Chênh vênh… tản văn

Chênh vênh… tản văn
TP - Thường tản văn dành cho những cây viết cứng, thâm trầm, sâu sắc… nhưng Nguyễn Ngọc Thạch có nhu cầu chơi tản văn từ năm 25 tuổi. Dường như người đồng tính dễ thấy chênh vênh hơn, vì thế mà tập tản văn Chênh vênh hai lăm của anh ra đời.

> Nguyễn Ngọc Tư: 'Mình thơm nắng thì khỏi cần nước hoa'
> Buồn đến bao giờ?

Một điểm có khả năng gây hấp dẫn cho tập văn này là… giới tính của tác giả. Người viết văn công khai đồng tính vốn rất hiếm hoi, và hẳn độc giả cũng có chút tò mò về tản văn của họ. Thực ra cũng không có gì quá khác lạ. Chỉ một vài lĩnh vực mà người viết nam ít đả động như là nhan sắc của bản thân, Thạch thì có.

Những chiêm nghiệm không có gì cao siêu Thạch rút ra từ đời sống hằng ngày của một người trẻ điển hình sống ở Sài Gòn được anh chia sẻ nhẹ nhàng. Giống như câu chuyện của những người bạn - nói với nhau để thêm hiểu, thêm đồng cảm, chứ chưa đến mức nâng cao thẩm mỹ hay mở rộng tầm mắt cho ai.

Thạch có độ nhạy cảm và tĩnh lặng cần thiết để quan sát cuộc sống: “Hóa ra ở Sài Gòn, lòng tin là cái mắc nhất mà không phải ai cũng đủ khả năng mua cho mình”. Thạch cũng nhiều giọng điệu để độc giả đỡ bị nhàm. Cũng về Sài Gòn, một tản văn khác lại có giọng hài hước: “Chuyện Sài Gòn nói cả đời nhiều khi hổng hết, nên thôi dừng ở đây. Ai muốn thì tự tới Sài Gòn mà coi cho biết”.

Mảng đề tài gây ấn tượng là tình yêu và phụ nữ. Độc giả sẽ rõ một người đồng tính nam yêu thế nào. Nữ giới đọc Luận đàn bà hẳn lấy làm tâm đắc vì có người khác giới hiểu mình đến thế. Đọc Mẹ để thấy làm mẹ của gay cũng không đến nỗi nào(!).

Năm qua Nguyễn Ngọc Thạch ra vài đầu sách, làm cả kịch bản phim. Anh cũng không bỏ qua những status nhiều người thích trên Facebook. Nhiều dòng tức hứng trên Face được anh đưa vào tản văn. Trong tập, có hơn một bài hướng dẫn cách ứng xử trên Facebook, cùng một số bài khác gọi là tạp bút thì đúng hơn. Đôi chỗ diễn đạt chưa thoát, dùng từ chưa đắt. Chẳng hạn: “Thầy nhận tri thức rồi kế thừa nó cho đàn đàn lớp lớp sau mình”. Nhưng phải thế mới gọi là Chênh vênh…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.