Từ đây, ngó xuống chân đèo sâu thăm thẳm là dòng sông Nho Quế, ngước nhìn qua bên kia là dãy núi trùng điệp của ba xã Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ cùng huyện và qua đỉnh núi ấy là biên giới. Bên kia là huyện Ma ly phố thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Hôm nào trời quang mây tạnh, nhìn ngược dòng sông, hút tầm mắt là Lũng Cú, nơi cực bắc tổ quốc. Sông Nho Quế chảy vào đất Việt qua Lũng Cú, xuôi dưới chân Mã Pì Lèng, đến Bảo Lâm (Cao Bằng) thì hợp với sông Gâm, rồi xuống Yên Sơn (Tuyên Quang) hội với sông Lô và tới Việt Trì (Phú Thọ) hòa vào sông Hồng, đổ ra biển Đông.
Nghe kể, cách đây nửa thế kỷ, dân công làm đường qua đèo này, phải treo mình bằng dây sắt trên vách đá núi mà đục đá. Trên đỉnh đèo, mới đây đã dựng tấm bia, ghi lại công lao của những người mở đường. Thời chiến tranh biên giới Việt-Trung, tôi đã bao lần đi bộ trèo qua đèo này, nền đường là mặt đá gốc, chợt sững người, khi nhìn thấy những cái dây an toàn bằng sắt còn treo lủng lẳng trên vách núi. Kể ra, có một sợi dây an toàn kỳ lạ như thế, bày ở Bảo tàng Hà Giang, hay Bảo tàng Giao thông vận tải Việt Nam, thì sống động biết nhường nào. Hai bên đèo là những nương ngô bời bời xanh, trên sườn núi xám. Chiều chiều, trẻ con lùa dê về bản, tiếng chuông leng leng hòa lẫn tiếng kèn lá tí te. Khói bếp tỏa trên các mái nhà, hòa vào sương chiều và mây núi như một bức tranh thủy mạc. Ngày nay, mặt đường trải nhựa, bên vực có thanh chắn an toàn bằng thép. Trên đỉnh đèo mở rộng, có xây một cái phương đình cho du khách ngắm cảnh sông, núi, gió, mây...
Đèo Mã Pì Lèng nằm trên tuyến đường quốc lộ 4C, nhưng dân thường gọi là đường Hạnh Phúc. Đường Hạnh Phúc bắt đầu từ thành phố Hà Giang, qua các Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và kết thúc là thị trấn Mèo Vạc, dài một trăm rưỡi cây số. Từ xuôi lên, ai đi chợ tình Khau Vai, thì nên ghé qua đèo Mã Pì Lèng, để thưởng thức một cảm giác mạnh mẽ và tươi mưởi, hiếm gặp trong đời. Nếu các đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Pha Đin và Mã Lì Lèng được xếp vào loại “Tứ đại đỉnh đèo” miền Bắc Việt Nam, thì có thể nói rằng, Mã Pì Lèng là thắng cảnh hùng vĩ và nên thơ nhất. Mã Pì Lèng có nghĩa là gì? Dân bản Mã Pì Lèng dưới chân đèo, có thể trả lời, theo tiếng Quan Hỏa, nghĩa là sống mũi ngựa. Hình ảnh so sánh con đèo với sống mũi ngựa là nói lên sự hiểm trở. Ngày trước, qua đèo, thỉnh thoảng gặp người Mông ở Thượng Phùng, người Tày ở Đồng Văn... dắt ngựa xám thồ hàng, cưỡi ngựa hồng xuống chợ. Nhưng bây giờ, ngựa vùng cao không còn mấy, đường giao thông lại thuận tiện hơn, nên người dân dùng xe máy, vừa nhanh, gọn và đỡ phải chăn dắt khó nhọc.
Đỉnh đèo Mã Pì Lèng cao hơn mặt biển cỡ ngàn mét và độ dài con đèo khoảng mười cây số. Và chỉ chừng đó thôi, cũng đủ thử thách bản lĩnh và tay nghề của cánh lái xe. Cách đây ba mươi năm, trong bộ quần áo tà pủ của đàn ông dân tộc Mông, tôi đã cùng bộ đội biên phòng đồn Săm Pun leo lên đỉnh 1735, trên đường biên, thuộc xã Thượng Phùng, điểm cao nhất khu vực biên giới Mèo Vạc, nhìn xuống con đường qua Mã Pì Lèng, thấy nhỏ như mảnh vải lanh của cô gái Mông bỏ vương trên sườn núi. Đối diện bên kia biên giới, có ngọn Sư Tử Sơn cao hơn ta một mét, bằng 1736 mét. Xem bản đồ UTM và F48, đều vẽ một con suối nhỏ và lấn sâu vào đất Việt Nam nửa cây số, so sánh đối chiếu thực địa thấy sai quá chừng. Hồi đó, đây là một vùng trắng, bãi mìn chi chít và nằm trong vùng xạ kích của cả hai bên. Về sau, nhớ kỷ niệm vùng biên cương, tôi viết truyện ngắn Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pì Lèng, được đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và gần đây vào trang Website của Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn.
Mã Pì Lèng đã nằm trong ký ức cuộc đời tôi tự lúc nào. Bây giờ, thỉnh thoảng trở lại sống mũi ngựa, lòng cảm thấy bâng khuâng và man mác buồn.
Thành phố Tuyên Quang, 9/6/2014
Tản văn của
Vũ Xuân Tửu