Lương hưu thấp hơn cả chuẩn nghèo!

TP - Ngày 23/10, trả lời Tiền Phong, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nhấn mạnh: Hệ thống thang bảng lương còn rất bất hợp lý. Và thật khó chấp nhận, lương hưu ở ngay những thành phố lớn thấp hơn cả chuẩn nghèo.

Về chuyện khó có khả năng tăng lương trong năm 2015 theo lộ trình, ông Ngô Văn Minh nói: Nếu Chính phủ quá khó khăn ngân sách không thể tăng lương đồng đều, cũng phải phân loại những nhóm người hưởng lương thấp để tăng. Ví dụ những đối tượng có hệ số lương từ 2,34 đến 4 phẩy, tổng lương tháng chỉ dao động 2,7 triệu đồng đến 4 triệu đồng, trong bối cảnh giá cả đắt đỏ như hiện nay, đến nông thôn còn khó sống huống gì là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Và ngay đến các đối tượng chính sách, người nghèo theo quy định của Chính phủ hằng tháng mỗi người được hưởng mức trợ cấp từ 120- 170 ngàn đồng, song đến nay cũng đã dừng lại. Với tư cách là đại biểu QH tôi đề nghị Chính phủ phải chi lại những khoản này.

ĐB Ngô Văn Minh

Thưa ông, Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết tốc độ tăng lương đang cao hơn tốc độ tăng GDP. Nhưng một số ĐB bình luận, chi tăng lương chỉ khoảng 40 ngàn tỷ đồng, chưa thấm tháp gì so với tiền lãng phí, tham nhũng?

Tôi được biết, ngay tại TPHCM, trung tâm kinh tế cả nước, có đến 15% số lao động khi về hưu lương thấp hơn cả mức chuẩn nghèo của thành phố. Điều này sao có thể chấp nhận được!

ĐB Ngô Văn Minh

Bộ trưởng Vinh nói đúng. Tốc độ tăng lương cao hơn GDP là vì nền kinh tế chúng ta chưa thoát ra khỏi khó khăn, trong khi bộ máy hành chính lại rất cồng kềnh dẫn đến hệ quả như vậy. Có một thực tế, chúng ta đang đầu tư cực kỳ lãng phí. Ví dụ như hệ thống các trường nghề, tỉnh, thành nào xây dựng cũng hoành tráng, nhưng xây xong không có học sinh học, học xong cũng không biết làm gì. Ngay tại Bạc Liêu, tỉnh đã phải nhập trường trung học dạy nghề với trường lao động đào tạo nghề làm một, vì không có học sinh để học. Lãng phí đã ăn sâu vào ngõ ngách đời sống xã hội, trong khi chúng ta lại không có tiền chi lương.

Có một vị giáo sư (GS) nghỉ hưu nói rằng lương một vị GS chưa bằng lương hưu ông thiếu tá và còn có những bất cập khác về thang bảng lương?

Tôi rất đồng cảm với trăn trở của vị GS nọ. Tuy rằng, đây cũng chưa hẳn là sự chênh lệch mức lương giữa dân sự với quân sự mà ngay trong hệ thống dân sự cũng đang có sự khập khiễng thang bảng lương. Ví dụ lương chủ tịch xã hiện rất thấp, công chức xã chỉ cần 3 lần tăng lương đã vượt mức lương ấy. Bất cập nhất hiện nay lương thấp nhưng phụ cấp theo lương lại nhiều, ngành nào cũng đòi hỏi đặc thù nghề nghiệp để moi trợ cấp. Ngành quốc phòng, an ninh lương, phụ cấp cao cũng có thể chấp nhận được. Còn những người có học hàm như GS, PGS cống hiến âm thầm cho đất nước không thể đo đếm được, lương như hiện nay rất cần suy nghĩ. Thời gian qua, chúng ta không chỉ chậm đổi mới mà còn thiếu khoa học trong việc sắp xếp thang bảng lương, phụ cấp.

QH đang thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có nhiều ý kiến băn khoăn, còn ý kiến của ông?

Nếu thiết kế dự thảo Luật BHXH như đang đặt lên bàn các đại biểu thì Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm. Nhưng cũng tại dự thảo lại cho phép đầu tư từ quỹ để sinh lời. Điều này không đúng luật vì chỉ có hệ thống tài chính, ngân hàng, tín dụng mới được phép kinh doanh sinh lời. Ngoài ra nếu quy định BHXH có chức năng thanh tra lĩnh vực đóng BHXH (hiện thuộc Bộ LĐTB&XH), phải chuyển tất cả nhân viên của cơ quan này thành công chức nhà nước. Điều này rất vô lý ! Nợ BHXH đã lên tới con số 12 ngàn tỷ đồng. Lãnh đạo ngành BHXH có dám đứng trước QH hứa không để nợ, trốn, ăn quỵt BHXH của người lao động khi xin được trao “gậy” thanh tra cho mình, chưa nói có đòi lại 12 ngàn tỷ đồng nợ không!? Nếu giao công tác thanh tra cho ngành BHXH, tại kỳ họp này Bộ trưởng LĐTB&XH phải giải trình vì sao không hoàn thành nhiệm vụ phải giao sang cho BHXH.

Nợ BHXH tràn lan vẫn chưa thể truy trách nhiệm cho cơ quan nào, trong khi ngành BHXH, LĐ TB& XH luôn kêu ca câu chuyện vỡ quỹ?

Khi chúng ta lo cho vấn đề vỡ quỹ bảo hiểm, chế độ an sinh xã hội vẫn sơ khai. Hàng triệu người chưa có BHXH. Để tránh vỡ quỹ, dự thảo Luật quy định kéo dài năm công tác để hưởng lương hưu. Ví dụ, theo quy định hiện hành, người lao động tối thiểu đạt 15 năm công tác sẽ được hưởng mức lương bằng 45%; thế nhưng dự thảo Luật lại đang nâng lên tận năm 2016, 2018 phải đủ 18 - 20 năm công tác liên tục mới được hưởng 45% như hiện nay, đã thế mức lương ngày một thấp là điều bất hợp lý. Tôi được biết, ngay tại TPHCM, trung tâm kinh tế cả nước, có đến 15% số lao động khi về hưu lương thấp hơn cả mức chuẩn nghèo của thành phố. Điều này sao có thể chấp nhận được! Quy định gì thì quy định, lương hưu cho người lao động, viên chức, công chức phải được cải tiến theo chiều tốt lên, chứ không phải chiều ngược lại.

Cảm ơn ông!