi húi viết tên lên hành lí vì sợ lạc mất đồ, thấy có người đến hỏi, anh Xồng Bá Chì (anh chồng của Y Sô) vội vàng lục túi, vừa lôi giấy tờ ra vừa giải thích: “Mình ở Bình Phước về, không liên quan gì đến TPHCM đâu, có giấy tờ này, trước khi về mình đã đi lấy máu (test nhanh COVID-19 – PV) hết rồi!”.
Làm nghề cạo mủ cao su ở địa phần giáp ranh giữa Bình Phước và Đăk Nông, dịch bệnh bùng phát khiến công việc bị tạm ngưng do không ai thu mua mủ, anh Chì cùng mấy anh em bàn nhau về quê. 12 người lớn, 5 đứa trẻ nhỏ rông ruổi cả ngàn cây số đã hơn 2 ngày nay trên những chiếc xe máy đã “tàn”, chất theo lỉnh kỉnh đồ đạc, gà qué…
Để được về, anh Chì cùng mấy anh em cũng chật vật mấy ngày trời để có thể được xét nghiệm. Bởi vậy, anh giữ mấy tờ giấy kết quả như bảo vật, gói kĩ trong 2 lớp ni lông. Cứ có người hỏi, anh Chì lại lật đật lôi giấy ra vì “sợ người ta bắt quay lại”.
“Mấy anh em mình vô trong đó cạo mủ cũng lâu rồi, mình đi trước, rồi dắt mấy đứa em đi theo chứ ở quê không có cái ăn. Giờ trong đó cũng không kiếm được cái ăn, lại dịch nữa, sợ quá phải về thôi”, anh Chì nói.
Tương Dương – quê của mấy anh em Chì là huyện miền núi nghèo của Nghệ An, vì nghèo họ phải tha hương cầu thực. Nhưng lúc khốn khó vì dịch bệnh, anh Chì vẫn lựa chọn trở về. “Về chứ, về còn có bản làng, đi làm nương rẫy, bắt cá vẫn sống được qua ngày”, anh Chì trầm ngâm.
Nhiều năm di chuyển trên hành trình Nghệ An – Bình Phước nhưng đây là lần đầu tiên, họ tự chạy xe máy về.
“Trước đây, khi đi làm, cả nhà đều đi xe giường nằm, nên lần này về không ai biết đường. Cứ nhìn mấy cột chỉ dẫn trên đường rồi chạy theo. Đi một ngày gặp được đoàn đông thế là mình đi theo, không phải vừa đi vừa mò đường nữa”, chị Y Mái (em gái Chì) kể.
Sõi tiếng Kinh, thấy một bàn xếp đầy cơm hộp, chị Y Mái chạy tới hỏi xin về chia cho các cháu và anh chị. Cả nhóm người dắt díu nhau ra vãi đất trống phía sau khu để xe ngồi ăn cơm vì sợ lây chéo các nhóm khác. “May về đây gặp các chú công an, các chú sửa xe cho, lại còn cho cơm, cho nước mới đỡ khổ. Chứ đi trên đường chỉ ăn bánh mì, mì tôm, mình còn chịu được, mấy đứa nhỏ cứ khóc đòi cơm”, chị Y Mái nói.
Màn trời, chiếu đất trên quốc lộ
3h sáng ở khu vực giáp ranh giữa xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) và xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, Quảng Nam), tiếng xe máy, tiếng còi hụ vang vọng, cả trăm chiếc đèn xe máy “xé” màn đêm. Đoàn vừa dừng, nhiều người tranh thủ ngồi nghỉ bên lề đường, có người mệt mỏi nằm xoài ra đường tranh thủ chợp mắt.
Tấp chiếc xe máy vào lề đường, ông Nguyễn Văn Sáng (40 tuổi, quê ở Thanh Hóa) lúi húi tháo đồ đạc để các tình nguyện viên hỗ trợ kiểm tra xe. Hành trình của ông cùng chiếc xe wave cũ liên tục đã hơn ngàn cây số. Gần 2 ngày trời lăn lộn trên đường quốc lộ dưới trời nóng bức, chiếc khẩu trang của ông đã ngả màu, chiếc áo sơ mi khoác ngoài cũng cáu bẩn, loang lổ vệt mồ hôi.
Ông Sáng chỉ là một trong hơn 200 con người từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch đi ngang qua địa phận Đà Nẵng trong đêm nay. Họ không hẹn mà thấy nhau trên đường, rồi nhập đoàn để đỡ đần nhau trong hành trình hồi hương đầy gian truân này.
Làm công nhân ở Bình Dương đã nhiều năm nay, khoản tiền lương mỗi tháng ông gửi phần nhiều về quê đỡ đần gia đình, còn lại dè xẻn chi tiêu để bám trụ lại thành phố. Dịch bệnh ở Bình Dương bùng phát, công ty chia ca, cắt giảm công nhân, ông Sáng cùng người bạn cùng trọ thất nghiệp. Vét sạch ví, 2 người cùng đi test nhanh COVID-19, mua thêm bánh mì, lương khô và nước uống rồi về quê.
“Dọc đường, cứ thấy mệt, tôi tấp vào chỗ mát bên lề đường nghỉ. Dựng chân chống giữa xe máy lên là thành chiếc giường di động, người này nằm trên xe thì người kia nằm đất. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ ngủ 4 – 5 tiếng thôi, còn lại chạy liên tục để nhanh về nhà”, ông Sáng nói.
Hơn 2 ngày phơi mình trên quốc lộ, anh Lầu Bá Thành (22 tuổi, quê ở Kỳ Sơn, Nghệ An) đã mệt lả người, đôi mắt trũng sâu, hốc hác. Suốt quãng đường từ Bình Dương về đến Đà Nẵng, Thành chỉ dám nhai mì tôm sống và uống nước cầm hơi.
“Dù đã test COVID-19 trước khi về nhưng em vẫn ý thức được mình là người có nguy cơ. Vì vậy, dọc đường em không dám dừng lại nhà dân hay quán sá gì. Có cái áo mưa bỏ cốp xe, chỗ nào vắng, tụi em trải ra, thay nhau nghỉ”, Thành run giọng vì mệt.
Tiếp sức đồng bào
Dù là rạng sáng hay chập choạng tối, vẫn có những phần nước, phần đồ ăn mà lực lượng CSGT Đà Nẵng cùng các nhà hảo tâm chuẩn bị sẵn ở khu vực hầm Hải Vân dành cho các đoàn người hồi hương tránh dịch. “Đi qua tỉnh nào, chúng em cũng nhận được sự hỗ trợ, khi thì bà con cho đồ ăn, nước uống, có người hỗ trợ đổ xăng, tới Đà Nẵng mọi người còn được sửa xe, hỗ trợ qua hầm miễn phí. Hành trình này rất dài, rất mệt mỏi nhưng sự tiếp sức của mọi người làm em thấy ấm lòng”, Lầu Bá Thành (22 tuổi, quê Nghệ An) nói.
Những đoàn người chạy xe máy về quê tránh dịch đa phần là lao động nghèo. Mất việc ở thành phố, việc bám trụ lại ở thành phố là bất khả thi. Họ vét sạch chút tiền cuối, bán tháo đồ đạc làm lộ phí xét nghiệm và đi đường. Chất trên chiếc xe máy tàn đôi khi không chỉ là hành lí mà còn là chiếc quạt máy, cái bếp ga, chiếc lồng sắt với 3-4 con gà chen chúc… Đó là chút gia sản ít ỏi mà họ mang về từ phố thị.
“Nếu không khốn cùng, tôi không về đâu. Mẹ tôi đã già, đau bệnh luôn. Tôi cũng băn khoăn mãi, nhỡ mình về rồi lây bệnh cho mẹ, cho người thân thì phải làm sao. Nhưng không về, tôi cũng không biết làm gì ra tiền ở thành phố vào lúc này, chẳng lẽ 40 tuổi đầu lại ngửa tay xin tiền gia đình”, ông Sáng ngậm ngùi, vừa nhẩm tính cách ly xong sẽ đi làm thợ phụ để kiếm thêm thu nhập.